Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải thực hiện theo thiết kế tổng thể, nhưng vì chậm tiến độ nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép thực hiện theo thiết kế từng phần. Dù thực hiện giải pháp như vậy nhưng tiến độ vẫn không đảm bảo. Thực hiện chắp vá như thế ảnh hưởng đến tiến độ và có khả năng rủi ro cả về chất lượng.
Thông tin trên được ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đưa ra tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017 chiều 5.7.
Cụ thể, trả lời báo chí về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Đoàn Xuân Tiên cho biết dự án phải thực hiện theo thiết kế tổng thể, nhưng vì chậm tiến độ nên Bộ GTVT cho phép thực hiện theo thiết kế từng phần. Tuy nhiên, thực hiện theo giải pháp mà Bộ này đưa ra thì tiến độ dự án vẫn không đảm bảo. Ngược lại, thực hiện chắp vá như thế ảnh hưởng đến tiến độ và có khả năng rủi ro cả về chất lượng.
"Trong vấn đề quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần nghiêm túc đánh giá”, Phó Tổng Kiểm toán nhìn nhận.
Về kết quả kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Trần Hải Đông - Trưởng đoàn Kiểm toán chuyên ngành 5, Kiểm toán Nhà nước - cho biết dự án này có hai vấn đề nổi cộm là chậm tiến độ và đội vốn.
Cụ thể, dự án đã tăng mức tổng đầu tư từ 8.700 tỉ lên 18.000 tỉ đồng do trong quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ, khi thực hiện lại thay đổi phương án dẫn đến tăng chi phí; bàn giao mặt bằng chậm, tiến độ thực hiện kéo dài khiến chi phí nhân công, vật liệu tăng cao...
Đặc biệt, theo ông Đông, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 18.000 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương Quốc hội, trong khi theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng thì phải báo cáo Quốc hội.
Như vậy, sau nhiều lần chậm tiến độ chưa thể đưa vào khai thác vận hành, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 8.700 tỉ đồng lên 18.000 tỉ đồng (tăng hơn 9.200 tỉ đồng, tương đương hơn 205%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh dự án đầu tư.
Về tính kinh tế của dự án, ông Đông cho biết, chủ đầu tư chưa xem xét đến chi phí vận hành vốn chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dẫn đến đánh giá tính hiệu quả của dự án không chính xác. Thực tế, tính toán ban đầu cho thấy, dự án này lỗ.
Về tiến độ dự án, theo lãnh đạo KTNN, ban đầu dự kiến dự án thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11.2013. Sau đó ký hợp đồng EPC thực hiện trong 48 tháng kể từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa xong dù sau rất nhiều lần điều chỉnh.
Nguyên nhân chậm tiến độ do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian nghiên cứu ban hành chính sách về chủ đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ sở tài chính... Quá trình lập dự án đầu tư cũng có một số tồn tại dẫn tới phát sinh thỏa thuận đấu nối cơ sở hạ tầng, phương án kiến trúc, phê duyệt điều chỉnh dự án, tiến độ bàn giao mặt bằng chậm.
Ông cũng đề cập tới nguyên nhân nữa là hồ sơ thiết kế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có khác biệt dẫn tới thời gian thiết kế thẩm tra điều chỉnh nhiều lần. Tổng thầu thực hiện dự án được chỉ định trực tiếp từ Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, khi thực hiện, dự án phụ thuộc rất nhiều vào vốn và tổng thầu.
Tuyết Nhung