Mặc dù các bộ ngành đã có động thái yêu cầu phải giảm giá cước vận tải, nhưng ngay cả khi giá xăng dầu giảm mạnh, các doanh nghiệp vẫn chưa hề công bố kế hoạch giảm giá. Đến thời điểm này họ “bình chân như vại”.

Giá xăng dầu giảm mạnh, doanh nghiệp vận tải vẫn chây ì giá cước

Một Thế Giới | 27/12/2015, 16:35

Mặc dù các bộ ngành đã có động thái yêu cầu phải giảm giá cước vận tải, nhưng ngay cả khi giá xăng dầu giảm mạnh, các doanh nghiệp vẫn chưa hề công bố kế hoạch giảm giá. Đến thời điểm này họ “bình chân như vại”.

Từ giữa tháng 9.2015 đến nay, giá xăng dầu đã liên tục theo xu hướng giảm. Trong đợt điều chỉnh ngày 18.12 vừa qua, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đáng kể. Cụ thể, xăng Ron 92 đã giảm 390 đồng/lít, dầu diezel giảm 1.250 đồng/lít.
Tính từ thời điểm giữa tháng 9.2015 đến nay, giá xăng Ron 92 đã tăng 2 lần với tổng mức tăng là 800 đồng/lít. Trong khi đó, xăng đã giảm 5 lần với tổng mức giảm là 1.730 đồng/lít. Dầu diezel 0,05S đã tăng 2 lần với mức tăng là 790 đồng/lít, giảm 4 lần với tổng mức giảm 2.120 đồng/lít.
Lại “hối” giảm giá
Trước việc giá xăng liên tục được điều chỉnh giảm, song giá cước vận tải vẫn chưa có nhiều chuyển biến, ngày 21.12, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhằm yêu cầu các đơn vị kinh doanh kê khai giảm giá cước vận tải cho phù hợp với diễn biến của giá nhiên liệu.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết nếu doanh nghiệp chây ì không giảm giá cước, cơ quan quản lý vận tải không chỉ xử phạt hành chính mà còn rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau khi công văn của Bộ Tài chính được công bố, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương tăng cường công tác quản lý giá cước và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ trên địa bàn. Đồng thời, Bộ chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện ngay việc kê khai lại giá cước vận tải giảm phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Tại TP.HCM, sau khi nhận được văn bản của Bộ GTVT, ông Lê Hồng Minh - Phó giám đốc Sở GTVT cho biết Sở đang soạn thảo văn bản để yêu cầu các doanh nghiệp vận tải xem xét điều chỉnh cho phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu.
“Trường hợp các đơn vị tăng giá vé cao so với quy định, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, xử phạt và công khai danh tính lên phương tiện truyền thông để khách hàng tẩy chay”, ông Minh cho biết thêm.
Vẫn chây ì
Mặc dù các bộ ngành đã có động thái yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước, tuy nhiên, theo khảo sát của PV, việc giá xăng dầu giảm mạnh dường như vẫn chưa đủ để các doanh nghiệp vận tải nghĩ đến kế hoạch giảm giá. Hiện tại, doanh nghiệp vận tải vẫn chây ì chưa chịu giảm giá.
Tại Bến xe miền Đông, các quầy bán vé đi các tỉnh như Nha Trang, Phan Thiết, khu vực Tây Nguyên, Đà Nẵng, Hà Nội… giá vé hầu như không thay đổi so với thời điểm trước khi xăng giảm giá.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết hiện tại hiệp hội chưa có kế hoạch giảm giá cước vận tải.
“Hiệp hội Taxi TP.HCM chưa có phương án điều chỉnh giảm giá cước vì khi giá xăng tăng thì cước taxi không tăng. Bây giờ xăng giảm giá thì giá taxi cũng chưa giảm được”, ông Hỷ cho biết.
Nói về việc thời gian tới, giá cước taxi có giảm hay không, ông Hỷ cho rằng còn tùy thuộc vào giá xăng có tiếp tục giảm nữa hay không. “ Giá xăng xuống nữa mới tính”, ông Hỷ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chánh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM lại cho rằng giá cước vận tải là do doanh nghiệp tự điều chỉnh, tự thỏa thuận với nhau nên dù giá xăng có giảm cũng khó để giảm giá cước vận tải.
Theo ông Chánh, vận tải hành khách có đặc trưng là chi phí cố định nên các doanh nghiệp có thể tính toán và thỏa thuận để giảm giá cước với tỷ lệ tương ứng. Trong khi đó, vận tải hàng hóa lại khác bởi cự ly, phương tiện và hàng hóa đều khác nhau.
Ông Chánh cho biết giá vận tải hàng hóa phải theo từng hợp đồng cụ thể. Giá xăng dầu chỉ chiếm 30 – 40% trên tổng chi phí nên còn phải phụ thuộc vào hợp đồng cụ thể giữa hàng hóa với trung chuyển. Sắp tới, khi có sàn giao dịch công khai thì giá thành sẽ khác. Do đó, khi xăng dầu giảm thì không thể quy định giá cước giảm hay không mà còn tùy thuộc vào mối quan hệ cũng như cự lý, khoảng cách của từng đơn hàng cụ thể.
"Vì vậy, giảm bao nhiêu và giảm khi nào thì đều phụ thuộc vào sự thỏa thuận của chủ hàng và doanh nghiệp vận tải trong từng trường hợp cụ thể. Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp vận tải hàng hóa tự thỏa thuận với nhau”, ông Chánh nói.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
7 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá xăng dầu giảm mạnh, doanh nghiệp vận tải vẫn chây ì giá cước