Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio cho biết, để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, cần có sự nhượng bộ từ tất cả các bên.
Quốc tế

Đàm phán Mỹ - Nga: Mỹ nêu điều kiện hòa bình tại Ukraine

Hoàng Vũ 23:36 18/02/2025

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio cho biết, để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, cần có sự nhượng bộ từ tất cả các bên.

"Hôm nay là bước đầu tiên của một hành trình dài và khó khăn nhưng quan trọng", Ngoại trưởng Marco Rubio phát biểu sau cuộc hội đàm tại Riyadh hôm 18.2.

Phái đoàn Mỹ cho biết các cuộc đàm phán sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ông Rubio cho biết Tổng thống Donald Trump muốn hành động nhanh chóng để cố gắng chấm dứt cuộc chiến và mục tiêu là một thỏa thuận công bằng, lâu dài và bền vững.

Quan hệ Mỹ - Nga hạ nhiệt

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của cuộc đàm phán là việc Washington và Moscow đồng ý khôi phục hoạt động của các đại sứ quán và thành lập một nhóm đàm phán cấp cao để tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine. Đồng thời, hai nước cũng cam kết tăng cường hợp tác kinh tế, động thái được cho là giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai cường quốc kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra năm 2022.

dam-phan-nga-my-reuters.png
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin Yuri Ushakov và các thành viên của 2 phái đoàn tham dự các cuộc hội đàm tại Cung điện Diriyah ở Riyadh, Ả Rập Saudi ngày 18.2 - Ảnh: Reuters

Ông Rubio nhấn mạnh rằng năng lực hoạt động của các cơ quan ngoại giao đã bị suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây. "Chúng ta cần có những cơ quan ngoại giao năng động và hoạt động bình thường để duy trì các kênh liên lạc", ông phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Cung điện Diriyah ở Riyadh. Thỏa thuận này đang làm thay đổi chính sách đối ngoại lâu năm của Mỹ và khiến các đồng minh NATO phải theo dõi sát sao.

Tại cung điện Diriyah, Ngoại trưởng Rubio có mặt cùng với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, ông Steve Witkoff.

Ngoài ông Lavrov, phía Nga có sự tham gia của Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov, cùng đại diện chủ nhà là Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud. Ả Rập Saudi tiếp tục đóng vai trò trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán, duy trì lập trường trung lập và đã từng hỗ trợ các thỏa thuận trao đổi tù binh giữa Ukraine và Nga.

Cả Washington và Moscow đều chưa ấn định thời điểm cho cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, dù cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn đối thoại. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại giao đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, khởi đầu bằng một cuộc điện đàm giữa Putin và Trump chỉ 6 ngày trước, đặt nền móng cho những bước tiến mới trong quan hệ song phương.

Bình luận của Nga và Mỹ

Sau hơn 4 giờ đàm phán căng thẳng, ông Yuri Ushakov, nhà đàm phán cấp cao của Nga, chia sẻ với báo giới: "Đây là một cuộc trao đổi rất nghiêm túc, nơi chúng tôi đã thảo luận tất cả những vấn đề quan trọng nhất".

ngoai-truong-nga23.png
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngồi cạnh Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Yuri Ushakov trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh sự cấp thiết của việc dỡ bỏ các rào cản kinh tế giữa Moscow và Washington, điều mà Nga coi là trở ngại lớn sau khi Mỹ và phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt vì cuộc chiến.

Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, Ngoại trưởng Mỹ Rubio vẫn giữ thái độ thận trọng, không cam kết bất kỳ điều gì.

"Chỉ có thông qua hợp tác, Nga và Mỹ mới có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu, dập tắt xung đột và thúc đẩy hòa bình", Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, cho rằng việc cải thiện quan hệ Mỹ - Nga là điều cần thiết không chỉ cho hai nước mà còn cho toàn thế giới.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với các phóng viên tại Moscow cùng ngày rằng việc NATO không kết nạp Ukraine làm thành viên là "chưa đủ".

Bà cho biết liên minh này phải tiến xa hơn bằng cách từ bỏ lời hứa đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008 rằng Kyiv sẽ gia nhập vào một ngày trong tương lai chưa xác định. "Nếu không, vấn đề này sẽ tiếp tục đầu độc bầu không khí trên lục địa châu Âu", bà nói.

Hãng tin Reuters nhận định bình luận của phía Nga báo hiệu rằng Moscow sẽ tiếp tục gây sức ép để có thêm nhượng bộ trong các cuộc đàm phán.

Về phần mình, Cố vấn an ninh Mỹ Mike Waltz nói với các phóng viên tại Riyadh rằng cuộc chiến phải chấm dứt vĩnh viễn và điều này sẽ liên quan đến các cuộc đàm phán về lãnh thổ. "Thực tế là sẽ có một số cuộc thảo luận về lãnh thổ và sẽ có cuộc thảo luận về các đảm bảo an ninh", ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng rời cuộc đàm phán với một tín hiệu tích cực, cho biết ông tin rằng Nga đang sẵn sàng tham gia vào một quá trình thực sự nghiêm túc để tìm cách chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine càng sớm càng tốt.

"Tổng thống Donald Trump mong muốn chấm dứt bạo lực; Mỹ khao khát hòa bình và đang sử dụng sức mạnh của mình để gắn kết các quốc gia lại với nhau. Ông Trump là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể khiến Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce tuyên bố hôm 18.2

Ukraine và châu Âu bị gạt sang một bên?

Đáng chú ý, không có quan chức Ukraine nào tham dự cuộc họp. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với các phóng viên vào ngày 17.2 rằng ông sẽ có mặt tại Ả Rập Saudi ngày 19.2, nhưng chuyến đi của ông không liên quan đến cuộc gặp giữa Mỹ và Nga.

dam-phan-hoa-binh.png
Phái đoàn Nga và Mỹ trong cuộc đàm phán hòa bình với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud, Cố vấn an ninh quốc gia Mosaad bin Mohammad Al-Aiban tại cung điện Diriyah, ở Riyadh hôm 18.2 - Ảnh: Reuters

"Ukraine không hề hay biết gì về việc này. Và Ukraine cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến Ukraine mà không có sự tham gia của chúng tôi đều không có kết quả", ông nhấn mạnh.

Theo AFP, phản hồi lại tuyên bố này, Điện Kremlin khẳng định rằng Tổng thống Putin sẵn sàng đối thoại với ông Zelensky nếu cần thiết. Tuy nhiên, điều này chưa làm giảm lo ngại của Kyiv và các đồng minh châu Âu về việc Mỹ và Nga có thể đạt được một thỏa thuận không phù hợp với lợi ích của Ukraine.

Việc Mỹ gia tăng nỗ lực ngoại giao cũng đã gây ra sự xáo trộn trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia EU lo ngại rằng nếu không tham gia vào các cuộc đàm phán quan trọng này, họ có thể bị đặt trước sự đã rồi.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận: "Liên minh châu Âu (EU) cũng là một bên quan trọng và họ chắc chắn sẽ phải có mặt tại bàn đàm phán vào một thời điểm nào đó, vì các lệnh trừng phạt của họ cũng đang có hiệu lực".

Ông Rubio cũng cho biết mục tiêu là một thỏa thuận "có thể chấp nhận được đối với tất cả mọi người liên quan và rõ ràng bao gồm cả Ukraine, nhưng cũng bao gồm cả các đối tác của Mỹ ở châu Âu và tất nhiên là cả phía Nga nữa".

Trong khi đó, phía Nga tỏ ra không mấy mặn mà với sự tham gia của châu Âu vào các cuộc đàm phán. Ngoại trưởng Nga Lavrov thẳng thắn tuyên bố khi đến Riyadh: "Tôi không rõ họ có vai trò gì trên bàn đàm phán này".

Đồng minh EU chưa có sự thống nhất

Trước tình hình này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp khẩn với lãnh đạo EU và Anh tại Paris nhằm thống nhất chiến lược tiếp theo. Sau cuộc họp, ông Macron đã liên lạc trực tiếp với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky để đảm bảo châu Âu không bị gạt ra ngoài cuộc.

phap-nato.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Tổng thư ký NATO Mark Rutte khi ông đến dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu về Ukraine và an ninh châu Âu tại điện Elysee ở Paris, Pháp ngày 17.2 - Ảnh: Reuters

"Chúng ta đang tìm kiếm một nền hòa bình bền vững và lâu dài ở Ukraine. Điều này chỉ có thể đạt được khi Nga chấm dứt hành động quân sự và có những cam kết an ninh vững chắc dành cho người dân Ukraine. Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này với tất cả người dân châu Âu, người Mỹ và người Ukraine", ông Macron chia sẻ trên X.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng bày tỏ sự cần thiết của việc duy trì cam kết an ninh của Mỹ với Ukraine. "Sự bảo chứng từ Washington là điều duy nhất có thể đảm bảo rằng Nga không tiếp tục tấn công Ukraine", ông nói.

Dù cùng chung mục tiêu bảo vệ chủ quyền Ukraine, các đồng minh phương Tây vẫn có những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề này. Một số quốc gia như Ba Lan, Phần Lan và các nước Baltic đang thúc đẩy cách tiếp cận mạnh mẽ hơn, trong khi những nước như Pháp, Đức, Ý vẫn thận trọng hơn.

"Có một sự đồng thuận rõ ràng về việc bảo vệ chủ quyền của Ukraine và đảm bảo châu Âu có tiếng nói trong bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, cách thức đạt được mục tiêu đó vẫn là điểm gây tranh cãi.

Ba Lan, Phần Lan và các nước vùng Baltic nhận thức rõ rằng thời kỳ Mỹ tự động bảo vệ châu Âu chỉ vì truyền thống đã kết thúc. Họ đang thúc đẩy một chiến lược đối đầu mạnh mẽ hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu Pháp, Đức, Ý và các quốc gia khác có sẵn sàng đi theo đường lối cứng rắn này hay không", Michael Butler, nhà khoa học chính trị, chia sẻ với Newsweek.

Cuộc đàm phán tại Ả Rập Saudi đánh dấu một bước tiến quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp kết thúc cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Ukraine và những quan ngại từ các đồng minh phương Tây đặt ra nhiều câu hỏi về tác động của các thỏa thuận tiềm năng đối với Kyiv. Khi Mỹ và Nga tiếp tục trao đổi về các định hướng ngoại giao, vẫn chưa rõ liệu các cuộc đàm phán này có dẫn đến một giải pháp hòa bình bền vững hay chỉ đơn thuần là một phần trong quá trình tái định hình quan hệ quốc tế.

Bài liên quan
Nhà máy điện hạt nhân nổi lớn nhất thế giới sắp ra đời tại Mỹ
Theo Interesting Engineering, Core Power, nhà phát triển hàng đầu về công nghệ hạt nhân trên biển thông báo sáng kiến đặc biệt nhằm giới thiệu nhà máy điện nổi sử dụng muối nóng chảy lớn nhất thế giới sẽ hoạt động vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Các ông Nguyễn Chí Dũng, Mai Văn Chính làm phó thủ tướng
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã phê chuẩn các ông Nguyễn Chí Dũng, nguyên Bộ trưởng KH-ĐT và ông Mai Văn Chính, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đàm phán Mỹ - Nga: Mỹ nêu điều kiện hòa bình tại Ukraine