Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ tiếp tục được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) như đang thực hiện trong nửa đầu năm 2024, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Từ ngày 1.1.2024, quy định giảm thuế GTGT 2% bắt đầu có hiệu lực.
Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28.12.2023 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội.
Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 30.6.2024.
Chính sách giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản và một số nhóm hàng dịch vụ khác.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới trước đó, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách giảm 2% thuế GTGT có tác dụng rất lớn.
“Chính sách này vừa hỗ trợ DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa hỗ trợ người lao động có được công ăn việc làm, tránh tình trạng thất nghiệp, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, bền vững hơn trong tương lai”, ông Việt nói.
Ông Việt phân tích, chính sách này có 3 mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế áp lực lạm phát 2024 và nuôi dưỡng nguồn thu như một biện pháp khoan thư sức dân - chính sách tài khóa mở rộng.
“Điều này đảm bảo DN tồn tại, người dân yên tâm đầu tư khi vòng xoay về tiền - hàng được duy trì. Nếu bây giờ để hàng tồn kho, giá cả tăng, áp lực lạm phát leo thang thì sẽ không thể kích thích cầu tiêu dùng, kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, DN gặp khó khăn”, ông Việt nêu.
TS Nguyễn Quốc Việt cũng nhấn mạnh rằng chính sách này cũng có tác dụng “an sinh xã hội” cho người nghèo, người thu nhập thấp.
“Một miếng khi đói, một gói khi no. Khi kinh tế gặp khó khăn thì người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những người này tiêu dùng lượng hàng hóa phổ thông, cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong túi tiền của họ. Nếu hàng hóa thiết yếu được hỗ trợ giảm giá thì cũng giảm được một phần chi tiêu của những gia đình nghèo”, ông Việt nói.
Chung quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhiều dự báo cho thấy năm 2024 tình hình kinh tế nói chung và sức khỏe DN nói riêng vẫn còn khó khăn. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí sản xuất của DN và kích cầu tiêu dùng trong nước.
Theo ông Thịnh, việc giảm thuế GTGT 2%, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét cụ thể để hỗ trợ các DN ở cả góc độ chính sách tài khóa, cũng như chính sách tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng chính sách tài khóa cần được thúc đẩy hơn. Hiện nay, việc giảm thuế, miễn, hoãn thuế và các chính sách khác đang được Chính phủ tiến hành, nhưng cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
“Việc giảm thuế sẽ hỗ trợ cho tổng cầu, khiến người dân chi tiêu nhiều hơn. Khi người dân chi tiêu nhiều hơn thì thúc đẩy DN sản xuất nhiều hơn, từ đó nền kinh tế cũng được thúc đẩy phục hồi mạnh hơn”, ông Hiếu nói.