Những cuốn sách, truyện cho thiếu nhi được gắn mác 14+, 15+, 17+, không ai có thể biết được chúng có thực sự đến được với đúng đối tượng, đúng lứa tuổi độc giả hay không. Việc để lọt những ấn phẩm có nội dung thiếu lành mạnh thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà xuất bản.
Khiêu dâm trá hình?
“Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà xát mãi vào thắt lưng nàng… khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hoá đá…”, đoạn văn trích ra từ cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú của NXB Văn hóa - Thông tin vốn dành cho con trẻ, đã khiến không ít bậc phụ huynh giật mình khi sử dụng những ngôn từ “người lớn”. Mặc dù đã có thông tin cho rằng, đoạn văn trên thực chất lấy từ một tích truyện thần thoại Hy Lạp - miêu tả thần Dớt (Zeus) - vị thần tối cao hóa thành thiên nga để tình tự với Leda - vợ của vua xứ Sparta, một phụ nữ nổi tiếng với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ phản ứng quyết liệt khi cho rằng đoạn văn trên mang tính gợi dục, hoàn toàn không phù hợp với đối tượng thiếu nhi. Mặc dù cuốn sách đã được lưu hành từ năm 2006, tức là tồn tại trên thị trường đến 8 năm, nhưng không hiểu sao cho đến thời điểm này nó mới bị phát hiện.
Được biết, trên bìa sách cũng không hề có cảnh báo hay bất kỳ khuyến cáo nào về nội dung bên trong tác phẩm. Liên quan đến vấn đề nội dung, theo ông Phạm Quốc Chính - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, tính chất và mức độ vi phạm sẽ phụ thuộc vào việc cuốn sách có đúng là dịch nguyên bản từ tích truyện thần thoại Hy Lạp hay hoàn toàn dịch sai so với nguồn, từ đó, Cục Xuất bản sẽ làm rõ và đưa ra được phương án xử lý.
Cách đây vài năm, bộ truyện tranh ăn khách “Shin - Cậu bé bút chì” của NXB Kim Đồng sau khi phát hành 5 tập đầu tiên đã gặp phải những phản ứng gay gắt khi đưa vào những hình ảnh nhạy cảm, khiến người lớn cũng phải… đỏ mặt. Bộ truyện đã từng bị cấm xuất bản và đã bị ngưng tới 3,4 năm để NXB làm việc lại với đối tác nhằm thống nhất trong khâu chỉnh sửa nội dung, hình ảnh toàn bộ 50 tập, trước khi phát hành trở lại. Một cuốn sách được các em nhỏ Việt Nam yêu thích, từng được coi là cuốn cẩm nang giáo dục con cái cho các bậc phụ huynh mà để lọt những hình ảnh bị cho là phản cảm, thì đó là điều nguy hiểm. Phải chăng việc đánh giá và thẩm định nội dung các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi vẫn yếu kém.
|
Những hình ảnh trong các quyển truyện tranh được bày bán trên thị trường |
Tăng dần mức nhạy cảm
Trước sự bùng nổ của vô vàn thể loại, các đầu sách, tranh truyện dành cho thiếu nhi, dĩ nhiên việc lựa chọn một cuốn sách phù hợp cho con trẻ đầu tiên phải dựa vào giới hạn độ tuổi của cuốn sách đó. Theo tìm hiểu ở NXB Kim Đồng - NXB lớn nhất dành cho thiếu nhi, hầu hết truyện tranh bản quyền mà đơn vị này đang khai thác có xuất xứ từ Nhật Bản (90%), Hàn Quốc (7%), còn lại là Trung Quốc, Đài Loan, với tổng số từ 35- 50 bộ truyện một năm. Việc gắn mác tác phẩm 10+, 13+, 16+, 17+, phụ thuộc vào tần suất, mức độ xuất hiện của những cảnh nhạy cảm như yêu đương, sex… hay những cảnh có màu sắc bạo lực.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng Ban biên tập Tranh truyện, NXB Kim Đồng cho biết, hiện nay NXB không có chủ trương khai thác những đầu sách truyện quá nhạy cảm, và chưa có dán mác 18+ trên bất kỳ ấn phẩm nào dành cho thiếu nhi. Cũng theo bà Kim Dung, đối với những tác phẩm có chứa hình ảnh “nóng”, không được phép thay thế do yêu cầu của đối tác, thì người biên tập bắt buộc phải sử dụng những hiệu ứng như lóe sáng, che rèm, tạo bong bóng… để giảm thiểu tối đa những cảnh này, nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Đây cũng là một biện pháp “chữa cháy”, bởi trên thực tế, một cuốn truyện có thể được cho là bình thường đối với những cô bé, cậu bé cấp 2, cấp 3 ở Nhật Bản, nhưng lại không phù hợp văn hóa và tâm lý tiếp nhận của người Việt.
Trên thực tế, việc gắn mác những sản phẩm sách cho thiếu nhi đôi khi lại gây hiệu ứng ngược khi những cuốn truyện được gắn mác càng cao, càng kích thích trí tò mò cho con trẻ. Những vị phụ huynh cũng nên trực tiếp chọn lựa, mua sách cùng con chứ đừng nên buông lỏng, để biết con mình đang đọc gì, đọc như thế nào. Và trách nhiệm trước những vụ việc sách “bẩn”, sách có nội dung thiếu lành mạnh, phải là của những nhà xuất bản - những người đang trực tiếp sàng lọc, thẩm định, đánh giá, đưa những sản phẩm văn hóa tinh thần đến cho công chúng.
Theo ANTĐ