Cáo trạng xác định nguyên trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình là chủ mưu trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình. Tuy nhiên, bị cáo đã phủ nhận điều này ngay tại phiên tòa sơ thẩm.

Gian lận điểm thi tại Hòa Bình: Nguyên trưởng phòng khảo thí Sở phủ nhận vai trò chủ mưu

12/05/2020, 19:21

Cáo trạng xác định nguyên trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình là chủ mưu trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình. Tuy nhiên, bị cáo đã phủ nhận điều này ngay tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Quang Vinh khai báo trước Tòa - Ảnh chụp màn hình

Ngày 12.5, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại tỉnh Hòa Bình. Trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 2 bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”.

Theo quy định tại Điều 26 Quy chế thi và phụ lục kèm theo Công văn 991, việc chấm thi trắc nghiệm do Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm thực hiện. Các phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng máy trên phần mềm chuyên dụng của Bộ GD-ĐT; các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì.

Sau khi quét, dữ liệu file ảnh bài làm của thí sinh, kết quả chấm thi được lưu vào 2 đĩa CD giống nhau (1 đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ, 1 đĩa gửi chuyển phát nhanh về bộ GD-ĐT).

Cơ quan công tố xác định Nguyễn Quang Vinh (nguyên trưởng phòng Khảo thí sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình) với vai trò chủ mưu đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình; và được Mạnh Tuấn đồng ý.

Vinh và Mạnh Tuấn thống nhất sửa nâng điểm trực tiếp trên bài thì của thí sinh trước khi quét file ảnh gửi về Bộ GD-ĐT. Theo đó, Vinh có trách nhiệm chuẩn bị chìa khóa phòng cất giữ bài thi, chấm bài thi trắc nghiệm, bố trí niêm phong cửa phòng chấm thi; Mạnh Tuấn trực tiếp can thiệp nâng điểm bài thi cho thí sinh.

Trước nội dung truy tố này, bị cáo Vinh phản bác cáo buộc mình là chủ mưu vụ án; đồng thời khẳng định không tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên phòng khảo thí) và Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện hành vi phạm tội, không đưa chìa khoá cho Mạnh Tuấn mở cửa phòng thi.

Trong vụ án này có 15 bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử - Ảnh: chụp màn hình

Hé lộ phương thức sửa bài thi

Bản cáo trạng của Viện KSND tối cao đã làm rõ phương thức nâng điểm thi của các bị cáo. Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho Mạnh Tuấn thực hiện tội phạm, Vinh đã lựa chọn, đề xuất Mạnh Tuấn là thành viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm… Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm trên mạng, Mạnh Tuấn đã chuẩn bị bút chì, tẩy, dao rọc giấy, đáp án các môn thi trắc nghiệm do Bộ công bố; danh sách thông tin các thí sinh cần nâng điểm. Danh sách này do Vinh cung cấp cho Mạnh Tuấn.

Vào tối các ngày từ 30.6 đến 3.7.2018, Mạnh Tuấn cùng bị cáo Khắc Tuấn bóc niêm phong cửa phòng, sử dụng chìa khóa do Vinh cung cấp để vào trong thực hiện can thiệp nâng điểm bài thi cho thí sinh. Lúc này, các bị cáo lấy bài thi của thí sinh cần nâng điểm, đối chiếu với đáp án của Bộ GD-ĐT, tẩy đáp án sai, tô lại đáp án đúng; sau đó cất lại bài thi vào túi thi, dập ghim hoặc phết hồ dán niêm phong túi bài thi để tránh bị phát hiện.

Mặc dù đã can thiệp nâng điểm nhưng quá trình chấm thi, Mạnh Tuấn phát hiện một số bài thi của thí sinh chưa đạt số điểm cần nâng theo yêu cầu nên tiếp tục can thiệp; sau đó dùng máy tính quét lại bài thi, ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày giờ trên máy tính và gửi kết quả về bộ GD-ĐT.

Theo kết quả giám định trưng cầu của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an về các bài thi trắc nghiệm của thí sinh kết luận: Có 145 bài thi của 58 thí sinh bị can thiệp tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án; các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng 1 người tô ra.

Căn cứ kết quả giám định, Bộ GD-ĐT đã chấm thẩm định số bài thi này, kết quả xác định 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh (có danh sách kèm theo) được can thiệp nâng điểm, số điểm nâng từ 0,2 điểm đến 9,25 điểm/môn thi.

Nhã Thanh

Xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận thi cử tại Hòa Bình

Gian lận điểm thi tại Hòa Bình: Nhận 300 triệu đồng nâng điểm cho thí sinh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian lận điểm thi tại Hòa Bình: Nguyên trưởng phòng khảo thí Sở phủ nhận vai trò chủ mưu