Khảo sát cho thấy người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam gặp áp lực cao trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân gia đình.
Từ chuyện của Hoa Kỳ, Ireland
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng trên toàn bộ lãnh thổ vào lúc 10h sáng 26/6 (giờ Hoa Kỳ). Đây là một chiến thắng mang tính lịch sử cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) Mỹ.
|
Nhà Trắng tỏa 6 sắc cầu vồng để chúc mừng phán quyết của tòa hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng trên toàn nước Mỹ. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đăng về ngày trọng đại này trên trang Twitter của mình: "Hôm nay đánh dấu một bước tiến lớn trên con đường chúng ta hướng tới sự bình đẳng. Các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ giờ có quyền kết hôn, giống như bất cứ ai khác".
Trước đó, ngày 22/5 vừa qua, 1,2 triệu người dân Ireland đã tham gia bỏ phiếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Với hơn 62% số phiếu thuận, Ireland chính thức trở thành quốc gia thứ 20 trên thế giới chấp nhận hôn nhân đồng giới.
Ông Damien Cole – Đại sứ Ireland tại Việt Nam cho biết: Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cần đến sự thay đổi hiến pháp và điều này cần thông qua trưng cầu dân ý. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy mọi người con của Ireland đều được đối xử công bằng.
|
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (ngoài cùng bên phải) cùng người bạn đời tham dự hội thảo về người đồng tính diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: LT) |
Quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thông qua bỏ phiếu tại Ireland đã nâng cao hình ảnh nước này trong mắt bạn bè quốc tế, từ đó truyền cảm hứng cho cộng đồng LGBT trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
|
Một bức trong bộ ảnh Yêu là Yêu (The Pink Choice) của tác giả Maika Elan nói về các cặp đôi đồng tính tại Việt Nam |
Là một đất nước đang có những chuyển biến đáng kể trong quan niệm về đồng giới, ông Damien Cole mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục cuộc hành trình bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT, mở ra nhiều cuộc tranh luận cởi mở thu hút được dư luận, các tổ chức xã hội dân sự. Từ đó, có quyết định thích hợp nhất cho tương lai của đất nước.
Người Việt cởi mở hơn với gia đình phi truyền thống
Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Luật 2014 sửa đổi thành: "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".
Theo các chuyên gia: Từ việc “cấm” chuyển sang “thừa nhận” đã thể hiện tính nhân đạo của Việt Nam. Theo đó, hai người cùng giới tính có thể về sống với nhau, coi nhau như “vợ chồng”, nhưng về mặt pháp lý không phải là vợ chồng như hai người khác giới có đăng ký kết hôn.
Theo nghiên cứu được đưa ra tại buổi tọa đàm "Các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức ngày 25/6 vừa qua cho thấy, người Việt ngày càng cởi mở hơn với kiểu gia đình “phi truyền thống”.
|
Một bức trong bộ ảnh Yêu là Yêu (The Pink Choice) của tác giả Maika Elan |
TS. Phạm Quỳnh Phương – Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, diễn ngôn về gia đình từ góc nhìn chính sách, nghiên cứu và truyền thông đang nhấn mạnh vào sự ổn định, toàn vẹn của gia đình với đầy đủ cha mẹ và con cái.
Chính trong giá trị truyền thống về sự vẹn toàn gia đình, xuất hiện những quan niệm mang tính định kiến về các gia đình thuộc các loại hình khác như: gia đình đơn thân, gia đình ly hôn, gia đình không con, gia đình cùng giới…
Để tránh những định kiến này, nhiều người đã duy trì cái “vỏ” của gia đình, trong khi những giá trị cốt lõi như tình yêu thương và sự tôn trọng không được quan tâm đúng mức, hoặc thậm chí không còn tồn tại và từ đây, nhiều thách thức của gia đình Việt Nam xuất hiện.
Theo khảo sát 1.500 người do iSEE tiến hành cho thấy người đồng tính, song tính và chuyển giới gặp áp lực cao trong các khía cạnh liên quan đến hôn nhân với người khác giới như kết hôn (27,5%), sinh con (25%) và kéo theo đó là những áp lực trong quan hệ với họ hàng (20%).
Bên cạnh đó, những thay đổi trong quan điểm về loại hình và giá trị gia đình thể hiện qua một tỷ lệ không nhỏ ủng hộ gia đình đồng tính (19%).
Tại diễn đàn này, ông Bakhodir Burkhanov Phó Giám đốc Quốc gia chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng: “Tuyên ngôn nhân quyền Quốc tế khẳng định mọi người đều có quyền được tạo lập gia đình, bao gồm cả người độc thân, người chuyển giới hay hai người trưởng thành bất kể giới tính của họ. Chúng tôi khuyến khích và hỗ trợ Chính phủ và Quốc hội nhìn ra những thử thách mà các đối tượng yếu thế đang gặp phải và bảo vệ quyền tạo lập gia đình”./.
Theo Minh Dương (VOV)