Do giá dầu tăng cao, sản lượng hải sản đánh bắt không tăng nhiều, giá hải sản bấp bênh nên phần lớn tàu cá ở tỉnh Khánh Hòa hoạt động nghề giã cào nằm bờ; nghề lưới cản khơi cũng nằm bờ hoặc chuyển sang khai thác gần bờ hơn.

Giá xăng dầu cao khiến ngư dân 'tiến thoái lưỡng nan'

TTXVN | 19/03/2022, 06:04

Do giá dầu tăng cao, sản lượng hải sản đánh bắt không tăng nhiều, giá hải sản bấp bênh nên phần lớn tàu cá ở tỉnh Khánh Hòa hoạt động nghề giã cào nằm bờ; nghề lưới cản khơi cũng nằm bờ hoặc chuyển sang khai thác gần bờ hơn.

Chú thích ảnh
Nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết, thời điểm này những năm trước chưa có dịch COVID-19, hoạt động của cảng Hòn Rớ rất tấp nập, các tàu lưới cản khơi chuyên khai thác cá ngừ sọc dưa về cảng luôn đầy ắp cá. Năm nay, cảng Hòn Rớ im ắng hẳn, vào những ngày cao điểm (14-16 âm lịch) thu mua cá, cảng tiếp nhận từ 30-40 tàu, chủ yếu là cá ngừ đại dương, không có các loại cá cơm, cá nục như mọi năm.

Đánh giá về tình trạng trên, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, một phần là do giá dầu tăng trong thời gian gần đây. Giá xăng dầu ảnh hưởng đến chi phí chuyến biển rất nhiều. Ghi nhận của Ban quản lý cảng đối với chủ tàu làm nghề lưới cản khơi cho thấy, hiện tại 50% số chủ tàu nghề này đăng ký nằm bờ, số còn lại vẫn tiếp tục kiên trì vươn khơi, bám biển.

Nhiều chủ vựa thu mua cá tại Cảng Hòn Rớ đều chung một đáp án, giá hải sản thu mua vào không hề tăng so với tháng trước do lượng cá của các tàu đánh bắt đợt này đều đạt sản lượng rất cao. Việc giá cá không tăng nhưng giá xăng dầu tăng cao từ đầu tháng 3 đến nay khiến cho ngư dân Khánh Hòa rơi vào cảnh “ tiến thoái lưỡng nan”. 

Chủ tàu KH 91539 TS ông Nguyễn Cư Em, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cùng với hơn 10 bạn thuyền đang vá lại lưới trong cảng Hòn Rớ vào chiều 17/3 để kịp xuất bến trước khi trời tối, tâm sự: “Người làm nghề biển không đi biển thì cũng không làm được việc khác. Những anh em bạn thuyền của tôi đây giờ bảo lên bờ làm việc họ cũng không làm được việc gì khác. Chẳng còn cách gì khác phải bám biển thôi”.

Nói về giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến chuyến đi biển, ngư dân Nguyễn Cư Em khẳng định chắc chắn là rất lớn. Mỗi chuyến đi biển trước kia khi chưa có dịch COVID-19, mỗi ngày đánh bắt được 10 triệu đồng thì cũng vừa bù lỗ chi phí. Đến nay giá dầu lên nếu có đánh bắt được nhiều cá, bán ra được 20 triệu đồng thì cũng vừa đủ trang trải cho anh em thuyền viên, không có lãi.  

Chủ tàu KH 91539 TS cũng hiểu được cảnh tình trạng giá dầu tăng chung cả nước, ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng nên ông chỉ mong muốn duy nhất chuyến biển lần này sẽ đánh bắt thật nhiều cá, nhưng quan trọng nhất là khi biển có cá nhiều thì thương lái đừng ép giá họ.

Cùng cảnh ngộ tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Hùng, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trong lúc đợi tàu cá của gia đình cập cảng cũng nhẩm tính chi phí chuyến biển tiếp theo trong tháng 3 (từ ngày 17.3 đến ngày 27.3). Anh Hùng nói, nếu trước giá dầu chưa tăng cao, mỗi chuyến biển một tàu công suất 600 CV đi biển từ 7-10 ngày sẽ hết 135 triệu tiền dầu thì nay cũng chừng ấy thời gian mà giá đã đội lên khoảng 170 triệu đồng, tăng khoảng 25%.

“Tàu làm nghề lưới cản khơi của tôi chuyến này hy vọng có nhiều cá, nếu không đầu tư nhiều lại bị thua lỗ chuyến này tôi chắc cho tàu nằm bờ nữa quá!”, ngư dân Nguyễn Văn Hùng trăn trở.

Ngoài ra, đối với tàu hành nghề giã cào, từ ngày 1.3, dầu diesel 0.05S có giá 21.310 đồng/lít, mức giá cao nhất từ trước tới nay, anh Nguyễn Văn Hùng cũng cho tàu nằm bờ. Theo anh, tàu giã cào hoạt động không có cá, ngoài xăng dầu tăng chi phí phát sinh nghề cá cũng tăng theo nên anh không đủ tiền để trang trải nhiều tàu cá cùng hoạt động một lúc.

Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng (thành phố Nha Trang) lo ngại, hiện không riêng nghiệp đoàn nghề cá nơi ông sinh hoạt mà rất nhiều nghiệp đoàn khác ở Khánh Hòa đang cho tàu nằm bờ do chi phí chuyến biển phát sinh tăng cao, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu tăng : “ Chúng tôi lo thời gian tới, bà con ngư dân đánh bắt cá không bám biển vì không có lãi, ngược lại phải bù chi phí do giá xăng dầu tăng”   

Không những thế, ngư dân ở thành phố Nha Trang gặp khó khăn trong việc nhận hỗ trợ xăng dầu. Những năm trở lại đây, ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động chi trả tiền này đến với ngư dân vẫn chưa kịp thời. Trong năm 2021, ngư dân có 4 chuyến biển được hỗ trợ, thế nhưng đến tháng 8/2021 mới nhận được quý I, 3 quý còn lại phải phải đầu năm 2022 mới được nhận.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp bình ổn giá xăng dầu để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển. Quan trọng nhất là giữ được giá hải sản không để rớt giá, nếu tăng được càng tốt.

Hiện tỉnh Khánh Hòa có hơn 700 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Hiện nay, khoảng 200 tàu các loại đang neo đậu tại cảng. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết, với vai trò, trách nhiệm của đơn vị sẽ đảm bảo vị trí neo đậu cho các tàu cá nằm bờ ở trong cảng một cách trật tự; đồng thời động viên bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, bởi giá xăng dầu tăng là việc ảnh hưởng chung đến ngư dân cả nước, không chỉ riêng Khánh Hòa.

Tuy nhiên, ông Hiếu lo lắng, việc ngư dân cho tàu nằm bờ sẽ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu, từ đó dẫn đến mất cân bằng nguồn cung cầu ngành hàng thủy sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng dầu cao khiến ngư dân 'tiến thoái lưỡng nan'