Đà Lạt, mùa Giáng Sinh 2017… Thời tiết như muốn thử thách tình yêu nghệ thuật của những khán giả ngồi ở quảng trường Lâm Viên- hồ Xuân Hương trống trải dưới cái lạnh mười độ cộng với thứ gió có thể thổi tung người nhẹ ký lên không trung.
Tuy nhiên, để bù lại, họ được hòa mình vào không gian Duyên Dáng Việt Nam 29 thật tráng lệ với sân khấu chính và hai sân khấu phụ cùng dàn âm thanh hoàn hảo và một đại tiệc ánh sáng tưng bừng đúng nghĩa.
Lần đầu Duyên Dáng Việt Nam có mặt ở Đà Lạt, đạo diễn Tất My Loan đã lấy tên một bài hát của Lê Uyên Phương- đôi nghệ sĩ tài năng người Đà Lạt làm tên của chương trình: Một ngày vui mùa đông. Điểm nhấn quan trọng trong chương trình là những bài hát về Đà Lạt do những ca/nhạc sĩ hoặc sinh ra, lớn lên, hoặc có “dây mơ rễ má” với thành phố sương mù thể hiện.
Đó là Elvis Phương với Thành phố buồn, Tuấn Ngọc với Cỏ hồng, Khánh Hà với Tình yêu như bóng mây (và Đêm chợ phiên mùa đông song ca cùng Tuấn Ngọc)…
Cùng với bài hát, họ kể lại những kỷ niệm, ôn lại những hồi ức mà Đà Lạt đã để lại mãi trong trái tim họ từ những buổi xa xưa.
“Rặt” Đà Lạt nhất chính là tay ghi ta Dũng Đà Lạt (giám đốc ấm nhạc của DDVN 29) và nhóm Dalat Lego Acoustic Band với Bóng núi nghiêng em, bài hát mà nhạc sĩ Đức Trí (con rể Đà Lạt) viết riêng cho Duyên Dáng Việt Nam 29.
Còn có Hương Lan với Đồi thông hai mộ, Quang Dũng với Đà Lạt lập đông, Thanh Hà với Bài thánh ca buồn… Nhưng đáng yêu nhứt vẫn là nhóm DaLat Talents với bốn bài hát: Giáng Sinh Yêu Thương, Santa Is Coming To Town, Jingo Bell Rock, Wish You A Merry Chrismast.
Hai tài năng nhí của Đà Lạt đã chứng tỏ họ thừa hưởng một văn hóa Đà Lạt khác biệt: Thiên Khôi mười hai tuổi- Quán quân Vietnam Idol Kids 2017 tự đàn guitar và hát Giáng sinh yêu thương- tác phẩm của chính em. Còn Trọng Nhân- Quán quân Vietnam Got Talent 2016 chơi trống cùng dàn nhạc như một nhạc công thứ thiệt dù chỉ mới mười tuổi.
Cái lạnh ngoài trời đêm Đà Lạt khiến người ta chỉ cần mở miệng ra là hàm đã cứng lại, song điều cảm động là các ca sĩ dù run lên vì lạnh khi giao lưu nhưng khi hát họ như quên mất cái lạnh và vẫn hát rất hay, như đang trong nhà hát ấm áp.
Còn các cô người mẫu ăn mặc hết sức phong phanh trong tiết trời buốt giá vẫn sải bước rất uyển chuyển và duyên dáng trên sân khấu, vượt qua một thử thách không hề đơn giản của nghề biều diễn.
Hàng ngàn khán giả ngồi kín cả ba sân khấu đã ở lại tới phút cuối cùng và sau đó tràn lên phía sàn diễn để bày tỏ tình cảm với các nghệ sĩ.
Trong tôi, Đà Lạt bao giờ cũng là một đô thị trang nhã với phong cách du lịch văn minh của người dân. Ở các quán ăn đường phố mà chúng tôi ghé vào, những người bán hàng với giọng Đà Lạt nhỏ nhẹ và trang phục lịch sự vẫn giữ được nếp tiếp đãi khách nhẹ nhàng chu đáo, điều rất đáng mừng.
Duyên Dáng Việt Nam cũng là dịp để tôi gặp mặt nhiều đồng nghiệp lâu năm. Bạn đồng hương thân thiết Nguyễn Công Khế từng cùng cơ quan Hội Văn Nghệ Giải Phóng Trung Trung bộ từ tháng 3/1975, và cùng tòa soạn báo Phụ Nữ Việt Nam trong ba năm 1976-1978.
