Cùng với sự phát triển vũ bão của nền kinh tế, chiến lược phát triển con người của họ đã và đang đi về đâu để duy trì nền tảng phát triển bền vững và lâu dài? Con người là nền tảng của bất kỳ xã hội nào, bài viết sau xin giới thiệu về tình hình sơ bộ của Trung Quốc.

Giấc mơ tương lai của Trung Quốc và vực thẳm tri thức

Một Thế Giới | 22/05/2015, 10:59

Cùng với sự phát triển vũ bão của nền kinh tế, chiến lược phát triển con người của họ đã và đang đi về đâu để duy trì nền tảng phát triển bền vững và lâu dài? Con người là nền tảng của bất kỳ xã hội nào, bài viết sau xin giới thiệu về tình hình sơ bộ của Trung Quốc.

Nếu hỏi bất cứ một nhà khoa học danh tiếng nào trên thế giới rằng, điều gì là quan trọng nhất để biến một quốc gia trở thành cường quốc trên thế giới vào thời điểm hiện tại, thì phần lớn sẽ trả lời rằng đó là tri thức và công nghệ. Cái thời kỳ những đế chế lớn trên thế giới chủ yếu được hình thành từ những lãnh thổ rộng lớn và dân số đông đúc, giờ đây tri thức và công nghệ mới quyết định tất cả. Người Trung Quốc có lẽ cũng hiểu điều này, khi giờ đây họ là những người khao khát được trở thành cường quốc nhất trên toàn cầu. Trung Quốc khao khát tri thức và công nghệ, và hướng tới nó bằng mọi giá. Nhưng như một câu châm ngôn cổ điển của chính người Trung Quốc - “dục tốc bất đạt”, sự vội vã có thể khiến Trung Quốc rơi vào một vực thẳm không có lối thoát - vực thẳm tri thức.

Trong lịch sử thế giới, tri thức luôn được xem là một trong những thước đo quan trọng nhất cho sự phát triển của một nền văn minh. Nhưng nó chỉ đóng vai trò cốt lõi trong việc biến một quốc gia trở thành cường quốc mà không phụ thuộc vào lãnh thổ và dân số, điều này chỉ bắt đầu diễn ra từ cuối thế kỷ 18. Cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra ở Anh đã nhanh chóng đưa quốc gia này phát triển vượt bậc về mọi mặt, bỏ xa phần còn lại của thế giới để trở thành cường quốc mạnh nhất toàn cầu. Nhờ sức mạnh của tri thức và công nghệ tiên tiến, một nước Anh nhỏ bé đã tạo được cả một đế chế lớn nhất thế giới thời cận đại. Sự phát triển vượt trội về tri thức và công nghệ ở Anh, cũng đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong việc làm lệch cán cân giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới. Theo chân Anh, các nước phương Tây như Pháp, Đức, Ý, Nga nhanh chóng công nghiệp hóa, trở thành những cường quốc vượt trội và bước vào kỷ nguyên của chủ nghĩa thực dân, bắt đầu đi xâm lược thuộc địa trên khắp địa cầu, lấn lướt các nền văn minh phương Đông và châu Phi khác.

Hầu hết các cường quốc lớn nhất trên thế giới thời hiện đại đều hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của tri thức và công nghệ. Kỷ nguyên thuộc địa kết thúc, các nước thực dân châu Âu phải nhường chỗ cho các siêu cường mới đặt nền tảng trên tri thức và công nghệ, là Mỹ và Liên Xô. Tri thức và công nghệ khi đó không chỉ được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức mạnh của hai siêu cường này, mà cuộc chạy đua về phát triển tri thức và công nghệ còn được coi là biểu tượng cho sức mạnh quốc gia. Ít có ai không biết tới những cuộc chạy đua về công nghệ nổi tiếng trong thế kỷ 20 giữa Mỹ và Liên Xô, từ việc chế tạo bom hạt nhân cho tới công nghệ vũ trụ. Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới bước vào kỷ nguyên hậu hiện đại với đặc trưng tập trung công nghệ cho các lĩnh vực dân sự. Những biểu tượng công nghệ lớn nhất giờ đây cũng là biểu tượng và thước đo cho sức mạnh kinh tế của quốc gia, đó là Microsoft và Apple ở Mỹ, hay Sony ở Nhật.

Người Trung Quốc hơn ai hết cũng hiểu rõ tầm quan trọng của tri thức và công nghệ, và họ khao khát có được thứ quý giá này hơn hết. Nhưng khao khát và sở hữu là hai việc hoàn toàn khác nhau. Khi mở cửa đất nước vào năm 1978, Trung Quốc không chỉ đứng trên xuất phát điểm về mặt kinh tế, mà còn cả về tri thức nữa. Dù đã sở hữu công nghệ hạt nhân, nhưng Trung Quốc vào năm 1978 vẫn là một nước có nền khoa học lạc hậu - hệ quả của việc đóng cửa đất nước quá lâu. Tính đến những năm 1970, cả nước Trung Quốc chỉ có khoảng 50.000 sinh viên đại học - một kết quả thảm khốc do cuộc cách mạng văn hóa để lại, khi mà các nhà trí thức và khoa học bị đối xử tàn tệ hơn bao giờ hết. Xuất phát điểm thấp về tri thức và công nghệ, đã dẫn tới việc Trung Quốc tập trung vào việc sao chép các công nghệ của nước ngoài như một cách thức hữu dụng cả về kinh tế lẫn học hỏi tri thức. Hầu như không có lĩnh vực nào không được người Trung Quốc sao chép, từ công nghệ vũ trụ, quốc phòng cho tới những công nghệ dân dụng. Từ những mặt hàng nhái này, người Trung Quốc sẽ dần nắm bắt được những yếu tố cốt lõi của công nghệ, và từ đó bắt đầu cải tiến. Đỉnh điểm cho tư duy sao chép này là tàu sân bay Liêu Ninh, con tàu được xem là biểu tượng cho sức mạnh quốc phòng Trung Quốc vốn là một món hàng phế thải, được bán với giá của phế liệu. Trung Quốc đã mua về, tân trang lại và nghiên cứu cấu trúc, từ đó bắt đầu tiến đến chế tạo những chiếc tàu sân bay khác sao y bản chính.

Nhưng, đó vẫn chỉ là chiến lược ngắn hạn. Về dài hạn, Trung Quốc sẽ không thể trở thành cường quốc công nghệ bằng cách đi sao chép. Người Trung Quốc cần phải sáng tạo ra những công nghệ mới của riêng mình. Để làm được điều này, cần phải có nền tảng khoa học kỹ thuật vững chắc ngang bằng với các nước phương Tây. Khi mở cửa vào năm 1978, khoảng cách về tri thức và công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây là quá xa, và để thu hẹp khoảng cách này một cách nhanh nhất Trung Quốc đã chọn cách hấp thụ tri thức phương Tây theo kiểu ồ ạt - giống như những gì họ đã làm trong lĩnh vực kinh tế. Từ năm 1970 đến năm 2010, lượng sinh viên theo học các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc đã tăng 30.000% - một con số khổng lồ. Số sinh viên được Trung Quốc gửi ra nước ngoài học tập cũng tăng lên chóng mặt, trong đó điểm đến chủ yếu của sinh viên Trung Quốc là Mỹ và các nước phát triển phương Tây. Nếu như vào năm 2005, có tới hơn 60.000 sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học tập, thì vào năm 2012 đã có tới 240.000 người. Số sinh viên Trung Quốc chiếm ¼ tổng số sinh viên nước ngoài ở Mỹ.

Bằng cách gửi sinh viên sang các nước phương Tây học tập một cách ồ ạt, Trung Quốc hy vọng họ sẽ có được một nguồn nhân lực cung cấp hàm lượng tri thức chất lượng cao một cách đông đảo. Cũng ngày càng có nhiều những giáo viên nước ngoài đến Trung Quốc giảng dạy như một cách giúp học sinh trong nước có được những kiến thức chuẩn mực theo tiêu chuẩn phương Tây. Nhưng điểm yếu chết người trong lĩnh vực phát triển tri thức và công nghệ của Trung Quốc vẫn còn đó. Đó là hệ thống nghiên cứu và giáo dục của nước này vẫn đang cực kỳ chậm phát triển.

Điều này xuất phát từ cách nhìn có phần thực dụng và thiển cận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện tại. Hầu hết các sinh viên ưu tú nhất sau khi học tập ở nước ngoài đều về làm việc cho các cơ quan nhà nước, theo đó họ tập trung nghiên cứu những đề tài phần lớn do nhà nước tài trợ hướng tới các mục tiêu mang tính thực tế. Trong khi đó, yếu tố cốt lõi để tạo nên một hệ thống phát triển tri thức dồi dào về lâu dài là nền giáo dục thì lại ít được quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại không có trường đại học nào của Trung Quốc nằm trong top 100 các trường đại học hàng đầu thế giới, trong top 200 thì Trung Quốc mới có được 6 trường. Nói cách khác, tư duy của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn coi tri thức là một thứ công cụ theo kiểu mì ăn liền, một thứ trái ngọt mà họ chỉ muốn hái thay vì mất công chăm bẵm dài ngày. Không cải thiện hệ thống giáo dục, Trung Quốc sẽ mãi mãi phải phụ thuộc vào nguồn cung nhân lực trí tuệ cao học tập ở các trường đại học nước ngoài quay trở về. Và một quốc gia phải phụ thuộc vào nguồn chất xám được đào tạo từ bên ngoài, thì quốc gia đó sẽ còn rất lâu nữa mới có thể vươn tới vị trí cường quốc thực sự.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấc mơ tương lai của Trung Quốc và vực thẳm tri thức