Những ngày cuối năm, hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu với Trung Quốc ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh xuất hiện tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Giải pháp nào cho tình trạng ùn tắc hàng hóa tại biên giới với Trung Quốc?

Lam Thanh | 22/12/2021, 11:08

Những ngày cuối năm, hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu với Trung Quốc ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh xuất hiện tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Tại tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma khoảng 4.500 chiếc. Những khu vực bến bãi tại các cửa khẩu đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả các khu vực tạm sử dụng), ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng chi phí…

Tại Quảng Ninh, ở cầu Bắc Luân 2 còn tồn 346 xe chờ xuất khẩu, giảm 79 chiếc so với ngày 15.12, trong đó có 276 xe chở hoa quả và 70 xe chở đồ gỗ mỹ nghệ.

Khu vực phía cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) dự kiến có 289 xe của Việt Nam đã làm thủ tục sang Đông Hưng để nhận hàng về Việt Nam (hàng hóa chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất theo hình thức gia công, hàng quá cảnh, và có 62 xe hàng hóa tiêu dùng). Do thông báo của chính quyền Đông Hưng nên chưa làm thủ tục cho những xe này về Việt Nam, còn giữ tại bên Đông Hưng.

un-tac.jpeg
Ùn tắc hàng hóa Việt tại các cửa khẩu sang Trung Quốc

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết Trung Quốc là thị trường quen thuộc với người Việt Nam, cả hiện tại và lâu dài. Hằng năm vào thời điểm này đều xảy ra tình trạng ùn ứ tại biên giới, nhưng năm nay nặng nề nhất và chính sách Zero COVID của Trung Quốc là một trong những lý do.

Theo ông Thịnh, Bộ Công Thương và cơ quan chức năng cần thông báo tình hình ùn tắc biên giới để các địa phương không tiếp tục vận chuyển hàng lên biên giới; tăng cường biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời cơ quan chức năng của Việt Nam phải làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản.

“Với tiến độ thông quan rất ít ỏi thì với số lượng hàng nghìn xe đang ùn ứ thì các chủ hàng cũng cần xem xét cho hàng hóa, đặc biệt là loại nông sản nhanh hỏng, quay về tiêu thụ nội địa, nếu không sẽ lỗ nặng”, ông Thịnh nêu.

Về lâu dài, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch chứ không đi tiểu ngạch. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất của Việt Nam cũng cần phải xem xét lại để đảm bảo chất lượng quốc tế để hàng hóa có thể đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Song song với đó, ông Thịnh cho rằng cần hình thành chuỗi sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp, các chuỗi bán lẻ, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp của Việt Nam cần tận dụng những hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc cũng đang ngày càng khó tính hơn, nếu chúng ta không thay đổi sẽ rất khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa”, ông Thịnh nói.

dinh-trong-thinh.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất Bộ NN-PTNT nên tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm. Việc này nhằm đề ra phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ NN-PTNT cũng cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Ông Thiệu đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết trước mắt là Bộ NN-PTNT sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật, hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để nhanh chóng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tại cuộc làm việc với Bộ NN-PTNN và tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết việc ùn tắc hàng hóa dịp tết hằng năm vẫn có nhưng do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.

"Lãnh đạo hai nước rất quan tâm đến vấn đề này. Sứ quán chúng tôi rất lo lắng, tìm giải pháp tháo gỡ. Tôi nhớ trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của Bộ cũng đã gọi điện cho tôi, nói rằng vấn đề này đang được quan tâm. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ", ông Cẩm thông tin tại cuộc họp.

Về việc đàm phán nghị định thư, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết cũng do dịch COVID-19 khiến hai bên khó gặp gỡ trao đổi và tiến tới ký kết nghị định thư để xuất khẩu nhiều loại hoa quả chính ngạch hơn. Ông Cẩm đề nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy nội dung này.

Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ NN-PTNN đàm phán với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản; Bộ Ngoại giao đàm phán, trao đổi với phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc thực hiện theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc về việc thông báo cho phía Việt Nam khi Trung Quốc tạm thời đóng cửa khẩu (thông báo trước 5 ngày) để phía Việt Nam chủ động có kế hoạch thông báo cho người dân, doanh nghiệp và lực lượng chức năng có thời gian chuẩn bị, tránh gây ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu và thiệt hại kinh tế cho cả hai bên.

Ngoài ra, các tỉnh biên giới phía bắc cần thiết lập, duy trì thường xuyên mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cặp cửa khẩu đổi diện, đối thoại giải quyết những vấn đề thương mại phát sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào cho tình trạng ùn tắc hàng hóa tại biên giới với Trung Quốc?