Theo các kết quả được công bố trên tạp chí Cell, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên chuột và nhận thấy rằng trong một ngày đêm gan có thể tăng kích thước lên gần ½ nữa, rồi sau đó lại quay trở về kích thước ban đầu.
Theo dõi những con chuột tham gia thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy rằng trong suốt đêm, gan chuột to lên hơn 40% và vào thời gian ban ngày kích thước của gan lại giảm một lần nữa. Điều này trùng hợp với nhịp sinh học của chuột: chúng nghỉ ngơi vào ban ngày và hoạt động vào ban đêm.
Sự thay đổi kích thước của gan diễn ra bằng cách thay đổi kích thước của các tế bào gan: số lượng ribosome tăng hoặc giảm. Ribosome chính là một bộ máy phân tử lớn và phức tạp, có mặt trong tất cả các tế bào sống, nơi xảy ra quá trình sinh tổng hợp protein.
Trong một đêm như vậy, sản lượng protein đạt đến đỉnh điểm và vào ban ngày, các phần ribosome dư thừa được cơ thể tận dụng.
Các nhà khoa học cho rằng nếu ở người có các cơ chế tương tự thì lối sống không phù hợp nhịp sinh học có thể có một tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Họ lưu ý rằng chế độ làm việc ban đêm, những chuyến đi quốc tế thường xuyên với việc thay đổi múi giờ gây rối loạn nhịp sinh học khiến cơ thể chúng ta phải làm việc hoặc nghỉ ngơi “lạc nhịp” sẽ gây những hậu quả tai hại đối với sức khỏe.
Vũ Trung Hương