Sáng 9.3, hàng ngàn người bao gồm bị hại, người có nghĩa vụ liên quan, luật sư có mặt tại TAND tỉnh Hậu Giang để tham dự phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dự kiến kéo dài đến 23.3.

Gần 1.000 bị hại và người liên quan dự phiên tòa giám đốc lừa đảo 160 tỉ đồng

Nguyên Việt | 09/03/2022, 10:13

Sáng 9.3, hàng ngàn người bao gồm bị hại, người có nghĩa vụ liên quan, luật sư có mặt tại TAND tỉnh Hậu Giang để tham dự phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dự kiến kéo dài đến 23.3.

Đây được xem là vụ lừa đảo lớn nhất tỉnh Hậu Giang từ trước đến nay. Từ 7 giờ sáng, những bị hại được triệu tập ở các tỉnh thành ĐBSCL và khắp cả nước đã kịp có mặt để nghe đọc tên, làm thủ tục tham dự phiên tòa.

Đa phần các bị hại là người cao tuổi ở các vùng quê, tin vào lợi nhuận cao khi đầu tư tiền vào dự án của các bị cáo, nhưng kết quả bị lừa. Dáng vẻ mệt mỏi, ông Nguyễn Đình Thảo (59 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) là một trong gần cả ngàn bị hại đến tham dự phiên tòa.

ong-thao.jpg
Ông Nguyễn Đình Thảo - một trong những bị hại của vụ án lừa đảo lớn nhất tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Nguyên Việt

Ông Thảo cho biết, tháng 9.2018, qua bạn bè ông biết đến dự án bất động sản của Công ty Cổ phần Bất động sản Cao Thắng đang huy động vốn đầu tư. “Tôi lấy tiền dưỡng già, vay mượn thêm bên ngoài được 300 triệu đồng để đầu tư với niềm tin 3 tháng sau sẽ có lãi 100 triệu đồng. Nhưng từ đó đến nay tôi không có đồng lời nào mà mất luôn tiền gốc”, ông Thảo cho hay.

Trong sân tòa án, hàng trăm bị hại khác cùng tâm trạng với ông Thảo, họ là những nhà đầu tư nông dân, tin lời của “người đi trước” vào viễn cảnh lợi nhuận kếch xù nên huy động, vay mượn tiền bạc để đầu tư cho đến khi bừng tỉnh, biết mình bị lừa. Có mặt tại tòa, họ với niềm tin mỏng manh sẽ đòi lại được số tiền đã mất.

nha-dau-tu.jpg
TAND tỉnh Hậu Giang bố trí khung rạp để các bị hại, người liên quan có thể tham dự phiên xét xử từ sân tòa - Ảnh: Nguyên Việt

Theo cáo trạng, các bị can Võ Thanh Long, Trần Vạn Lợi, Lữ Nhựt Trường, Nguyễn Tân Định, Trần Tấn Phát, Phạm Minh Hoàng, Lê Minh Thu, Võ Văn Sang, Lê Thành Nguyên và Đỗ Văn Thọ cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Bị can Võ Thanh Long được xác định là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị can còn lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 816 người thuộc 39 tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền gần 160 tỉ đồng.

bi-cao.jpg
Các bị cáo của vụ án trong phiên xét xử sơ thẩm sáng 9.3 - Ảnh: Q.T

Theo hồ sơ, cuối năm 2012, Long thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Kim Trung Hải (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thuộc lĩnh vực xây dựng. Do hoạt động không hiệu quả, đầu năm 2015, Long làm thủ tục đổi thành Công ty Cổ phần Quốc tế Ước Mơ Việt (Công ty Ước Mơ Việt), đồng thời chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực dịch vụ bảo trì thiết bị điện, điện tử - điện lạnh…

Tháng 10.2016, Long thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Cao Thắng (Công ty Cao Thắng), với ngành nghề hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đầu năm 2017, Long ký hợp đồng mua lại khu du lịch (KDL) sinh thái Phú Hữu (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) từ Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Danh với giá 26 tỉ đồng.

