Điểm cốt yếu nhất cho ngành công nghệ vũ trụ là yếu tố con người. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao xuất phát ở chỗ chi phí đào tạo quá tốn kém. Tính trung bình, chi phí để đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực này tại Nhật Bản vào khoảng 6 tỉ đồng nhưng khi về Việt Nam, họ chỉ nhận được mức lương 3 – 4 triệu đồng.

Giấc mơ vũ trụ của Việt Nam: Đào tạo tốn, đãi ngộ kém

Thu Anh | 04/01/2017, 06:00

Điểm cốt yếu nhất cho ngành công nghệ vũ trụ là yếu tố con người. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao xuất phát ở chỗ chi phí đào tạo quá tốn kém. Tính trung bình, chi phí để đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực này tại Nhật Bản vào khoảng 6 tỉ đồng nhưng khi về Việt Nam, họ chỉ nhận được mức lương 3 – 4 triệu đồng.

Công nghiệp vũ trụ là một ngành công nghệ cao, được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau nhằm chế tạo và ứng dụng các phân hệ như vệ tinh, tên lửa đẩy, trạm mặt đất...

Chuẩn bị kỹlưỡng

Được đầu tư mạnh với tổng kinh phí 600 triệu USD bằng vốn vay ODA của Nhật Bản, sau khi hoàn thành vào khoảng năm 2020, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ đi vào hoạt động và là nơi sản xuất ra các vệ tinh dùng công nghệ radar hiện đại, cho phép chụp ảnh toàn bộ trái đất với độ phân giải rất cao và có thể chụp được trong mọi điều kiện thời tiết. Theo kế hoạch, khi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hoạt động, dự kiến cần khoảng 250 chuyên gia.

PGS-TS Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia từng chia sẻ rằng: "Làm vệ tinh cũng giống như đi học. Chính vì vậy, Trung tâm đã đặt ra kế hoạch phát triển vệ tinh từ cấp độ PicoDragon nặng 1kg (năm 2013) tới NanoDragon (nặng 10kg - năm 2016), MicroDragon (nặng 50kg - năm 2018) và cuối cùng là LotuSat (nặng 500kg - năm 2020). Đây là một quá trình lâu dài, làm từng bước để làm chủ công nghệ vệ tinh".

Được biết, để đáp ứng nhu cầu này, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã cử 36 cán bộ đi đào tạo tại các trường đại học danh tiếng của Nhật Bản như Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Tohoku… Và trong thời gian tới, sẽ có thêm khoảng 100 lượt cán bộ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia được đào tạo nâng cao tại Nhật Bản.

Đồng thời, để đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vũ trụ, Trung tâm cũng chủ động phối hợp với các trường đại học trong nước như Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học và công nghệ (Đại học Việt – Pháp) và Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) để đào tạo chương trình đại học và sau đại học về công nghệ vũ trụ.

Cần cơ chế đãi ngộ riêng

Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn, điểm cốt yếu nhất cho ngành này là yếu tố con người. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao do chi phí đào tạo quá tốn kém. Tính trung bình, chi phí để đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực này tại Nhật Bản vào khoảng 6 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này nằm trong hạng mục chuyển giao công nghệ của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Đồng thời, PGS-TS Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng cơ chế đãi ngộ cho các cán bộ nghiên cứu ngành công nghệ vũ trụ ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hấp dẫn. Đào tạo một thạc sĩ công nghệ vũ trụ ở Nhật Bản tốnkhoảng 6 tỉ đồng nhưng về Việt Nam làm việc họ chỉ được trả lương 3 - 4 triệu đồng.

Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia đề nghị: “Để ngành công nghệ vũ trụ đạt mục tiêu là ngành công nghệ mũi nhọn, cần phải có cơ chế đãi ngộ đặc thù. Chúng tôi đang đệ trình Chính phủ xin cơ chế ưu đãi đặc thù cho các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Vũ trụ quốc gia. Hiện nay, trong số 36 cán bộ được cử đi học chương trình thạc sĩ, chỉ có 6 người có biên chế do Nhà nước trả lương. Số lượng còn lại phải nhận lương từ nguồn hỗ trợ của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang triển khai xây dựng đồng thời tại Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang. Vào đầu năm 2017, Trung tâm Phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ tại Hà Nội; Trung tâm Phổ biến kiến thức vũ trụ tại Hòa Lạc và Đài Thiên văn Nha Trang tại Khánh Hòa sẽ đi vào hoạt động.

Dự kiến đến năm 2018 - 2019, các cơ sở của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc và Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ tại TP.HCM cũng sẽ hoàn thành. Như vậy, đến năm 2019, dự án sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết. Với hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm khoa học công nghệ hiện đại của đất nước.

Thu Anh
Bài liên quan
Lập bản đồ vũ trụ với 6 triệu thiên hà tồn tại trong 11 tỉ năm
Toán học mà Albert Einstein đưa ra để mô tả hoạt động vật lý của vũ trụ vào đầu thế kỷ 20 vẫn còn hiệu lực khi xét trong quy mô lớn nhất mà các nhà khoa học nghiên cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấc mơ vũ trụ của Việt Nam: Đào tạo tốn, đãi ngộ kém