Con đi du học, đang đợt thi “bên đó” nên không về được. Con email thăm hỏi cả nhà, chúc Tết bố mẹ, “vòi” mẹ gửi hình bánh chưng, hình cây mai, hình đường hoa Nguyễn Huệ qua cho con đỡ nhớ...

Tết thời @

La Hường (tổng hợp) | 25/01/2017, 17:07

Con đi du học, đang đợt thi “bên đó” nên không về được. Con email thăm hỏi cả nhà, chúc Tết bố mẹ, “vòi” mẹ gửi hình bánh chưng, hình cây mai, hình đường hoa Nguyễn Huệ qua cho con đỡ nhớ...

Tết thời @ ngày càng có những dấu hiệu khác với Tết cổ truyền xưa. Một số gia đình con cái không hề đi du học, cũng đã lên kế hoạch từ hôm đưa ông Táo, rằng Tết này sẽ chỉ ở nhà ngày 30 và mùng Một. Tối mùng 1là đã lên xe, thẳng tiến đến một… khu du lịch nào đó “trốn” khách, cho đến tận ngày đi làm lại…!

Đã vơi đi nhiều nét truyền thống xa xưa...

Không hề “bi quan”, nhưng phải nhìn nhận rằng ở Sài Gòn bây giờ, không khí Tết rất khác với chừng chục năm về trước. Đa số những gia đình trẻ (vợ chồng độ cuối 7x hoặc 8x, con chừng 1-8 tuổi) luôn có xu hướng Tết là dịp để… đi chơi. Gia đình cô bé cháu của tôi, chồng sinh năm 1978, vợ sinh năm 1981, cả hai khẳng định: “Chúng cháu để dành cả 7-8 ngày phép năm còn lại, dồn với nghỉ Tết thành một kỳ nghỉ dài dài. Rồi cứ thế đăng ký một chuyến du lịch xa. Ban đầu nhà cháu cũng la dữ lắm, bảo rằng Tết nhất phải ở nhà chứ sao lại lang thang ngoài đường thế kia. Nhưng có đi thử mới biết, nghỉ Tết như thế sướng chết đi được. Không phải tiếp khách, không phải rượu chè mờ mịt từ sáng đến tối. Vợ chồng hoàn toàn riêng tư, có những giây phút bên nhau, nghỉ ngơi thư giãn sau cả năm trời vất vả. Toàn đi dạo, tắm biển, ăn uống, ngủ lấy sức, xem tivi, đọc sách, rồi lại còn cà phê cà pháo trò chuyện với nhau… Thích lắm ạ!”.

Không còn là vợ chồng son, đã có đứa con trai 8 tuổi, nhưng vợ chồng anh Dũng – chị Giao, những người bạn của tôi cũng chọn giải pháp về quê vợ đón Tết và… đi chơi luôn. “Giáp Tết là dọn dẹp nhà sơ sơ rồi bay ra Bắc. Ở chơi với gia đình, chúc tụng nhau 1-2 ngày, sau đó thì xin phép đi du lịch. Nhịp sống Sài Gòn khá tất bật, thật sự một năm người ta chỉ có duy nhất kỳ nghỉ Tết là đủ dài. Nếu cứ ăn Tết kiểu “truyền thống”, cà kê chúc tụng hết nhà người này đến nhà người khác thì đến… hết Tết cũng chẳng có khoảng thời gian nào dành cho riêng mình hay vợ chồng, con cái!”.

Ý nghĩ này kể cũng có cái đúng. Vì quả thật so với Tết truyền thống, những cái Tết thời @ có phần gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian và “tiện lợi” hơn. Nói đơn giản, ngày xưa khi chúng tôi còn nhỏ, cứ mỗi dịp Tết là con cháu nghe vừa thích vừa… sợ. Thích thì khỏi nói rồi. Còn sợ? Đơn giản vì trước khi được “nghỉ Tết”, từ ngày giáp Tết đến tận 30, cả nhà đầu tắt mặt tối với đủ thứ công việc dọn dẹp khác nhau. Nào quét dọn, lau chùi, nào sơn sửa nhà cửa, nào lôi hết nồi niêu xoong chảo ra bắt chà cho sạch bóng, rồi giặt giũ, chà nhà… Bánh mứt thì toàn tự làm. Suốt mấy ngày giáp Tết, có thèm đi chơi cách mấy cũng phải è cổ ra mà đãi đậu, xắt dừa, rim thơm làm mứt.

