Với tình trạng sức khỏe nguy kịch như hiện nay, không biết GS-TS Trần Văn Khê có cơ may bình phục để thực hiện hoài bão còn dở dang của đời mình: vinh danh nghệ thuật cải lương ra thế giới.

Gíao sư Trần Văn Khê vẫn còn nặng nợ với cải lương

Một Thế Giới | 13/06/2015, 07:20

Với tình trạng sức khỏe nguy kịch như hiện nay, không biết GS-TS Trần Văn Khê có cơ may bình phục để thực hiện hoài bão còn dở dang của đời mình: vinh danh nghệ thuật cải lương ra thế giới.

Tin GS-TS Trần Văn Khê nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch khiến người trong giới, học trò nhiều thế hệ của ông và công chúng lo lắng. Dẫu biết bệnh tật, ốm đau đến với tuổi già là lẽ thường tình nhưng với GS-TS Trần Văn Khê, một ngày ông nằm trên giường bệnh là mất mát lớn cho văn hóa của đất nước. Nhiều việc ông làm còn dang dở khi thời gian và sức khỏe đang cạn dần.

Dở dang hoài bão cuối đời

Sau khi trực tiếp hướng dẫn các cơ quan chức năng trong nước làm lại hồ sơ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ để UNESCO xét duyệt và công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS-TS Trần Văn Khê bắt tay ngay vào việc chuẩn bị hồ sơ đề cử với UNESCO về nghệ thuật cải lương, bộ môn nghệ thuật có đến 100 năm hình thành và phát triển. Đây là hoài bão tiếp theo mà ông đang nỗ lực thực hiện cho được trước khi từ giã cõi đời này.

Giao su Tran Van Khe van con nang no voi cai luong-hinh-anh-1
GS-TS Trần Văn Khê và nghệ sĩ Hồng Nga trong một chương trình giao lưu với khán giả yêu nghệ thuật cải lương

GS-TS Trần Văn Khê tiếp cận cải lương từ năm ông lên 9 tuổi. Thời điểm này, ông mồ côi mẹ và một năm sau lại mồ côi cha, được người cô thứ ba là Trần Ngọc Viện (bà Ba Viện) đưa về nuôi. Bà Ba Viện là người có ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của GS-TS Trần Văn Khê sau này. Bởi, bà chính là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam lập gánh hát toàn nữ ban. Gắn kết với gánh hát của người cô, dù lúc ấy còn nhỏ nhưng ông vẫn tìm tòi học hỏi và say mê bộ môn nghệ thuật này.

Thời gian sau, mỗi khi có dịp, dù ở bất kỳ nước nào, GS-TS Trần Văn Khê cũng mang cải lương ra quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế. “Năm 1964, anh Khê cùng NSND Phùng Há và tôi diễn tại Đức. Anh Khê giới thiệu về nghệ thuật cải lương bằng tiếng Anh, sau đó đệm đàn để tôi và má Bảy diễn trích đoạn Phụng Nghi Đình. Khi ấy không thể cùng một lúc sử dụng nhiều nhạc cụ, anh Khê chế ra việc thu các nhạc cụ vào máy, rồi cùng mở đĩa nhạc để hòa âm với nhạc cụ đờn kìm mà anh sử dụng tại sàn diễn. Tự hào biết mấy khi được giới thiệu cải lương ra quốc tế” - NSND Kim Cương kể lại.

Soạn giả - NSND Viễn Châu, bạn của GS-TS Trần Văn Khê cho biết GS-TS Trần Văn Khê sinh trong một gia đình có truyền thống 4 đời là nhạc sĩ (cổ nhạc) nên rất yêu đờn ca tài tử Nam Bộ và cải lương. Mỗi khi họ có dịp hội ngộ, cả hai cùng hòa đờn, trao đổi bài bản cải lương. “Anh Khê luôn đau đáu việc bảo tồn giá trị gốc, chuẩn mực của bài vọng cổ và bài bản cải lương do nhiều thế hệ nhạc sĩ, soạn giả sáng tạo. Sinh ra trong chiếc nôi âm nhạc dân tộc, nên âm nhạc cổ truyền đã thẩm thấu vào máu thịt anh Khê”, soạn giả - NSND Viễn Châu nói.