Sau khi nhận chuyển nhượng dự án, Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai thực hiện dự án, đồng thời không thực hiện chuyển quyền sử dụng đất sang cho Công ty Cao Thắng.

Tháng 6.2017, Công ty Cao Thắng đăng ký thay đổi lần 1 (chuyển địa chỉ trụ sở). Hai tháng sau, công ty này tiếp tục đăng ký thay đổi lần 2 với nội dung tăng vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp từ 39 tỉ đồng lên 59 tỉ đồng, tuy nhiên số vốn góp này không có thực.

Lúc này, mặc dù dự án KDL Phú Hữu thuộc quyền sở hữu của Long, Long với vai trò là Tổng Giám đốc Công ty Cao Thắng đã chỉ đạo các phó tổng giám đốc, nhân sự chủ chốt cung cấp thông tin sai sự thật về dự án cho khách hàng, nhằm huy động vốn triển khai dự án kinh doanh du lịch tại KDL Phú Hữu.

vo-thanh-long.jpeg
Võ Thanh Long được xác định là chủ mưu của vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 160 tỉ đồng - Ảnh internet

Sau khi nhận tiền đầu tư của khách hàng, Long chỉ sử dụng một phần nhỏ vào việc xây dựng, sửa chữa một số hạng mục công trình tại KDL Phú Hữu; số tiền còn lại sử dụng vào việc thanh toán các hợp đồng đại lý phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt, hoàn trả cho khách hàng của hợp đồng hợp tác đầu tư, chi phần trăm cho bộ phận kinh doanh, chi hoa hồng môi giới, lương cho nhân viên… dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty Cao Thắng, Long cùng với Trần Vạn Lợi, Lữ Nhựt Trường, Nguyễn Tân Định, Trần Tấn Phát, Phạm Minh Hoàng, Lê Minh Thu, Lâm Mỹ Phương, Võ Văn Sang, Lê Thành Nguyên và Đỗ Văn Thọ đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 816 người thuộc 39 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có nhiều trường hợp một người tham gia đầu tư vào nhiều hình thức huy động vốn, với số tiền đã bị các bị can chiếm đoạt là hơn 159,7 tỉ đồng.

Trong đó, Long là người đại diện theo pháp luật của Công ty Ước Mơ Việt và Công ty Cao Thắng, đồng thời là người chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của 2 công ty này.

Long là người chủ mưu trong việc đưa ra 5 hình thức huy động vốn gồm: hợp đồng hợp tác đầu tư; thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt để mua cổ phần Công ty Cao Thắng; bán cổ phần Công ty Cao Thắng; bán vé ITO; hợp đồng đại lý bán vé du lịch. Long cũng là người chỉ đạo cho các bị can còn lại cách thức thực hiện nhằm chiếm đoạt tổng số tiền nói trên.

VKSND tỉnh Hậu Giang kết luận: Trong khoảng thời gian từ tháng 4.2017 đến tháng 10.2019, Long cùng các bị can đã lợi dụng dự án KDL Phú Hữu để huy động vốn theo phương thức đa cấp thông qua các hình thức để chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, Long là người chủ mưu, cầm đầu đã chỉ đạo các bị can còn lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Các bị can còn lại là đồng phạm với vai trò là giám đốc, phó tổng giám đốc đã thực hiện hành vi giúp sức cho Long thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.

Hành vi của các bị can là đặc biệt nghiêm trọng, với lỗi cố ý đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Hành vi phạm tội mà các bị can thực hiện đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Đối với Lâm Mỹ Phương (một trong các nhân sự chủ chốt của Công ty Cao Thắng), hiện đã bỏ trốn đi nước ngoài, vào các ngày 22.2.2021 và 16.3.2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định truy nã bị can, đồng thời tách vụ án hình sự đối với hành vi phạm tội của Lâm Mỹ Phương.

Trước đó, tháng 11.2019, Long bị khởi tố, bắt tạm giam, đến năm 2020, các bị can còn lại bị khởi tố, bắt giam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 1.000 bị hại và người liên quan dự phiên tòa giám đốc lừa đảo 160 tỉ đồng