Công tác cứu hộ bé trai 10 tuổi rơi xuống cọc bê tông sâu 35 mét đang tiếp tục được lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp triển khai xuyên đêm thứ 4 với phương án mũi khoan guồng xoắn.
Chiều tối 3.1, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến chiều nay, lực lượng cứu hộ vẫn đang triển khai thi công bằng phương án mũi khoan guồng xoắn.
“Hiện nay chúng tôi áp dụng kỹ thuật này đã tiến tới độ sâu 23m trên tổng số chiều dài của cọc bê tông đã đóng xuống là 35m.
Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã đạt được độ sâu ngang bằng guồng xoắn 23m và tiếp tục thực hiện cho đến độ sâu 27m thì sẽ dùng dây sắt, cáp đặc biệt để kết nối cột lại các đoạn ống (đã chia thành 3 đoạn) để đến khi thử đồng trục, kiểm soát được thì sẽ kéo ống cọc bê tông lên mặt đất, sau đó xử lý bước cứu hộ”, ông Bửu nói.
Ông Bửu thông tin thêm, sau khi kết nối được 3 ống, đoạn còn lại vẫn được khoan bằng thiết bị mũi khoan guồng xoắn để tách làm tơi rã đất, giảm áp lực ma sát của đoạn còn lại là 13m (độ sâu bên dưới).
“Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục làm xuyên đêm nhằm phá vỡ làm tơi rã phần đất xung quanh cột ống cọc bê tông (nơi có cháu bé trong đó), bên ngoài là ống che chắn bằng thép đặc biệt với đường kính 1,5m.
Sau khi cột được các ống ở 3 đoạn rồi, tiếp tục đi sâu dưới đoạn dưới làm giảm áp lực ma sát thì tính tới phương án đưa ống cọc lên mặt đất. Phương pháp thi công này thì cứu hộ vẫn đang tập trung thực hiện.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã tham khảo ý kiến chuyên gia và lên phương án dự phòng là sử dụng thiết bị bơm xoáy bằng áp lực nước mạnh ở độ sâu tầng dưới để kết hợp phá vỡ làm tơi rã đất nhanh hơn từ đó sẽ rút ngắn thời gian triển khai cứu hộ cho em bé.
Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tập trung ưu tiên phương pháp mũi khoan guồng xoắn vì đây là kỹ thuật ổn định về mặt hiệu quả, do đó phương pháp này vẫn được các lực lượng cứu hộ thực hiện”, ông Bửu nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, từ trưa 3.1, liên tiếp nhiều thiết bị máy móc được huy động đến hiện trường phục vụ việc cứu hộ, trong đó có những thiết bị chuyên dụng từ TP.HCM được điều đến để tham gia hỗ trợ cứu hộ.
Còn tại hiện trường, khoảng 14 giờ 40 cùng ngày, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đến hiện trường để chỉ huy cứu hộ bé trai bị tai nạn.
Ngay khi đến hiện trường, ông Lê Quốc Phong đã họp với lực lượng chỉ huy cứu hộ tỉnh Đồng Tháp.
Đến 17 giờ, các lực lượng cứu hộ tiếp tục dùng máy khoan làm đất tơi xốp nhằm giảm độ ma sát với cọc bê tông (nơi xảy ra tại nạn của bé trai). Đồng thời sử dụng thiết bị đưa đất từ ống vách thép để giảm ma sát với cọc bê tông.
Như Một Thế Giới đã thông tin, trước đó, khoảng 11 giờ 30 ngày 31.12.2022, bé T.L.H.N (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt.
Lúc đi qua công trình đang thi công, bé N. lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Một Thế Giới sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc