Nhiều chị em gặp phải tình trạng đau khi “yêu” khiến ham muốn giảm đi, chất lượng tình dục giảm, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Có cách khắc phục không? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn đọc về vấn đề này.
Không ít chị em xuất hiện cảm giác đau và rát bỏng trong và sau khi ân ái. Do bệnh xảy ra ở vùng kín nên chị em không muốn tiết lộ, tìm cách chữa trị lấy và chịu đựng, vì vậy họ chỉ đi khám bác sĩ khi không chịu được tình trạng này nữa và bệnh đã nặng. Có thể chỉ ra nguyên nhân và triệu chứng của đau khi “yêu” gồm:
Đau khan: Có thể là bạn chưa được kích thích đầy đủ nên âm đạo không được bôi trơn khi quan hệ. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến của các cơn đau khi giao hợp. Cơ quan sinh dục sẽ nhịp nhàng để nam giới “thâm nhập” khi đã thực sự sẵn sàng. Nếu màn dạo đầu không đủ thời gian, hay khi bạn ở trong tình trạng bị rối loạn hormone, áp lực, stress thì sẽ không có hứng yêu và tình trạng đau sẽ xuất hiện thường xuyên. Đau âm hộ không rõ nguyên nhân, có thể do một gốc dây thần kinh bị tổn thương gây đau đớn khi quan hệ, thậm chí là không thực hiện được quá trình quan hệ.
Đau rát, ra khí hư, ngứa: Rất có thể bạn bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tổn thương tại chỗ do bệnh mụn rộp, ung thư, do có mụn lồi lành tính trên da, nhiễm nấm sinh dục, nhiễm Chlamydia hoặc nhiễm HPV (vi-rút gây ung thư cổ tử ung) hoặc viêm tiết niệu hay nhiễm khuẩn đường tiểu là những tác nhân gây ra triệu chứng này. Sự cọ xát gây ra bởi giao hợp có thể làm tăng tình trạng này, khiến bạn thấy không thoải mái.
Tấy đỏ và đau rát: Âm hộ tấy đỏ, ngứa, chảy dịch dính, đôi khi có mùi hôi. Tình trạng này thường thấy ở những người dùng kháng sinh, những người đái tháo đường điều trị không đúng cách. Ở số đông thì nguyên nhân không rõ rệt. Có thể do trong âm đạo chứa quá nhiều acid oxalic khiến cửa mình bị đau rát khi va chạm. Vùng da xung quanh âm đạo rất nhạy cảm nên dễ nóng rát khi dùng xà phòng nhiều mùi, chất tẩy, dùng băng vệ sinh đặt trong âm đạo (tampon) và đồ lót quá chật. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị dị ứng chất latex trong bao cao su.
Chảy dịch âm đạo, sốt, đau khi “yêu”và đi tiểu hoặc ra máu bất thường: Có thể bạn bị bệnh viêm xương chậu (PID). Bệnh này sinh ra do các vi khuẩn xâm nhập vào các cơ quan sinh sản qua cổ tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm, các vi khuẩn từ âm đạo lại càng dễ dàng xâm nhập vào buồng tử cung và ống dẫn trứng. Khả năng sẽ đau hơn nếu bị viêm nhiễm ở bàng quang, tử cung, buồng trứng...
Trong trường hợp này, bạn không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh, chất kháng khuẩn để vệ sinh vùng kín. Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị. Khi dùng tampon, cần thay sau mỗi 2 giờ. Việc để quá lâu gây khô âm đạo và kích thích niêm mạc, tăng nguy cơ viêm nhiễm do kích thích vi khuẩn sinh sôi nhanh. Không dùng tampon khi bị các bệnh viêm âm đạo và cổ tử cung. Hạn chế đồ lót dạng dây vì khi đi lại, dải mỏng như sợi dây sẽ chuyển vi khuẩn từ hậu môn tới các bộ phận sinh dục. Ngoài ra, nếu đồ lót bó quá sát vào da thì sẽ ngăn da tiếp xúc với không khí và làm rối loạn tuần hoàn máu.
Ảnh minh họa |
Người phụ nữ bị chứng bệnh này sẽ không thể giao hợp được hoặc rất đau khi cứ cố giao hợp. Trong số ít trường hợp, co thắt âm đạo có thể xảy ra do bệnh ở cơ quan sinh dục. Nếu phụ nữ bị viêm nhiễm vùng tiểu khung, hoặc có bệnh do sinh đẻ gây ra thì việc giao hợp có thể gây đau và sự đau đớn này có thể gây chứng co thắt âm đạo.
Làm gì để giảm triệu chứng đau khi yêu?
Trong tình dục, yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng. Bạn hãy luôn vui tươi, thả lỏng và tránh mọi căng thẳng trong khi yêu. Nên chia sẻ và tâm sự với bạn tình về tình trạng của mình để được hợp tác và phối hợp khắc phục. Không nên ăn nhiều đồ ăn cay nóng, sẽ kích thích tình trạng đau. Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, vệ sinh âm đạo sạch sẽ. Khi thấy có những bất thường ở vùng kín, cần đi khám bác sĩ ngay để được điều trị cụ thể. Chị em không nên xem nhẹ tình trạng đau khi yêu vì có khi đau lại là dấu hiệu của nhiều bệnh. Nếu để lâu, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn, viêm nhiễm sẽ ngày càng lan rộng, điều trị càng khó khăn và tốn kém hơn.
Bs. Hoàng Anh – Theo Sức khỏe Đời sống