Phiên giao dịch sáng 6.10 tại châu Á ghi nhận giá dầu tăng sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, khiến nguồn cung vốn đã eo hẹp càng bị siết chặt hơn nữa.
Giá dầu Brent tăng 0,5% lên 93,83 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 0,5% lên 88,21 USD/thùng.
Quốc gia đứng đầu OPEC+ là Ả Rập Saudi cho biết, sản lượng cắt giảm tương đương khoảng 2% nguồn cung toàn cầu. Tổ chức buộc phải cắt giảm vì nhiều ngân hàng trung ương phương Tây tăng lãi suất và kinh tế toàn cầu suy yếu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích cắt giảm sản lượng là "quyết định thiển cận". Nhà Trắng tuyên bố sẽ cân nhắc giải phóng nhiều dầu dự trữ hơn nữa và góp ý cho Quốc hội Mỹ về các biện pháp bổ sung nhằm giảm bớt sự kiểm soát của OPEC+ với giá năng lượng.
Biện pháp bổ sung mà Nhà Trắng đề cập dường như là dự luật NOPEC vừa thông qua một ủy ban Thượng viện Mỹ vào ngày 5.5, cho phép kiện OPEC+ hoặc thành viên tổ chức ra tòa án liên bang để chống độc quyền.
Cũng trong ngày 5.10 - lúc OPEC+ nhóm họp, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu nhằm giảm tác động của chính sách áp giá trần dầu Nga mà phương Tây chuẩn bị thực hiện.
Lượng dầu dự trữ Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc ngày 30.9, kho dầu thô dự trữ còn 429.2 triệu thùng.