Suốt mấy ngày Tết thì mệt thôi là mệt với chuyện khách khứa đến thăm và… chuyện cúng! Nói phải tội, nhưng quả thật cứ hình dung cảnh ngày cúng 3 lần, bữa cơm cúng nào cũng phải đầy đủ hết các món cần thiết thì cứ thế mà cúng không cũng đủ bay vèo cái Tết. Khách đến thăm thì tiếp tốp này chưa xong đã thấy tốp kia. Vừa mong Tết vừa… sợ Tết là cảm xúc rất thật, của nhiều người chứ không phải của riêng ai.

Bố mẹ phải cho con cái Tết đúng nghĩa

Khó ai dám mạnh miệng tuyên bố bánh chưng ngày xưa ngon hơn bánh chưng làm sẵn bây giờ. Thậm chí bánh chưng làm sẵn còn đầy đủ nếp, đậu, thịt mỡ hơn ngày xưa ấy chứ. Thế nhưng, cái Tết có đầm ấm, đáng nhớ hay không đâu nằm ở bao nhiều gram thịt mỡ, bao nhiêu gram đậu, mà lại nằm ở cái việc mẹ cùng con tất bật gói bánh, rồi cả gia đình quanh quần bên nồi bánh với bao câu chuyện rôm rả. Tết phải gói bánh, vất vả trông nồi bánh, bày biện mâm ngũ quả, làm bao nhiêu việc theo phong tục truyền thống dân tộc thì mới gọi được Tết về nhà, mới có được cái không khí xuân tràn qua khắp nẻo.

Ngày xưa, việc chuẩn bị Tết cũng lắm công phu chứ đâu phải ào ào góp nhặt mỗi nơi một tí để làm thành cái Tết “công nghiệp hóa” như bây giờ.Ngày xưa, trước Tết ít tháng, bố mẹ đã phải dần chuẩn bị để cho con mình cái Tết thật vẹn tròn, ấm áp. Cành mai, cành đào bố chăm chút cả một năm trời mới “thu hoạch” được những bông hoa đẹp đến nao lòng vào dịp Tết.

Ngày ấy khó khăn đến đâu thì ông bà, bố mẹ vẫn cố gắng gìn giữ cho con biết bao phong tục hay. Từ đó, trẻ con lớn lên với bao bài học làm người bình dị, gần gũi mà chắc chẳng trường lớp, sách vở nào đủ sức làm chúng nhớ lâu đến thế. Ấy là phải sống tốt, hướng thiện vì ông Táo sẽ “mách” hết với Ngọc Hoàng. Đó còn là lòng tôn kính với tổ tiên ông bà qua cặp bánh chưng vuông vức, là phải học ngoan, học giỏi theo truyền thống hiếu học khai bút đầu xuân của dân tộc...

Như ai đó đã đúc kết, việc người ta cứ hoài niệm, thắc thỏm tiếc nuối, so sánh cái bây giờ với cái ngày xưa cũng là một đặc trưng của Tết dù cái ngày xưa ấy với một cụ già có thể tính bằng vài thập kỷ, còn với một người trẻ thì có thể chỉ là đôi năm. Ắt hẳn với những người mà tâm trí đã đầy ắp những hoài niệm thì Tết xưa đúng là vui hơn Tết nay! Trẻ con ngày nay lớn lên với việc Tết là đi du lịch, là đồ mua sẵn, được đơn giản hóa hết mức thì đúng là thiệt thòi quá. Đâu rồi những ký ức Tết tuổi thơ? Đâu rồi những bài học hay con học được từ Tết?

Nhiều khi người ta chỉ ngồi than thở, tiếc nuối về Tết xưa trong khi chỉ cần bỏ ra thêm vài tiếng đồng hồ, cực một chút đi gói bánh, làm lễ tiễn ông Công ông Táo cho thật tử tế... là con trẻ có được cái Tết trọn vẹn và học được bao điều hay.

LINH GIANG

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tết thời @