Tổng cục Hải quan cho biết đã điều tra và chuẩn bị công bố báo cáo chi tiết các vụ gian lận xuất xứ hàng Việt Nam. Dự kiến sẽ công bố danh sách ngay trong tháng 7.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm sáng 12.7. Ông Cẩn cho biết một vấn đề nổi lên trong nửa đầu năm qua là buôn bán hàng cấm, đặc biệt là ma tuý.
Hiện nay, ma tuý được vận chuyển vào Việt Nam trên tất cả các tuyến, từ cảng biển, hàng không và đường bộ ở tất cả các phương tiện, kể cả đóng trong container với quy mô, số lượng lớn. Cụ thể, qua điều tra cơ quan này đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ ma tuý lớn với trị giá hàng nghìn tỉ đồng.
Ngoài ma tuý, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, 6 tháng đầu năm 2019 còn xuất hiện tình trạng buôn lậu hàng cấm thông qua tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu quá cảnh. Lực lượng Hải quan đã bắt giữ nhiều vụ việc. Khi siết chặt các khu vực cảng biển, các đối tượng lại lợi dụng tạm nhập tái xuất hàng cấm sang Campuchia và Lào, hoặc nhập khẩu vào 2 nước này rồi xé lẻ đưa về Việt Nam gồm cả hàng cấm, hàng giả, hàng gian lận xuất xứ để lừa người tiêu dùng Việt Nam.
Đáng chú ý, một hiện tượng khác "nổi cộm" trong nửa đầu năm qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các nước mà Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan như gỗ và sắt, thép.
“Chúng tôi đã điều tra, xác minh và chuẩn bị công bố các doanh nghiệp gỗ. Họ khai là sản xuất trong nước nhưng qua điều tra, chứng minh là không hề sản xuất trong nước mà toàn bộ là nhập khẩu”, ông Cẩn thông tin thêm. Theo đó, các doanh nghiệp gỗ này khai mua nguyên liệu từ người dân, địa phương để chế biến, đều có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, thực tế không hề có chuyện mua nguồn nguyên liệu trong nước. Quá trình điều tra cũng xác minh một số địa phương đã ký khống cho các doanh nghiệp này để có giấy tờ mua bán nguyên liệu đầu vào giả là hàng tự sản xuất.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết gian lận xuất xứ ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam. Khi các nước như Mỹ, Ấn Độ điều tra ngược lại về vấn đề nguồn gốc thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ bị phạt và đánh thuế rất nặng. Ví dụ, gần đây nhất là việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 456% với sản phẩm thép từ Việt Nam. Trong đó, các sản phẩm gắn mác thép Việt nhưng có xuất xứ tại Hàn Quốc và Đài Loan sẽ bị chịu mức thuế nói trên, còn thép sản xuất trong nước chỉ phải áp dụng mức thuế là 20%.
"Cơ quan Hải quan đang tiến hành điều tra, xác minh. Trong tháng này (tháng 7) sẽ có báo cáo chi tiết các vụ việc gian lận về xuất xứ này tới các cấp..." Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Đại diện Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị chức năng tại các địa bàn, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh tăng cường việc xác nhận thông tin đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến các nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm sản xuất xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan sẽ trao đổi cơ sở dữ liệu với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là 2 cơ quan được giao cấp giấy chứng nhận xuất xứ là Bộ Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, để kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ này.
Tuyết Nhung