Mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh liên tiếp trong thời gian gần đây, nhưng cước vận tải mới chỉ bắt đầu giảm giá nhỏ giọt sau khi các cơ quan ban ngành có văn bản yêu cầu.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải giảm nhỏ giọt

Một Thế Giới | 07/09/2015, 15:58

Mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh liên tiếp trong thời gian gần đây, nhưng cước vận tải mới chỉ bắt đầu giảm giá nhỏ giọt sau khi các cơ quan ban ngành có văn bản yêu cầu.

Ngày 3.9, giá xăng dầu giảm mạnh gần 1.198 đồng/lít, đưa xăng RON 92 về 17.330 đồng một lít. Dầu diesel cũng giảm 111 đồng/lít, dầu hỏa giảm 123 đồng/lít, dầu mazut giảm 785 đồng/kg.
Với mức giá này, tính từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm 7 lần liên tiếp với tổng cộng số tiền giảm là 5.588 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diezen cũng đã giảm 7 lần với tổng cộng 4.800 đồng/lít kể từ đầu năm. Nếu bù cho 2 lần tăng giá, giá dầu diezen hiện vẫn rẻ hơn đầu năm 3.390 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ là giảm 20,4%.
Trong cơ cấu giá thành vận tải, xăng dầu chiếm khoảng 35%. Như vậy, với mức giảm giá xăng dầu trong 2 tháng gần đây thì việc giá cước vận tải phải giảm tương ứng 5-7%, tùy theo loại phương tiện.
Trước việc giá xăng dầu liên tiếp giảm trong khi giá cước vận tải vẫn "dậm chân tại chỗ” thì mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố giám sát và kê khai giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính trước ngày 30.9.
Không chỉ vậy, Cục Hàng không cũng đã yêu cầu các hãng hàng không giảm giá vé máy bay.
Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không áp dụng nhiều mức giá vé thấp và chương trình khuyến mãi để tạo điều kiện cho nhiều người dân di chuyển bằng đường hàng không. Ngoài ra, Cục cũng yêu cầu các hãng xây dựng và đưa thêm nhiều chương trình khuyến mãi, giá vé đặc biệt thu hút hành khách.
Thời gian qua, giá nhiên liệu bay Jet A1 có xu hướng giảm rõ rệt. Việc này có tác động tích cực đến thị trường vận tải nói chung và thị trường vận chuyển hàng không nói riêng.
Tại TP.HCM, ngày 4.9, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã ký văn bản yêu cầu các hãng taxi đang hoạt động ở thành phố giảm giá cước, sau khi giá xăng đã giảm mạnh. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các đơn vị phải giảm giá cước nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của hành khách.
Trước yêu cầu giảm giá vé từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các thành viên của Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết đã gửi văn bản đề nghị các thành viên tính toán giảm giá cước và kê khai niêm yết giá cước.
Cụ thể, các hãng taxi thống nhất sẽ giảm giá cước 500 đồng/km. Dự kiến, giá cước taxi tại TP.HCM sẽ được điều chỉnh từ ngày 8.9. Hiện mới chỉ có hãng taxi Vinasun quyết định giảm giá cước 500 đồng/km bắt đầu từ ngày 9.9 sắp tới.
Tại Bến xe Miền Đông, theo thông tin từ lãnh đạo bến xe, hiện tại đã có 10 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước từ 4 - 10% so với giá cước hiện tại. Không chỉ vậy, một số doanh nghiệp khác cũng đăng ký giảm giá cước tại phía đầu các tỉnh, TP có tuyến xe chạy đến TP.HCM.
Tại bến xe miền Tây, các doanh nghiệp chạy tuyến TP.HCM đi miền Tây cũng quyết định giảm giá vé từ 10.000 - 20.000 đồng/vé, tùy theo tuyến.
Như vậy, với các động thái tích cực trên, nhiều người tiêu dùng hy vọng giá cước vận tải hàng hóa, hành khách và giá hàng hóa sản phẩm cũng sẽ được giảm mạnh theo giá xăng dầu.
Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải giảm nhỏ giọt