Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2017 tăng 0,92% so với tháng trước.

Giá thuốc tăng mạnh đẩy CPI tháng 8 tăng 0,92%

Trí Lâm | 29/08/2017, 14:07

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2017 tăng 0,92% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu, 10 nhóm có chỉ số giá tháng 8 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,86% (dịch vụ y tế tăng 3,72%). Nguyên nhân là trong tháng có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15.3.2017 của Bộ Y tế (tác động làm CPI tăng khoảng 0,14%).

Nhóm giao thông tăng 2,13% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 4.8.2017 và thời điểm 19.8.2017 (tác động làm CPI tăng khoảng 0,2%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%, trong đó lương thực tăng 0,31%]; thực phẩm tăng 1,64% do giá thịt lợn và rau xanh tăng mạnh, tác động làm CPI tăng 0,37%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93% (giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,27%; giá gas trong nước điều chỉnh tăng 8,91% từ đầu tháng 8; giá dầu hỏa bình quân tháng 8.2017 tăng 5,14%).

Bên cạnh đó, giáo dục tăng 0,57% (dịch vụ giáo dục tăng 0,51%) do trong tháng có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,09%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2017 tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8.2017 tăng 1,23% so với tháng 12.2016 và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 8.2017 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2017 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Chỉ số giá vàng tháng 8.2017 tăng 1,11% so với tháng trước; tăng 3,42% so với tháng 12.2016 và giảm 2,35% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8.2017 giảm 0,03% so với tháng trước; giảm 0,06% so với tháng 12.2016 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2016.

Cơ quan thống kê cũng cho biết, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.8.2017 ước tính đạt 747,3 nghìn tỉ đồng, bằng 53,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 548 nghìn tỉ đồng, bằng 61,1%; chi trả nợ lãi 65,6 nghìn tỉ đồng, bằng 66,3%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 131,1 nghìn tỉ đồng, chỉ bằng 36,7% dự toán năm. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15.8.2017 ước tính đạt 119,7 nghìn tỉ đồng, bằng 73% dự toán năm.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng là 45.776 doanh nghiệp, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 17.231 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,5% và 28.545 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 12%.

Về xuất nhập khẩu, tính chung 8 tháng năm 2017 nhập siêu 2,13 tỉ USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,41 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,28 tỉ USD.

Du lịch có bước phát triển mạnh mẽ khi khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8 ước tính đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đón số lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng tăng mạnh do ngành du lịch và các công ty lữ hành đã có nhiều biện pháp và tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách gia hạn miễn thị thực cho công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hoà liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hòa Italia góp phần thu hút số lượng lớn khách đến từ các nước Tây Âu.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng cao. Trong tháng 8 đã có 27,2 nghìn trường hợp mắc bệnh (8 trường hợp tử vong), nâng tổng số trường hợp mắc bệnh trong 8 tháng năm nay lên 80,6 nghìn trường hợp, trong đó 60,1 nghìn trường hợp phải nhập viện (22 trường hợp tử vong).

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá thuốc tăng mạnh đẩy CPI tháng 8 tăng 0,92%