Lượng tinh bột trong khoai lang chỉ bằng 1/3 so với cơm, lại không chứa chất béo và cholesterol nên có tác dụng ngăn ngừa quá trình chuyển hóa thành chất béo tích tụ trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng nên hiểu rõ những điều sau đây để tránh ảnh hưởng sức khỏe khi giảm cân bằng khoai lang.
Dự trữ khoai quá lâu
Nhiều người vì có thói quen ăn ngọt nên thích mua khoai để trong nhà một thời gian sau mới ăn. Khi đó, lượng nước trong khoai bốc hơi khiến khoai ngọt, bùi hơn loại khoai mới thu hoạch. Mặc dù chất ngọt từ khoai lang không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bác sĩ khuyến khích không nên vì thế mà bổ sung quá nhiều chất ngọt trong thời điểm giảm cân. Chưa kể khoai lang để lâu sẽ nẩy mầm. Một số loại mầm không tốt, thậm chí có hại tới sức khỏe, trong đó có khoai lang. Bạn nhớ đừng để khoai quá lâu nhé!
Nên ăn khoai lang vào giờ nào là tốt?
Một số người dùng khoai lang thay thế cho bữa sáng. Đây chỉ là kế hoạch tạm thời vì nếu kéo dài không tốt cho sức khỏe. Bữa sáng, bác sĩ khuyên nên ăn đầy đủ các chất để có năng lượng cho cả ngày làm việc. Lý tưởng nhất là bạn nên ăn khoai lang trước bữa ăn chính, với điều kiện không được quá đói. Ăn trước bữa ăn sẽ giúp bạn hạn chế cơn thèm ăn, khi đó lượng thức ăn nạp vào sẽ giảm đi.
Chế biến khoai lang như thế nào giúp giảm cân?
Khoai lang là món ăn yêu thích của nhiều người, cả người lớn và trẻ nhỏ. Cách chế biến khoai lang cũng rất phong phú. Có thể nướng, chiên, hầm, luộc, hấp… Nhưng cách tốt nhất cho người muốn giảm cân là hấp. Khoai hấp giữ được toàn bộ lượng nước cũng như dưỡng chất trong khoai, lại không có bất cứ loại gia vị nào giúp bạn thực hiện kế hoạch giảm cân tốt hơn.
Tuyệt đối không nên ăn khoai lang còn sống vì các vi khuẩn chưa bị tiêu diệt sẽ dễ bị tiêu chảy.
Lưu ý: Không nên ăn khoai lang với quả hồng. Vì khi kết hợp 2 thực phẩm này, lượng đường trong khoai sẽ lên men trong dạ dày, từ đó làm tăng việc tiết axit dịch vị. Gây phản với chất tannin có trong quả hồng dẫn đến có hại cho dạ dày.
Thu Thủy