Chia sẻ tại tọa đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp", các chuyên gia cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có nhiều gánh nặng, nếu không cải cách giá điện thì EVN chắc chắn sẽ lỗ.
Thị trường và chính sách

Chuyên gia: EVN đang bị nhiều gánh nặng, nếu không cải cách giá điện sẽ tiếp tục lỗ

Lam Thanh 11/10/2024 12:25

Chia sẻ tại tọa đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp", các chuyên gia cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có nhiều gánh nặng, nếu không cải cách giá điện thì EVN chắc chắn sẽ lỗ.

Với giá điện hiện nay, khó thu hút đầu tư

Theo TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, ở Việt Nam, chi phí truyền tải gần như không đáng kể cho cơ cấu giá thành điện, nhưng các quốc gia khác như Australia, Đức, Áo… thì chi phí liên quan đến điều hành hệ thống, truyền tải chiếm tỷ trọng rất lớn so với chi phí phát điện.

“Nếu vẫn tiếp tục duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ không có đủ nguồn lực đầu tư các dự án lớn. Vừa qua, xây dựng đường dây 500kV mạch 3 có nỗ lực rất lớn của EVN để đạt được tiến độ nhanh nhất. Nhưng EVN có thể gồng được bao nhiêu với các dự án tương tự như thế?”, ông Sơn nêu.

TS Sơn cho rằng nếu không có cải cách giá điện thì EVN chắc chắn sẽ lỗ và uy tín tài chính để vay vốn sẽ bị xếp hạng thấp. Với mức giá điện hiện nay thì không thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn.

son-1.jpg
TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh

ĐBQH Phan Đức Hiếu cũng đồng tình rằng nếu như giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất thì với tư cách là cơ quan phân phối điện, EVN bị lỗ là điều nhìn thấy trước.

“Chênh lệch càng lớn thì lỗ càng nhiều và cho dù EVN có tiết giảm chi phí đến mức độ nào đi nữa cũng không thể bù cho khoản lỗ đó. Chưa kể việc tiết kiệm chi phí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện”, ông Hiếu nêu.

Theo TS Hiếu, nếu EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, khiến cho các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực thì sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện. Nếu giá bán điện không hợp lý thì không khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, chuyển đổi sang năng lượng tiết kiệm và năng lượng khác.

“Vô hình chung, đôi khi lợi ích của người khác lại biến thành thiệt hại của người này. Về mặt lâu dài chúng ta không thể duy trì câu chuyện này”, ông Hiếu nêu.

Ông Hiếu kiến nghị, đối với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Để hài hòa lợi ích giữa ba bên (nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng) thì phải phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể thông qua việc xác định giá điện mà hài hòa hóa lợi ích các bên.

“Chúng ta nên phối hợp chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế… chi phí giảm tối thiểu, như vậy mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán. Với đơn vị phân phối cần chính sách để thúc đẩy cạnh tranh như là thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện. Với người tiêu dùng thì theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối…”, ông Hiếu nêu.

son-3.jpg
Chuyên gia cho rằng EVN đang bị đặt cho nhiều gánh nặng

TS Hiếu chia sẻ: “Phân chia giá điện với những mức khác nhau giữa các nhóm người dùng khác nhau. Trong trường hợp những người nghèo hoặc người có thu nhập thấp thì chúng ta phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp chứ chúng ta không thể thực hiện như cách hiện nay. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do đặt quá nhiều mục tiêu và đặt mục tiêu hài hòa hóa các bên thông qua giá điện”.

Cần tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) bổ sung rằng nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất điện hiện nay nằm ngoài tầm tay EVN. EVN không tự tạo được mà phải mua của người khác. Những yếu tố này biến động thì sẽ phản ánh hoàn toàn vào giá điện, ví dụ như giá than thế giới…

“Chúng ta đang điều hành theo cách chia sẻ khó khăn cho các đối tượng tiêu dùng cũng như khó khăn của nền kinh tế để thực hiện đa mục tiêu. Nếu không có trợ lực của nhà nước bằng các công cụ khác thì khoản lỗ sẽ tích lũy lại, cứ dồn tích lỗ thì khó có thể thu hút đầu tư, làm gì có nhiều lưới điện như chúng ta mong chờ”, ông Thỏa nói.

Ông Thỏa cho rằng kim chỉ nam để thực hiện việc này phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

“Nếu chúng ta tuân thủ các quyết định này thì giải quyết được rất nhiều vấn đề, vì đã cho định hướng theo thị trường, tức là đầu vào cứ tăng khoảng ngần này trong 3 tháng thì được điều chỉnh. Có nghĩa là giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá theo thị trường mà Nhà nước cho phép điều chỉnh làm sao ở mức độ hợp lý”, ông Thỏa nêu.

son-2.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Theo ông Thỏa, khi đã có giá thành thì phải xác định đúng mục tiêu chính của việc điều hành giá điện trong mỗi một giai đoạn là gì, mục tiêu nào đặt lên hàng đầu. Mỗi một kỳ điều chỉnh phải xác định rõ mục tiêu điều chỉnh. Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện…

TS Hà Đăng Sơn cho rằng EVN đang bị đặt cho nhiều gánh nặng. Thay vì chỉ sản xuất và cung ứng điện thì EVN phải gánh 3, 4 nhiệm vụ, trong đó hơn một nửa về an sinh xã hội. EVN chỉ nên tập trung vận hành hệ thống tốt nhất có thể với giá thành cung ứng điện hợp lý còn lại các yếu tố khác thì sử dụng nguồn lực khác, những chính sách hỗ trợ khác nhau.

Ông Sơn cho rằng trách nhiệm của EVN lớn nhất là làm sao phải ký kết những hợp đồng mua bán điện để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện và trong tương lai là cả lưới điện, làm sao EVN có được điều kiện tốt nhất để đàm phán, làm sao để bên bán điện cảm thấy hài lòng.

“Chúng ta cần nhìn vào mặt dài hạn để có cách thức điều chỉnh giá điện bảo đảm tính ổn định nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận và có động lực đầu tư. Chúng ta thấy rõ ràng chỉ cần thiếu điện, mất điện trong một thời gian thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất lớn”, ông Sơn nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Triển lãm sách Khoa học và công nghệ 2024: Hành trình vun đắp tri thức cho đổi mới sáng tạo
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Nhân ngày kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã long trọng tổ chức Triển lãm Sách Khoa học và Công nghệ năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia: EVN đang bị nhiều gánh nặng, nếu không cải cách giá điện sẽ tiếp tục lỗ