Hãng tin AP ghi nhận, một số trường hợp giáo viên tại Mỹ đã sử dụng ChatGPT như một công cụ giảng dạy.

Giáo viên Mỹ dùng ChatGPT như công cụ giảng dạy

Cẩm Bình | 16/02/2023, 12:45

Hãng tin AP ghi nhận, một số trường hợp giáo viên tại Mỹ đã sử dụng ChatGPT như một công cụ giảng dạy.

Trong một lớp học tại thành phố Lexington của bang Kentucky, giáo viên Donnie Piercey hướng dẫn 23 học sinh dùng thử và cố đánh lừa ChatGPT - nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sáng tạo nội dung chỉ trong vài giây.

Thời gian qua ChatGPT khiến nhiều giáo viên quan ngại, vài học khu tại Mỹ đã chặn truy cập. Tuy nhiên, Piercey lại sử dụng nền tảng này như một công cụ giảng dạy. Ông nhấn mạnh công việc của mình là giúp cho học sinh chuẩn bị bước vào thời đại đòi hỏi phải hiểu biết về AI.

“Đây là tương lai. Là giáo viên nhưng chúng ta chưa tìm ra cách sử dụng AI tốt nhất. AI sẽ đến, bất kể chúng ta muốn hay không”, thầy giáo Piercey nói với AP. Một bài tập ông đưa ra là mỗi học sinh tóm tắt một văn bản về huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali, sau đó xác định văn bản nào do ChatGPT viết ra.

Do giảng dạy ở cấp tiểu học nên thầy Piercey ít lo lắng về gian lận và đạo văn hơn đồng nghiệp cấp trung học. Học khu của ông cấm học sinh truy cập ChatGPT, nhưng vẫn cho giáo viên truy cập.

Một số giáo viên cho biết, các học khu cần thời gian hiểu về ChatGPT. Họ thừa nhận lệnh cấm truy cập vô ích vì học sinh thời nay rất am hiểu công nghệ.

Steve Darlow - nhân viên công nghệ làm việc cho cơ quan quản lý học khu Santa Rosa (bang Florida) - nhận xét sự ra đời của các nền tảng AI “vừa tạo nên cuộc cách mạng nhưng cũng phá vỡ” giáo dục. Ông hình dung giáo viên có thể yêu cầu ChatGPT soạn giáo án hay thậm chí chấm điểm.

giachat00.jpg
Học sinh trong lớp của giáo viên Piercey làm một bài tập liên quan đến ChatGPT - Ảnh: AP

Chủ đề trường học nên phản ứng ra sao trước các nền tảng AI thu hút hàng trăm giáo viên đến Hội nghị Công nghệ giáo dục tương lai tổ chức tại bang New Orleans tháng trước.

Trong hội nghị, giáo viên Heather Brantley (Texas) chia sẻ: “Tôi đang dùng ChatGPT cải thiện tất cả bài học của mình. Hãy lấy bất cứ bài nào và yêu cầu nền tảng cho ví dụ thực tế. Bạn sẽ nhận được ví dụ hiện nay chứ không phải 20 năm trước”.

Với bài học về độ dốc, ChatGPT đề xuất cho học sinh dựng con dốc bằng bìa cứng và bất cứ thứ gì trong lớp học rồi tính toán độ dốc. Để dạy về diện tích bề mặt, ChatGPT gợi ý học sinh lớp 6 có thể hiểu được ứng dụng thực tế của khái niệm này khi gói quà hoặc đóng hộp bìa cứng.

Cô Brantley kêu gọi các học khu đào tạo sử dụng ChatGPT để kích thích khả năng sáng tạo cũng như rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề của người học. Theo vị giáo viên này: “Chúng ta có cơ hội hướng dẫn học sinh của mình về công nghệ quan trọng tiếp theo sẽ là một phần trong cuộc đời các em. Xin đừng chặn nó”.

Học sinh của thầy Brantley thấy vui khi học với ChatGPT. Sau vài lần làm bài tập tóm tắt văn bản, các em biết cách tóm tắt, viết hoa chính xác, cách dùng dấu phẩy.

Thầy Brantley còn tổ chức diễn kịch. Học sinh chia thành nhóm và nghĩ ra nhân vật cùng cốt truyện. Thông tin các em cung cấp và hướng dẫn dựng cảnh sẽ được nhập vào ChatGPT để cho ra đời một kịch bản hoàn chỉnh. Học sinh chỉnh sửa kịch bản, tập dượt rồi biểu diễn.

Một vở kịch có nội dung học sinh tìm lại chiếc máy tính bị mất. Loạt tình tiết bất ngờ mà ChatGPT tạo ra khiến người xem cười khúc khích.

Olivia Laksi (10 tuổi) thích cách ChatGPT đưa ra ý tưởng sáng tạo lẫn việc thầy Brantley khuyến khích học sinh sửa cụm từ, hay phần nội dung kịch bản mà các em không thích.

“ChatGPT là công cụ tạo ý tưởng tốt. Nó hữu ích vì cung cấp điểm khởi đầu để phát triển ý tưởng”, theo em Laksi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên Mỹ dùng ChatGPT như công cụ giảng dạy