Nhu cầu tiêu thụ điện, gas, truy cập thông tin... của người dân đang có xu hướng gia tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, để hỗ trợ người dân, cơ quan quản lý đã có những đề xuất về việc giảm giá điện, giá cước internet.
Giảm giá cước, tăng dung lượng
Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), lưu lượng chuyển qua trạm trung chuyển internet quốc gia tăng đến 40% trong thời gian vừa qua. Tại các khu vực cách ly, lưu lượng tháng 3 tăng đột biến 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị làm việc trực truyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến,…
Trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để hỗ trợ cho người dân, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết 4 nhà mạng: Viettel, MobiFone, VNPT và Vietnamobile sẽ tặng 50% data cho tất cả gói cước di động hỗ trợ khách hàng chống dịch COVID-19. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ internet như CMC, Viettel, FPT cũng cam kết nâng dung lượng từ 1,5 lên 2 lần mà không tăng giá cước.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ giảm 20% cước với băng rộng cố định (internet cáp quang), MyTV, điện thoại di động... cho 4 đối tượng được hỗ trợ từ các dịch vụ viễn thông của nhà mạng (người có công với cách mạng; các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, lao động mất việc làm...).
Trong khi đó, MobiFone cũng lên kế hoạch giảm 20% cước cho một số đối tượng và cam kết nâng tốc độ internet lên thêm 50%, tăng dung lượng sử dụng data của tất cả các gói cước hiện hành lên 50% nhưng không tăng giá.
Từ 1.4, VinaPhone cho biết sẽ áp dụng Gói cước 0 đồng cho tất cả thuê bao thuộc nhóm đội ngũ phòng chống dịch tại các tuyến đầu trên cả nước và những người dân tại các khu cách ly. Theo đó, các thuê bao sẽ có mỗi tháng 1.500 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng và 60GB data tốc độ cao (2GB/ngày). Chương trình được áp dụng đến khi Việt Nam công bố hết dịch. Bên cạnh đó, nhà mạng này cũng bổ sung 18% tổng số trạm và 35% dung lượng core để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.
Viettel cũng cho biết đã nâng mức độ băng thông từ 1,5 - 2 lần. Đối với di động sẽ nâng dung lượng trên trạm 4G, cơ bản đảm bảo được băng thông cho thuê bao 4G.
Đơn vị cũng nhất trí với đề xuất tặng dung lượng, có thể là khoảng 50% cho khách
Thời gian hỗ trợ người dùng thụ hưởng các chính sách trên, các nhà mạng thực hiện trong 3 tháng gồm tháng 4, 5 và 6 theo thời gian công bố dịch của Nhà nước và sẽ hỗ trợ đến khi nào Chính phủ công bố hết dịch mới dừng.
Giá xăng dầu, giá gas giảm mạnh, đề xuất giảm giá điện
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trên cơ sở số liệu báo cáo của EVN, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khoảng thời gian 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6.
Cụ thể, đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh, Bộ đề xuất giảm giá điện ở khung giá cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá.
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ đề xuất giảm giá đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng) sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hằng tháng. Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.
Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với cơ sở lưu trú du lịch, với mục đích hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch giảm thiểu thiệt hại do dịch, sớm khôi phục sau khi hết dịch, đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất.
Ngoài ra, EVN cũng cho biết sẽ miễn giảm, hỗ trợ tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6 cho các cơ sở trực tiếp chống dịch với tổng số tiền ước khoảng 100 tỉ đồng. Cụ thể: giảm 100% giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.
Tổng số tiền điện hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng điện theo Phương án do Bộ Công Thương đề xuất là khoảng gần 11.000 tỉ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khoảng 6.104 tỉ đồng; các cơ sở lưu trú du lịch là 1.840 tỉ đồng; các hộ sinh hoạt được hỗ trợ khoảng 2.930 tỉ đồng; các cơ sở phục vụ chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỉ đồng.
Bên cạnh giá điện, giá xăng dầu thời gia qua cũng giảm sâu, sau gần 3 tháng, xăng E5RON 92 từ mức 19.881 đồng/lít đã giảm xuống chỉ còn 11.956; dầu diesel 0.05S từ 16.591 đồng/lít giảm còn 11.259 đồng/lít; dầu hỏa từ 15.585 đồng/lít nay giảm còn 9.141 đồng...
Trong khi đó, từ đầu tháng 4, giá gas đã được giảm mạnh, giảm tới 5.750 đồng/kg, tương ứng với mức giảm 69.000 đồng bình 12kg. Với mức giảm này, giá gas trong nước tiếp tục chuỗi 3 tháng liên tiếp giảm, với mức giảm hơn 100.000 đồng/bình 12kg. Trước đó, trong tháng 2 và tháng 3, giá bán lẻ gas cũng giảm với tổng 2 lần giảm 39.000 đồng/bình 12kg. Mức giảm này sẽ kéo dài đến hết tháng 4 và thay đổi giá theo biến động dầu thô thế giới trong kỳ điều chỉnh giá vào tháng 5.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá việc các dịch vụ thiết yếu được giảm giá trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng hiện nay khiến người dân không có thu nhập là vô cùng cần thiết. Ông cho rằng các doanh nghiệp phải tự giác và linh động điều chỉnh giá cả hàng hóa theo cơ chế thị trường và quy luật cung cầu. Khi giá đầu vào giảm mạnh thì các doanh nghiệp khác sẽ có cơ hội giảm giá, kích thích nhu cầu tiêu dùng, cùng với đó là hỗ trợ người dân.
Tuyết Nhung