Hơn 25 nghìn người mắc ung gan và hơn 25 nghìn người tử vong vì căn bệnh này trong năm 2018 vừa qua. Căn bệnh ung thư gan đã trở thành căn bệnh có tần suất mắc mới và tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư hiện hay.
Thông tin trên được các chuyên gia cho biết tại Hội nghị gan mật Toàn quốc lần thứ 15 với chủ đề: “Cập nhật xu thế mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý gan mật tụy” do Hội Gan mật Việt Nam và Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức hôm nay (30.11).
Theo các chuyên gia gan mật tụy, thống kê của tổ chức Globocab - tổ chức chuyên điều tra tình hình ung thư trên thế giới cho thấy, trong năm 2018 trên thế giới căn bệnh ung thư tế bào gan là căn bệnh thường gặp, đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư ở nam giới và đứng hàng thứ 9 trong các bệnh ung thư ở nữ giới. Mỗi năm thế giới có khoảng 87.200 ca ung thư tế bào gan mới phát hiện, trong đó châu Á chiếm 75% và tỷ lệ mắc ung thư này ở nam cao gấp 2 đến 4 lần so với nữ giới.
Đặc biệt, tại Việt Nam, các chuyên gia cho biết số người mắc ung thư tế bào gan trong năm 2018 vừa qua tăng lên một cách bất ngờ, hơn 25.000 người mắc ung thư gan và hơn 25.000 người tử vong vì căn bệnh này. Căn bệnh ung thư gan đã trở thành căn bệnh có tần suất mắc mới và tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư hiện hay.
Cụ thể, trong năm 2018 vừa qua, số người mắc ung thư tế bào gan ở Việt Nam lên đến 25.335 và số người tử vong do ung thư tế bào gan là 25.404. Như vậy, số người mắc ung thư tế bào gan mới phát hiện trong năm 2018 bằng với số người chết vì căn bệnh này trong năm.
Điều này theo các chuyên gia là do phần lớn các trường hợp mắc ung thư tế bào gan đều phát hiện ở giai đoạn muộn nên ít có cơ hội điều trị hiệu quả dẫn đến tử vong.
PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận gần 2.000 trường hợp ung thư gan nhưng phần lớn đều ở giai đoạn cuối, có nhiều biến chứng, người bệnh chỉ có thể sống không quá 3 tháng.
Theo bác sĩ Hoàng, bệnh ung thư gan ở giai đoạn sớm thường có dấu hiệu không rõ ràng, khó nhận biết nên người bệnh thường không quan tâm việc đi khám bệnh hoặc không hề biết mình đã mắc bệnh, đến khi bắt đầu có các triệu chứng như: ăn uống kém, sụt cân, đau tức vùng dưới sườn phải, vàng mắt, phù chân, bụng to... thì đã quá muộn. Lúc này việc điều trị chỉ là nâng đỡ thể trạng, giảm đau đớn cho người bệnh.
Đối tượng dễ mắc ung thư tế bào gan là những người bệnh viêm gan siêu vi B và C mạn tính, xơ gan... Những người này nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần bằng cách thực hiện siêu âm bụng, xét nghiệm phát hiện ung thư gan như: AFP, PIVKAII... Khi phát hiện có khối u bất thường trong gan, người bệnh phải được kiểm chứng chính xác bằng phương pháp X-quang, chụp CT Scan, MRI, hoặc sinh thiết gan.
“Người chưa mắc bệnh viêm gan siêu vi B nên đi chủng ngừa, khi đã có kháng thể thì khả năng ung thư gan rất thấp. Đối với những người đã mắc các bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan, việc tầm soát là hết sức quan trọng nhằm giúp phát hiện kịp thời và điều trị triệt để ung thư tế bào gan. Bên cạnh đó, người dân cần ý thức đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa trị tốt bệnh gan, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia, không để thừa cân, béo phì để bảo vệ tốt lá gan trước những nguy cơ dẫn tới ung thư gan”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Hồ Quang