Theo NSND Đinh Bằng Phi, GS-TS Trần Văn Khê luôn khao khát tìm kiếm những cái mới để vun đắp cho cải lương, thông qua những buổi chuyên đề sân khấu tại tư gia, tại các trường đại học mà ông đã được mời đến giảng dạy. Ông có hẳn đề án đưa âm nhạc dân tộc, trong đó có cải lương vào giảng dạy trong trường phổ thông các cấp. Rất tiếc là đề án này chưa được ngành giáo dục quan tâm.

Gương sáng cho thế hệ trẻ

Với kiến thức phong phú và nhiều tâm huyết, hoài bão lớn về cải lương, GS-TS Trần Văn Khê được nhiều nghệ sĩ gạo cội kính trọng gọi với cái tên thân thương là “anh Hai”. NSƯT Út Bạch Lan kể lại: “Năm 1997, khi tôi thực hiện chuyên đề sân khấu cải lương tại Nhà hát Hòa Bình, anh Hai đến dự. Khi mẹ tôi lên sân khấu nói về chuyện con gái theo nghề hát khiến bà cảm thấy như món nợ cuộc đời được trả dần vì bà rất mê hát, yêu sân khấu nhưng không có điều kiện theo nghề, anh Hai xúc động bước lên sân khấu không ngớt lời khen ngợi và mỗi lần gặp tôi đều nói: “Cô Út hiếu thảo với mẹ, trân quý cuộc đời tảo tần của mẹ nên nghề hát càng thăng tiến”.

NSND Ngọc Giàu cũng khẳng định GS-TS Trần Văn Khê tiếp thêm lửa nghề cho bà. Sự uyên bác, thâm thúy của ông là chất xúc tác để nghệ sĩ từng tiếp xúc với ông dẹp bỏ sự chán nản, mệt mỏi do nghề hát mang đến. NSƯT Thanh Thanh Tâm cho biết GS-TS Trần Văn Khê là tấm gương sáng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ như cô noi theo. Cô kể rằng bản thân mình theo trường phái ca diễn của cố NSND Phùng Há, đào đóng kép. “Một lần GS-TS Trần Văn Khê đến xem chương trình toàn nữ ban thuộc thế hệ giải HCV Trần Hữu Trang diễn, bác đã khen ngợi tôi, Vân Hà, Thoại Mỹ, Cẩm Thu… diễn các vai võ tướng: Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Ngô Quyền… Bác Khê đã truyền thêm ngọn lửa yêu nghề cho thế hệ trẻ, bằng những phân tích sâu sắc, đi vào từng vai diễn, động tác để hướng dẫn chúng tôi. Đó là những bài học quý mà tôi được nhận từ bác Khê!” - nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm kể.

Và đến tận lúc nhập viện cấp cứu, GS-TS Trần Văn Khê vẫn không ngừng trăn trở, góp công sức vào việc quảng bá nghệ thuật dân tộc. “Cầu mong cho ông như có phép màu được khỏe lại để tiếp tục thực hiện những hoài bão còn dang dở của đời mình cho đất nước, dân tộc” soạn giả - NSND Viễn Châu khấn nguyện.

Ý nguyện chưa thành
Chính vì quan tâm đến thế hệ kế thừa cả nghệ sĩ lẫn khán giả của nghệ thuật truyền thống dân tộc, GS-TS Trần Văn Khê chú trọng đến việc đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, cải lương vào học đường. Ông từng nhấn mạnh ý nguyện này trong các cuộc hội thảo: “Muốn có thế hệ kế thừa biết bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc thì phải đào tạo, truyền đạt đến các em sự hiểu biết về giá trị của những bộ môn đó. Có yêu thích mới có tìm hiểu, các bạn trẻ sẽ tự ý thức được việc góp phần bảo vệ, nâng niu những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, lấy đó làm niềm tự hào của dân tộc khi giới thiệu với bạn bè thế giới về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Thanh Hiệp / NLĐ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gíao sư Trần Văn Khê vẫn còn nặng nợ với cải lương