Cho rằng việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200mg (trị giá gần 4 tỉ đồng) do hết hạn sử dụng là sự cố khách quan, bác sĩ Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM thừa nhận đây là một sự cố rất đáng tiếc mà BV không lường trước sự phức tạp của thủ tục nhập thuốc viện trợ.
Gặprắc rối trong quá trình nhập thuốc
Chiều 3.5 trao đổi với báo chí, bác sĩ Phù Chí Dũng cho biết ngày 27.11.2013, Công ty Novartis đã đồng ý viện trợ cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.HCM 34.608 viên thuốc Tasigna 200mg dành cho 50 bệnh nhân tham gia chương trình 'Tasigna co pay'.
Đây là nguồn thuốc được viện trợ cho chương trình Tasigna co pay – chương trình thuốc dành cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy. Những bệnh nhânnày đã bị kháng thuốc Glivec (thế hệ thuốc thứ 1 đặc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy) và bắt buộc phải chuyển qua sử dụng thuốc Tasigna nếu không sẽ tử vong. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục nhập lô thuốc này về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài gần 1 năm mới về đến Cảng sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Dũng sở dĩ có sự cốtrên là do loại thuốc này chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam khiến cho thủ tục cấp phéo kéo dài. Tuy nhiên sau gần 1 năm về Cảng sân bay Tân Sơn Nhất thì lại tiếp tục gặp một sự cố nữa. Đó là toàn bộ số thuốc Tasigna 200mg bị Chi cục hải quan TP không cho bệnh viện nhận với ý do số thuốc trên còn thời hạn sử dụng dưới 12 tháng.
Sau đó bệnh viện đã nhiều lần cầu cứu sự can thiệp của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM cuối cùng số thuốc Tasigna 200mg trên cũng đã được Chi cục hải quan TP đồng y cho bệnh viện nhận thuốc vào ngày 13.8.2014.
Do thời gian chờ đợi thuốc quá lâu nên trong số 50 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy tham gia chương trình Tasigna co pay đã có một số chết, cộng với một số bệnh nhân không đủ điều kiện kinh tế để đồng chỉ trả nên chỉ có 26 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình này.
“Là thuốc viện trợ cho những bệnh nhân tham gia chương trình Tasigna co pay nhưng bệnh nhân phải đồng chi trả 4% (tương đường 42 triệu đồng/năm) nên nhiều bệnh nhân nghèo không có điều kiện tham gia. Lượng thuốc thì nhiều mà số lượng bệnh nhân ít dẫn đến việc sử dụng thuốc không kịp, thuốc hết hạn phải hủy”, ông Dũng giải thích.
Bệnh viện không lường trước sự phức tạp của thủ tục
Cũng theo ông Dũng, bệnh viện đã lường trước khả năng không thể sử dụng hết lượng thuốc trên trong giai đoạn còn hạn sử dụng. Do đó khi thuốc còn hạn sử dụng khoảng 10 tháng, bệnh viện đã chủ động làm việc với Công ty Novartis đề nghị mở rộng chương trình sang cho các bệnh nhân ở bệnh viện khác; hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân nhưng công ty này không chấp nhận. Do đó đến ngày thuốc Tasigna 200mg hết hạn sử dụng vẫn còn 19.997 viên, trị giá 3,8 tỷ đồng.
Ông Dũng cho rằng nguyên nhân để xảy ra tình trạng lãng phí trên là do yếu tố khách quan. Bản thân bệnh viện không lường trước được sự phức tạp của thủ tục nhập thuốc viện trợ, cũng như dự kiến số lượng bệnh nhân tham gia chương trình chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, bệnh viện đã không thỏa thuận chặt chẽ với công ty cung cấp về hạn sử dụng của nguồn thuốc.
“Một sự cố rất đáng tiếc. Chúng tôi coi đây là bài học kinh nghiệm của mình để không xảy ra trường hợp tương tự trong những lần viện trợ sau. Chúng tôi sẽ thực hiện khảo sát kỹ hơn nhu cầu của bệnh nhân để dự trù thuốc sát với nhu cầu thực tế; đồng thời yêu cầu các công ty khi viện trợ nguồn thuốc có hạn sử dụng dài hơn cũng như mở rộng đối tượng sử dụng sang các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện khác để tận dụng được tối đa nguồn thuốc viện trợ”, ông Dũng chia sẻ.
Được biết sau khi có thông tin gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư Tasigna 200mg (trị giá gần 4 tỷ đồng) được Công ty Novartis viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM phải tiêu hủy vì hết hạn sử dụng, Thanh tra TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo giao Sở Y tế TP kiểm tra, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ lập thủ tục phê duyệt.
Bên cạnh đó, Thanh tra TP.HCM cũng yêu cầu giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến thiếu sót này.
Hồ Quang