Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2020.

GDP quý 1 tăng 4,48%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái

Lam Thanh | 29/03/2021, 12:08

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2020.

Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng cao nhất

Sáng 29.3, Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1/2020.

anh-gdp.jpg
GDP quý 1 tăng

Theo cơ quan này, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý 1/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý 1 các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý 1/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý 1/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý 1/2018 và 9% của quý 1/2019, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý 1/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý 1/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Tiến độ giải ngân đầu tư công cải thiện rõ rệt

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới nhưng bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý 1/2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

“Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,48%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp”, cơ quan này đánh giá.

Bên cạnh đó, cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 1/2021. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Đối mặt nhiều khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý 2, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng tâm.

Ngành nông nghiệp cần điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa, tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, và đặc biệt cần linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây. Việc chuyển đổi cần phù hợp thổ nhưỡng và thị trường.

Cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước… Tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021. Mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8.4.2020.

Cùng với đó, cần ngăn chặn hiệu quả hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác hàng hóa đột lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu nhằm tận dụng các lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại.

Ngoài ra, cần phát huy lợi thế và vị thế của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thành công trong ngăn ngừa và xử lý dịch COVID-19 thời gian qua, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư. Chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, thân thiện môi trường đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới. Ưu tiên triển khai những hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ những mặt hàng sản xuất trong nước, đặc biệt đối với sản phẩm tươi sống.

Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh…

Bài liên quan
Tăng trưởng GDP 2025 của Việt Nam được dự báo tích cực
Dù để đạt mức tăng trưởng tối thiểu 8% là một thách thức không nhỏ, nhưng với những thành tựu kinh tế của năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GDP quý 1 tăng 4,48%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái