Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết với tình hình này, Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca COVID-19/ngày. Ngoài ra, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.

Giám đốc Sở Y tế: Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày

Lam Thanh | 09/12/2021, 13:06

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết với tình hình này, Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca COVID-19/ngày. Ngoài ra, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.

Sáng nay 9.12, tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa 16 tiến hành phiên chất vấn trên hội trường.

Có thể lên tới 1.000 ca/ngày

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tây Hồ) đề nghị Sở Y tế cho biết dự báo dịch bệnh diễn ra tại Thủ đô, trong đó có biến chủng mới trong thời gian tới. Ngoài ra, ngành y tế có giải pháp kiểm soát dịch bệnh thế nào cho hiệu quả? Giải pháp kiểm soát F1, điều trị F0 tại nhà, cung cấp thuốc cho F0, phân tầng điều trị thế nào cho hợp lý để tránh gây quá tải cho tuyến trên?

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Từ 11.10, số ca mắc tăng cao và với tình hình này có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Ngoài ra, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.

Tuy nhiên, theo bà Hà, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin 2 mũi hiện nay tại Hà Nội là trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.

nhi-ha.jpg
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà

Bà Hà cũng cho biết biến chủng mới Omicron xuất hiện ở Nam Phi, đã ghi nhận ở nhiều nước, có khả năng lây lan cao hơn Delta. Theo WHO, vắc xin có thể bảo vệ được người dân đã tiêm chủng trước biến chủng này.

“Dù chưa ghi nhận trong cộng đồng, nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế; chỉ đạo CDC giải trình gen những trường hợp nghi ngờ; kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng này”, bà Hà nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã có giải pháp cụ thể, các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn. Với ngành y tế, tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giảm tải cho tuyến trên.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, Hà Nội đã triển khai cách ly F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà ở tất cả 30 quận, huyện thị xã. Qua rà soát trên 2,1 triệu hộ dân, hơn 800.000 hộ đủ điều kiện thực hiện việc này, và hiện 15.359 F1, hàng trăm F0 nhẹ đã điều trị tại nhà. Hà Nội đã phân các tầng điều trị F0. Với tầng 1 là tuyến y tế cơ sở và tại nhà, tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách, tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.

Song song với đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện tiêm phòng vắc xin cho những người chưa đủ 2 mũi, có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ vắc xin của Bộ Y tế; ứng dụng công nghệ trong công tác xét nghiệm, quản lý F0, F1, không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ. Ngành y tế luôn cập nhật, theo dõi, cập nhật thông tin F0 trên phần mềm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp.

Thành phố thiếu 423 nhân viên y tế trường học

Chất vấn về lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học cũng như cần sự giám sát. Đâu là phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài?

Trả lời chất vấn nội dung này, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12 trên địa bàn thành phố, đến nay, đã có 64 nghìn học sinh khối lớp 9 và 12 đi học đảm bảo an toàn.

cuong.jpg
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương

Theo ông Cương, để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT xác định vừa tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh…

Về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, sẽ có 10 nghìn học sinh được trang bị thiết bị học tập online. Hiện nay, thành phố đã trao được hơn 7 nghìn thiết bị học tập cho các em.

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho biết, Sở đang tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên để nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến.

Về việc thiếu nhân viên y tế trong trường học, ông Trần Thế Cương cho biết, theo số liệu thống kê, toàn thành phố thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người. Do từ năm 2015, Thành phố tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại trường học công lập. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.

Ông Cương cho biết thêm, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Y tế ban hành tiêu chí an toàn trường học để xác định rõ “an toàn trường học”. Trong đó, đảm bảo một cung đường 2 điểm đến, không tổ chức ăn bán trú, giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được dạy học trực tiếp. Với khối lớp 12, tùy theo từng cấp độ dịch ở các phường mà có phương án cho học sinh quay lại trường học.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội mong muốn phụ huynh và giáo viên quan tâm thường xuyên nhắc nhở học sinh tự giác phòng dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc Sở Y tế: Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày