Tấm ảnh chụp bụng bầu của Serena Williams với chú thích “20 tuần” đăng trên ứng dụng tin nhắn hình ảnh Snapchat hồi tuần trước đã được nhanh chóng xóa đi ngay sau đó. Thế nhưng ai cũng có thể nhẩm tính được rằng khi đoạt danh hiệu Grand Slam thứ 23 tại giải Úc mở rộng ngày 28.1, Serena đã mang thai được 8 tuần!
Tuy đã xóa đi hình ảnh trên ứng dụng Snapchat, nhưng sau đó tay vợt số 1 thế giới người Mỹ Serena Williams sau đó đã chính thức thừa nhận việc mình chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Như vậy, tay vợt 35 tuổi chắc chắn đã đoạt danh hiệu vô địch đơn nữ giải Úc mở rộng 2017 khi đang mang thai. Câu hỏi đặt ra từ câu chuyện này là phụ nữ có thể tập luyện nặng đến mức nào trong thời gian thai kỳ?
Trong cuộc họp báo tại Vancouver, Canada vừa qua, Serena nói rõ cô chỉ biết mình có bầu ngay trước khi giải diễn ra. “Tôi đã rất căng thẳng. Tôi không biết mình phải làm gì. Liệu tôi có thể thi đấu? Tôi đối mặt với rất nhiều câu hỏi”.
Serena chia sẻ tiếp: “Các bạn đều nghe kể những câu chuyện về các mẹ bầu, họ trở nên ốm yếu, khi ốm nghén, họ thật sự mệt mỏi, thật sự căng thẳng”.
“Còn bản thân tôi lúc đó tôi biết rằng điều quan trọng với mình là phải tập trung. Tôi thật sự cảm thấy rằng tôi không có thời gian để xử lý những cảm xúc mới mẻ, những chuyện vấn đề nảy sinh từ chuyện tôi có bầu. Tôi có bầu hay không, chẳng ai biết. Ở mỗi giải đấu tôi tham gia, tôi luôn được kỳ vọng giành chiến thắng”.
James Pivarnik, Giáo sư Khoa Vận động Đại học bang Michigan, Mỹ từng nghiên cứu về tác động của tập luyện thể dục thể thao trong thời gian thai kỳ, cho biết những nghiên cứu trên các vận động viên hàng đầu hãy còn hạn chế, nhưng giả thuyết của ông là những vận động viên xuất sắc luôn có khả năng phục hồi tốt hơn.
“Những người phụ nữ đó rất khác biệt. Họ có thấy phục hồi từ những sức ép rất lớn mà họ gần như phải gánh chịu hành ngày trong suốt cuộc đời của họ. Một trong những lý do để họ có thể đánh được những quả bóng cực mạnh đó là họ có thể phục hồi nhanh. Người có thể phục hồi mới có thể đạt đến trình độ cao”.
Tiến sĩ Laura Riley, Trưởng Khoa Sản bệnh viện Massachusetts, Boston, Mỹ đánh giá rằng thời điểm của Serena thật sự hoàn hảo, và chẳng có lý gì để tránh thi đấu trong thời gian đầu của thai kỳ. Quá trình mang thai nặng nề bắt đầu sau đó, khoảng từ tuần lễ thứ 20.
Tiến sĩ Riley nói: “Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nghe nói về chuyện này, ‘Ôi trời, một người phụ nữ thông minh, thời điểm của cô ấy thật hoàn hảo: Đó là giai đoạn đầu của thai kỳ, và chẳng có gì để làm ngoài việc ngồi yên và chờ đợi. Chẳng có điều gì cô ấy làm sẽ làm thay đổi chuyện cấn thai – vậy thì sau không tham gia thi đấu và giải chiến thắng ở giải Úc mở rộng?”
Dung tích hồng cầu tăng có hiệu quả tương tự như doping máu
Theo Tiến sĩ Raul Artal, Giáo sư Trưởng Khoa Sản – Phụ khoa – Sức khỏe phụ nữ của Đại học Saint Louis ở Missouri, Mỹ, mang thai có thể thực sự mang lại cho Serena lợi thế so với người không mang thai, ít nhất là trong giai đoạn đầu của giải đấu kéo dài 2 tuần. Ông Raul Artal vừa là bác sĩ sản phụ khoa, vừa là chuyên gia y sinh học thể dục thể thao.
Đó có thể là lý do giải thích vì sao Serena đã thực sự có được sức chịu đựng khi tham gia giải Úc mở rộng cao hơn so với trước khi cô cấn thai. Trong 4 đến 6 tuần lễ đầu tiên của thai kỳ, dung tích hồng cầu tăng lên. Các tế bào hồng cầu mang ôxy, do đó, sự gia tăng dung tích hồng cầu trong giai đoạn đầu mang thai có hiệu quả tương tự như doping máu.
Ông Artal cho biết: "Đây là một thực tế từng được một số nước thừa nhận. Những nước này sẽ cố gắng sắp xếp để đảm bảo các nữ vận động viên mang thai ngay trước giải đấu, thi xong thì họ sẽ bị buộc phá thai. Cách làm khủng khiếp này đã bị ngưng bỏ".
Thế nhưng tập luyện nặng trong giai đoạn đầu của thai kỳ có gây rủi ro cho người mẹ không? Ông Artal giải thích, khoảng thời gian từ 30 đến 40 ngày đầu tiên sau khi phôi thai làm tổ trên thành tử cung chính là thời kỳ hệ thần kinh trung ương hình thành, và nhiệt độ cơ thể của người mẹ cũng tăng lên. Do vậy nếu tập luyện căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh thai nhi, như tật nứt đốt sống.
"Điều then chốt là phải giữ nước tốt cho cơ thể." Ông Artal cũng nói thêm rằng ông tin chắc Serena, như bất kỳ vận động viên quần vợt đẳng cấp thế giới, đã uống đủ nước trong thời gian tham gia giải Úc mở rộng hồi đầu năm nay.
Theo Sports-Reference.com và OlympStats.com, có ít nhất 18 vận động viên Olympics đã thi đấu trong khi mang thai, phần lớn là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Trong số đó, vận động viên bóng chuyền bãi biển Kerri Walsh Jennings từng đoạt HCV Olympics London 2012 khi mang thai 5 tuần lễ. Vận động viên bắn cung Khatuna Lorig mang HCĐ về cho Liên Xô tại Olympics Đức 1992.
Riêng Cornelia Pfohl, một vận động viên bắn cung người Đức, đã hai lần thi đấu trong khi mang thai, nếu như năm 2000 tại Olympics Sydney, cô đoạt HCĐ, thì 4 năm sau, cô trắng tay khi mang thai 7 tháng, và đã hạ sinh bé gái Roselinda chỉ 57 ngày sau đợt thi chung kết Athens 2004.
Ông Artal, thành viên Ủy ban Y tế của Ủy ban Olympic Quốc tế, đã chăm sóc một số vận động viên xuất sắc trong suốt những năm qua. Bạn nghĩ rằng Williams đoạt danh hiệu vô địch đơn nữ Úc mở rộng trong khi mang thai là kết quả thật ấn tượng? Một trong những bệnh nhân của Artal là một cuarơ xe đạp Olympic. Để giữ vóc dáng trong thời gian mang thai, cô vẫn đạp xe từ 30 đến 40 dặm mỗi ngày. Không chỉ vậy, cô tiếp tục đạp xe tại chỗ 30 dặm ngay trong thời gian… chuyển dạ đau đẻ.
Tất nhiên, các mẹ bầu không nên tự thử điều này ở nhà nhé. Những nữ vận động viên đang tham gia thi đấu luôn nhận được sự giám sát và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ và chuyên gia trong thời gian mang thai, ông Artal cho biết. "Tôi chắc rằng Williams đã nhận được những lời khuyên y khoa rất tốt".
Tác động tích cực của thể thao trong thai kỳ
Còn đối với những môn thể thao nhẹ nhàng thì sao? Những lợi ích và rủi ro của tập thể dục đối với những phụ nữ có bầu chỉ chơi thể thao để giải trí, hay tập luyện thể thao để xử lý thân hình củ khoai trước khi thụ thai?
Artal, tác giả và đồng tác giả của nhiều tài liệu, bài viết, sách hướng dẫn cho các mẹ bầu, nhớ lại: “Khi tôi viết hướng dẫn đầu tiên về tập thể dục trong thời kỳ mang thai, thì suy nghĩ phổ biến lúc đó là phụ nữ trong thời gian mang thai nên nghỉ ngơi và ăn uống thoải mái. Mà "thoải mái" là một cách lịch sự để nói rằng mang thai khiến phụ nữ mập hơn cả lợn".
Ông Artal nói tiếp: "Điều này đã xảy ra trong nhiều năm, và thực tế, nó vẫn còn phổ biến ở một số đồng nghiệp của tôi, những người không muốn cho phép thay đổi lối sống trong thai kỳ. Điều đó thực sự đóng góp đáng kể cho dịch bệnh béo phì."
Đó là bởi vì mỗi phụ nữ, cho dù cô ấy mảnh mai thế nào đi chăng nữa, thì vẫn giữ lại một ít chất béo của em bé sau khi em bé chào đời, ông nói. Nếu bạn đã từng mang thai, tất nhiên bạn đã biết điều đó.
"Những phụ nữ mang thai không biến chứng nên được khuyến khích tham gia các bài tập aerobic và bài tập nâng cao sức khoẻ trước, trong và sau khi mang thai", chuyên gia Artal khuyên.
Tất nhiên, có một số môn thể thao mà phụ nữ mang thai nên tránh: đặc biệt là những môn thể thao va chạm, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ và khúc côn cầu, vì có nguy cơ bị đánh hay té ngã.
Và phụ nữ mang thai cũng cần phải cẩn thận vì sự gia tăng hoóc môn relaxin, theo như tên của nó, là giúp làm lỏng khớp và dây chằng ở tử cung để chuẩn bị sinh con. Sự gia tăng relaxin có thể làm cho họ có nguy cơ bị thương tích cao hơn, đặc biệt là trong một môn thể thao đòi hỏi nhiều sự xoắn, chẳng hạn như quần vợt.
"Tuy nhiên, những phụ nữ như Serena Williams có cơ bắp mạnh có thể giữ khớp xương với nhau tốt", ông Artal nói.
Ngoài việc giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục trong thời kỳ mang thai có một số tác động tích cực. Ví dụ như giảm nguy cơ cao huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng không có mối liên quan giữa nguy cơ sinh non – trước tuần lễ thứ 37 của thai kỳ - với việc tập thể dục. Thế nên, “việc mang thai không phải là sự giam cầm, và phụ nữ nên hoạt động thể chất trong thời kỳ mang thai”.
HOÀNG ANH