Thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, Giáo sư, nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từ trần vào ngày 25.1.2017 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm qua đời

Dân Trí | 26/01/2017, 07:18

Thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, Giáo sư, nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từ trần vào ngày 25.1.2017 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam báo tin:

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, Chuyên gia cao cấp, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba sinh năm 1925 tại Hà Tĩnh đã từ trần lúc 14 giờ 30 ngày 25.1.2017 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 ngày 27.1.2017 (tức 30 tháng chạp) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Theo kỷ yếu 100 năm của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS. Đinh Xuân Lâm sinh ngày 4.2.1925 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ 9 tháng tuổi, ông theo song thân ra sinh sống và trưởng thành ở Thanh Hoá, gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.

Sau khi đỗ thành chung, ông học Trường Quốc học Huế và tốt nghiệp tú tài toàn phần ban Triết học văn chương. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông là một trong những giáo sư Trung học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hoà bình lập lại (1954), chàng thanh niên Đinh Xuân Lâm được chuyển thẳng lên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Văn khoa, đồng môn với Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng.

Trong số các bạn học, anh là người được thầy Trần Văn Giàu quý nhất. Không phụ lòng thầy, anh và Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê đã đỗ "tam khôi" khoá đó (1956). Cả ba được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Dưới sự dìu dắt của thầy Giàu, anh Lâm ở lại Bộ môn Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam, phấn đấu không mệt mỏi để lần lượt góp tên vào các công trình:"Lịch sử Việt Nam 1897 - 1914"(1957), "Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế"(1958), "Lịch sử Việt Nam cận đại"(1959 - 1961)… và trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong đội ngũ những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại như ngày nay. Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1980 và Giáo sư năm 1984, ngành Sử học.

Năm 1988, GS Đinh Xuân Lâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của ngành giáo dục.

Khi bước vào nghề làm sử (những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước), GS. Đinh Xuân Lâm đã định hướng và thành công trong nghiên cứu về phong trào dân tộc cuối thế kỷ XIX, những đặc điểm của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương..., trong khi đội ngũ các nhà sử học lúc đó tuy chưa nhiều nhưng có không ít người đã nổi danh như: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Văn Tân, Hoa Bằng...

Với sức viết bền bỉ, dẻo dai và khả năng cộng tác, làm việc theo nhóm hiếm có của mình, GS. Đinh Xuân Lâm đã viết và đứng tên hơn 370 bài báo, 7 đề tài nghiên cứu khoa học và 90 đầu sách. Ông đặc biệt có duyên với loại sách giáo khoa phổ thông, sách công cụ, từ điển... Gần đây nhất, bộ sách "Đại cương lịch sử Việt Nam" do ông tham gia chủ biên đã trở thành giáo trình chuẩn của sinh viên khoa sử các trường đại học và cao đẳng.

Với những đóng góp to lớn đó trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, GS. Đinh Xuân Lâm đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhất, Huy chương Vì thế hệ trẻ... Năm 1990, GS. Đinh Xuân Lâm nghỉ hưu, nhưng từ đó đến nay ông vẫn tiếp tục công việc của mình với độ chín của một nhà khoa học đầu ngành.

Cùng với GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn và GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đinh Xuân Lâm đã tạo nên "tứ trụ" của ngành sử học Việt Nam đương đại. Theo lời giải thích của cố GS. Trần Quốc Vượng thì khái niệm "tứ trụ" đó có lẽ hình thành vào cuối năm 1960, khi cả bốn ông đều nổi tiếng học giỏi.

Cũng theo phác họa của cố GS. Trần Quốc Vượng về người "bạn vàng" Đinh Xuân Lâm thì ở GS. Đinh Xuân Lâm nét chính là: nét tinh tế và nghi thức của văn hóa Huế, sự trong sáng, thanh tao, lãng mạn... của văn hóa Pháp đã tạo nên nét tính cách hiền lành, nhìn sự đời trôi chảy khá thản nhiên, thanh thản hơn mà không phù phiếm, ít tham vọng hơn mà không phải không làm việc hết mình cho một kỳ vọng hay lý tưởng nào đó mang dáng dấp người quân tử sửa mình theo đạo Trung dung...

Hồng Hạnh/Dân Trí
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm qua đời