Trong mười lăm năm làm việc ở báo Thanh Niên, tôi đã quen nhìn thấy Nguyễn Công Khế- tổng biên tập thường xuyên “lôi” cả tòa soạn vừa chạy vừa xếp hàng trong rất nhiều hoạt động mà trước đó chưa từng có báo nào làm. Bắt đầu từ một chương trình văn nghệ tổ chức chỉ nhằm gây học bổng Nguyễn Thái Bình cho sinh viên- học sinh, Duyên Dáng Việt Nam đã trở lại nhiều lần và trở thành chương trình nghệ thuật công phu và uy tín nhất của làng giải trí, giúp bao nghệ sĩ thành danh hay khẳng định tên tuổi, dù là đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, người mẫu…
Chính trong làm việc, mỗi người bộc lộ phẩm chất và phẩm giá mình rõ nhứt. Tôi luôn tin vào những người làm việc vì người khác hơn là vì cá nhân mình.
Một đồng nghiệp khác mà tôi rất quý trọng, nhà báo Đoàn Khắc Xuyên- thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngày, khi tôi là một trong hai biên tập viên đầu tiên của Tuổi Trẻ. Tôi nhớ nhứt câu nói trứ danh của anh Xuyên đã khiến tôi luôn phì cười tán thưởng: “Kim Cúc cắt bài này chỉ còn 300 từ thôi”.
Đó là cách anh “trừng phạt” những phóng viên viết bài dài cả ngàn từ nhưng chẳng có thông tin, chỉ “độn’” bằng các cụm từ mòn nhẵn hay thứ ngôn từ uốn éo nhạt nhẽo.
Ngày đó, chúng tôi kịch liệt chống lại cách làm báo lạm dụng thiện chí mua báo và thời gian đọc báo quý giá của độc giả. Bài phải hay, tít phải chuẩn và hấp dẫn. Nhưng thông tin phải đậm đặc và có ích cho người đọc.
Ở Đà Lạt kỳ này còn có Quốc Phong- phó tổng biên tập Thanh Niên, người đã luôn cùng phó tổng biên tập Đặng Thanh Tịnh làm dịu bớt “sức nóng” nhiều khi dễ gây cháy của tổng biên tập Nguyễn Công Khế. Còn cả những đồng nghiệp thế hệ sau: Cao Minh Hiển, Đào Hồng Hạnh, Dạ Ly, Nguyên Vân.
Trong ngôi nhà Thanh Niên, tôi đã chứng kiến các bạn ấy từ những phóng viên thơ trẻ mới ra trường đã từng bước trưởng thành, cùng chia sẻ với thế hệ chúng tôi cách làm báo trung thực và tự trọng. Nếu không nói hết được những suy nghĩ của chính mình thì cũng không bao giờ nói những điều mình không nghĩ.
Tôi còn gặp lại ở Đà Lạt chính bản thân mình, với tư cách một du khách lần đầu lên Đà Lạt. Lúc đang tha thẩn trên một đồi thông, tôi bỗng nghe vang lên một âm thanh lạ lùng lần đầu biết tới.
Âm thanh ấy vừa như ở trên cao cũng vừa như dưới thấp, vừa rất xa nhưng đồng thời cũng rất gần, vừa ở bên ngoài lại vừa như ở chính bên trong tôi… Vi vu, vi vu, hư hư, thật thật…
Mãi lúc lâu sau tôi mới nhận ra đó chính là tiếng thông reo. Cái tên Thành Phố Sương Mù cũng chính từ ngàn ngàn lớp thông già nhìn đâu cũng thấy của Đà Lạt. Thông đã giữ hơi ẩm khiến cho sương mù luôn la đà trên không gian tầng cao của Đà Lạt…
Trước đây mỗi năm vào dịp tết, hoa đào Đà Lạt luôn theo các chuyến máy bay, tàu xe đi khắp các thành phố miền nam, mang chút màu hồng Đà Lạt vào để các ngôi nhà ấm thêm niềm vui đoàn viên.
Hãy trồng lại thiệt nhiều Đào Đà Lạt, mimosa, immortel, muguet… Và nhất là thông, thông Đà Lạt.
Hãy trả lại cho Đà Lạt tên Thành Phố Hoa Đào, Thành phố Sương Mù…
Đà Lạt không phải ngàn hoa. Công viên nào cũng có thể ngàn hoa. Đà Lạt chỉ nên là Thành Phố Hoa Đào…
"UBND Tỉnh Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên phối hợp thực hiện chuỗi chương trình trong Lễ hội Hoa Đà Lạt 2017 được diễn ra từ ngày 23.12 đến ngày 27.12. Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên xin cảm ơn những nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), Công ty Cổ phần Đầu tư Kỹ thuật Berjaya Gia Thịnh, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Công ty TNHH Danti, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Công ty TNHH TM DV Điện Mạnh Phương, Công ty Cổ phần Địa ốc Trung Nam Đà Lạt, Chuỗi khách sạn Sanouva, Tập đoàn Empire và Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay, Công ty Cổ phần Đầu tư Điện ảnh và Giải trí Việt đã đồng hànhcùng các chương trình."
Ngô Thị Kim Cúc