Việc tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế có dấu hiệu bị xâm phạm bởi hành vi vô ý thức là điều hết sức phản cảm. Đây không chỉ là công trình có giá trị văn hóa mà còn có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao.

Giá trị văn hóa và lịch sử của tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế

Hương Giang | 15/03/2023, 17:55

Việc tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế có dấu hiệu bị xâm phạm bởi hành vi vô ý thức là điều hết sức phản cảm. Đây không chỉ là công trình có giá trị văn hóa mà còn có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao.

Năm 1973, khi phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị miền Nam bị đàn áp mạnh, một nhóm trí thức, văn nghệ sĩ ở Huế đã tìm cách cổ vũ tinh thần yêu nước bằng cách dựng tượng các nhà chí sĩ yêu nước.

Họ lập ra một ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam. Pho tượng đầu tiên là chân dung cụ Phan Bội Châu, với mục đích dùng hình tượng nhà yêu nước, bất khuất trước kẻ thù xâm lược để tỏ rõ thái độ trước thời cuộc. Pho tượng cao 4,5m, rộng 3,5m, dày 2,5m.

Tác giả tượng cụ Phan Bội Châu là nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, được mời thỉnh giảng tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông muốn thể hiện tác phẩm bằng chất liệu đồng, chất liệu quý, vĩnh cửu, thích hợp với không gian hoành tráng ngoài trời.

phan-boi-chau-2(1).jpg

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, sau đó là cả một cuộc vận động kín đáo nhưng thể hiện bên ngoài công khai, sôi động và hợp pháp. Từ nhiều phía dồn sức hỗ trợ cho ông Lê Thành Nhơn và Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế làm tượng cụ Phan Bội Châu - người tiêu biểu cho phong trào Đông Du và rất gần với cuộc vận động cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Phải làm đàng hoàng, làm đẹp, làm với quy mô một loại tượng đầu - đúng hơn là tượng tròn về khuôn mặt - có kích cỡ lớn nhất ở Việt Nam, phải đúc đồng bằng kỹ thuật của phường Đúc ở Huế.

Mọi việc triển khai và phối hợp khá nhanh; ê kíp họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật với Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn... là những nhà bảo trợ; Phan Hữu Lượng và Ban đại diện sinh viên trường là nòng cốt để vận động tại Trường Mỹ thuật và phối hợp với sinh viên, học sinh Huế. Tổ sinh viên điêu khắc với Phan Thế Bính là trợ thủ cho nhà điêu khắc. Trần Viết Ngạc, người nghiên cứu về Phan Bội Châu và gia đình cụ Phan ở Huế là "người nhà cụ Phan" thường xuyên đến với nhà điêu khắc. Các ban đại diện sinh viên, ban cán sự sinh viên-học sinh giải phóng tại Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học, Đại học Luật, các trường Quốc học, Đồng Khánh... cổ động sinh viên, học sinh tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ quyên góp tiền đúc tượng cụ Phan Bội Châu do Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và một số sinh viên biểu diễn.

Đích thân tác giả tượng và nhóm sinh viên Khoa Điêu khắc thực hiện ngay tại Trường cao đẳng Mỹ thuật. Họ đã dùng 20 tấn đất sét đắp thành 12 mảng ghép lại làm mô hình. Công đoạn đúc đồng được một kíp thợ kỹ thuật cao ở phường Đúc thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống. Các nghệ nhân đúc đồng cũng phải dùng đất sét và sắt để làm 12 mảng khuôn theo mô hình đã tạc. Phải tuần tự nấu đồng 12 lượt rót vào 12 khuôn. 10 tấn đồng thô được nấu chảy để lấy 7 tấn đồng ròng đúc tượng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đánh giá khuôn mặt cụ Phan Bội Châu được nghệ nhân Lê Thành Nhơn thể hiện khá sắc nét. Toàn tượng là khuôn mặt phóng lớn của cụ Phan Bội Châu được tái dựng với những góc độ sáng tối thú vị. Tượng dừng lại bằng một nét cắt ngang nửa chòm râu và chiếc cằm, làm khuôn mặt cụ Phan Bội Châu trở nên cương nghị, trầm buồn mà rất thách thức.

Có hai chi tiết ông Lê Thành Nhơn băn khoăn chưa giải quyết ổn. Không thể tái tạo cả đầu tóc và đôi tai cụ Phan một cách thật thà và thiếu nghệ thuật. Những chi tiết đó phải được loại trừ để nhường chỗ cho nét mặt, như một phần chiếc cằm và chòm râu phải chịu. Anh em gần với Lê Thành Nhơn ở Huế đã giúp nhà điêu khắc xử lý thay đôi tai và vành cổ bằng những mảng đắp nổi diễn tả hình ảnh vùng lên phá xích xiềng nô lệ, cách điệu từ thời Hai Bà Trưng đến những cảnh bức phá xích xiềng của lao tù thực dân, để nói bằng hình tượng những điều cụ Phan Bội Châu đã nghĩ.

Trần Viết Ngạc cung cấp một câu thơ quyết liệt của cụ Phan: "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" để khắc nổi lên mảng bằng trơn láng thay cho phần đầu tóc của cụ Phan. Tượng cụ Phan Bội Châu trở thành một tổng thể nét mặt - ý nghĩ - lời nói, chỉ riêng của cụ Phan. Tượng đâm ra có "tính chiến đấu" góp phần thúc giục cuộc đấu tranh chống Mỹ ở đô thị cao hơn tự thân hình ảnh của Phan Bội Châu vào thời đó ở Huế.

Có thể nói pho tượng miêu tả được chiều sâu thần thái của nhà chí sĩ. Vầng trán cao rộng, chòm râu dài lột tả được nét thông thái, nho nhã. Đôi lông mày nhíu lại và đôi mắt dữ dằn quắc lên sáng ngời khí tiết của một sĩ phu trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước nhưng hoài bão không thành, bị quản thúc, con chim bằng một thời vẫy vùng Đông hải trở thành ông già Bến Ngự. Hai bên là hai mảng phù điêu phản ánh hiện thực và ước mơ. Mảng bên trái là bóng tối thể hiện xiềng xích nô lệ, áp bức và tù đày của chế độ thực dân xâm lược. Mảng bên phải biểu đạt ước vọng hòa bình và độc  lập, ấm no và hạnh phúc.

Có điểm đáng nhớ là tượng đang đúc dở dang thì Huế được giải phóng. Công việc cấp bách và bức thiết lúc bấy giờ đã thu hút anh em trong phong trào trí thức và văn nghệ sĩ nội thành đi vào những việc khác. 

Mãi đến cuối năm 1987, UBND TP.Huế chính thức gửi công văn xin tỉnh cho tiếp tục hoàn thiện bức tượng cụ Phan Bội Châu vì đây là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, được sinh viên, học sinh và đồng bào yêu nước ở nội thành Huế vận động hình thành. Trong khi chờ tỉnh quyết định vị trí đặt tượng, xin tạm đưa về nhà cụ Phan để làm tiếp phần còn lại. 

Sau khi hoàn thành, tượng được đặt trên vỉa hè phường Phường Đúc. Năm 1988, UBND thành phố tổ chức đưa về khuôn viên nhà lưu niệm cụ Phan (119 Phan Bội Châu, TP.Huế), nơi cụ đã sống 15 năm cuối đời.

Năm 2012, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên-Huế đã di dời bức tượng về địa điểm mới ven sông Hương - một vị trí xứng đáng trong lòng cố đô Huế, đúng như tâm nguyện của họa sĩ, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá trị văn hóa và lịch sử của tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế