Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam. Nhưng với tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu thì đây là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các hộ gia đình.

Giáo dục chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu của các gia đình Việt Nam

Lam Thanh | 18/09/2021, 22:35

Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam. Nhưng với tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu thì đây là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các hộ gia đình.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới, người dân rất quan tâm đến tương lai giáo dục của con em nên sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng cao.

Đồng thời, Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho giáo dục đã trở thành vấn đề được quan tâm và là lĩnh vực đầy tiềm năng, thu hút nhiều nguồn lực cả trong nước và quốc tế.

giao-duc.jpg
Giáo dục chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu của các gia đình Việt Nam - Ảnh: Báo GDVN

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục cao hơn nhiều các hộ thuộc nhóm thu nhập thấp (12,3% so với 1,3%).

Chi cho giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học tại trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/1 năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/1 năm) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/1 năm).

Việc lựa chọn học trường tư của các bậc phụ huynh cho con em mình có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến nguyên nhân do tình trạng đăng ký hộ khẩu.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm dân số không có đăng ký hộ khẩu có tỷ lệ học tại các trường tư cao hơn so với nhóm dân số có đăng ký hộ khẩu (20,4% so với 4,4%).

Nếu xét theo loại trường học, có 95,0% học sinh đang học tại trường công lập, giảm nhẹ so với năm 2018. Ngược lại, tỷ lệ học sinh đang học tại các trường dân lập, tư thục vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ và không đổi so với năm 2018 (4,8%).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ học tại các trường dân lập, tư thục ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (9,6% so với 2,1%). Điều này có thể do điều kiện kinh tế của hộ gia đình ở thành thị đang ngày càng tăng lên, phân hóa giàu nghèo rõ rệt, do vậy việc đầu tư vào hoạt động giáo dục của các thành viên trong gia đình ở khu vực thành thị cũng tăng lên đáng kể.

Mặt khác, ở nông thôn, Chính phủ đang áp dụng các chính sách miễn giảm học phí cho vùng đặc biệt khó khăn để khuyến khích người dân vùng này tham gia học tập, do vậy sự chênh lệch càng lớn.

Qua kết quả khảo sát mức sống dân cư 2020 cho thấy đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Năm 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018.

Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn; nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018 và gấp 6,2 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (2,5 triệu đồng/người/12 tháng).

Nếu xét về giới, chi tiêu cho giáo dục và đào tạo không có sự khác biệt nhiều. Tuy nhiên, nếu xét thực tế chi cho giáo dục và đào tạo theo vùng miền, lại có sự chênh lệch tương đối lớn giữa 6 vùng kinh tế.

Vùng có chi tiêu cho giáo dục, đào tạo cao nhất là vùng Đông Nam Bộ hơn 11,0 triệu đồng/người/12 tháng, gấp 3,6 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (3,1 triệu đồng/người/12 tháng). Mức chi phân biệt giữa các vùng cũng phản ánh được trình độ học vấn có sự phân hóa theo vùng.

Trong cơ cấu chi cho giáo dục, các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn là khoản học phí, trái tuyến 2,5 triệu đồng (chiếm 35,1%), học thêm 1,2 triệu đồng (chiếm 17,5%) và chi giáo dục khác 1,9 triệu đồng (chiếm 26,6%).

Các khoản chi khác chiếm tỷ trọng nhỏ như: Chi đóng góp cho trường, lớp 521 nghìn đồng (chiếm 7,4%); chi quần áo, đồng phục 326 nghìn đồng (chiếm 4,6%); chi mua sách giáo khoa 333 nghìn đồng (4,7%); chi mua dụng cụ học tập 294 nghìn đồng (chiếm 4,2%).

Như vậy, có thể thấy giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của hộ gia đình thì đây cũng là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay.

Nhìn từ góc độ chính sách, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục và đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, tạo điều kiện để việc tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo có thể đến được với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục bị tuyên án 12 năm tù
HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch NXB Giáo dục) 12 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu của các gia đình Việt Nam