Tuy chưa có quyết định chính thức, nhưng đối với những người thạo tin thì gần như chuyện khai tử các tàu cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đã được an bài, thông qua kiến nghị dừng hoạt động tàu cánh ngầm của bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ.

'Giết' tàu cánh ngầm nhưng đừng 'đoạn' tuyến

21/05/2014, 05:59

Tuy chưa có quyết định chính thức, nhưng đối với những người thạo tin thì gần như chuyện khai tử các tàu cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đã được an bài, thông qua kiến nghị dừng hoạt động tàu cánh ngầm của bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ.

Có lẽ chuyện trên là cú sốc đối với 3 hãng tàu cánh ngầm đang khai thác tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông ngay cả chủ hãng tàu cánh ngầm cũng cho rằng: Chuyện tuyến vận chuyển hành khách đường thủy trên có bị khai tử hay không cũng là chuyện quan trọng không kém. Bởi thực tế tuyến đường thủy TP.HCM - Vũng Tàu ngày càng trở nên thiết thực và hiệu quả.

Nhà nước không tốn tiền đầu tư

Hơn 3 tháng qua, gần như tuần nào cũng vậy, anh Trần Duy Hưởng, cán bộ ngành dầu khí, luôn chạy ngang bến Bạch Đằng để xem tuyến vận chuyển hành khách đường thủy TP.HCM - Vũng Tàu đã hoạt động trở lại chưa.

Theo anh Hưởng, đối với nhiều người, chuyện tuyến đường thủy trên có hoạt động lại hay không không quan trọng. Nhưng đối với anh Hưởng thì lại khác. “Từ lâu tôi thích đi lại bằng phương tiện thủy trên tuyến đường trên. Vừa nhanh, vừa không ô nhiễm khói bụi như đi ôtô, vừa được ngắm sông nước sau cả tuần làm việc vất vả xa nhà”, anh Hưởng chia sẻ.

Nhu cầu hành khách muốn sử dụng phương tiện thủy đi lại giữa TP.HCM - Vũng Tàu là có thực. Theo đó, tuy không vận chuyển nhiều hành khách như đường bộ, nhưng không ai có thể phủ nhận tuyến vận chuyển hành khách đường thủy này đã đóng góp không nhỏ vào việc giải toả lượng khách ùn ứ ở bến xe trong mỗi dịp lễ tết. Bởi theo thống kê của sở Giao thông vận tải TP.HCM, mỗi năm tuyến đường thủy kể trên vận chuyển gần 1 triệu hành khách.

“Nếu tuyến vận chuyển hành khách đường thủy TP.HCM - Vũng Tàu dừng hoạt động vô thời hạn thì quả là quá lãng phí và thất thu”, TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, khẳng định.

Theo ông Nguyên, nếu nhà nước phải bỏ gần cả chục triệu USD để làm 1km đường bộ, thì đối với tuyến vận chuyển hành khách đường thủy kể trên, Nhà nước không phải tiêu tốn một đồng nào đầu tư vào nữa. Bến tàu thì có sẵn, doanh nghiệp vào chạy thì phải thuê. Luồng lạch trên tuyến đã thông thoáng không phải đầu tư này nọ. Theo đó, khai thác tuyến đường thủy này ai cũng có thể thấy nhà nước chỉ còn có thu thôi chứ không có chi. Phải vực dậy bằng được tuyến vận chuyển hành khách đường thủy trên.

Chính sách hỗ trợ: Gấp lắm rồi!

Liên quan đến lo ngại của người dân cũng như chuyên gia trong lĩnh vực giao thông về khả năng mất tuyến vận chuyển hành khách đường thuỷ TP.HCM - Vũng Tàu, một cán bộ ngành giao thông (xin được giấu tên) khẳng định: “Chưa ai nói là xoá tuyến vận chuyển hành khách đường thủy TP.HCM - Vũng Tàu cả”.

Thế nhưng ông Lê Xuân Huy, thành viên hội đồng quản trị công ty CP Dòng Sông Xanh - một trong ba đơn vị khai thác tuyến vận chuyển hành khách đường thủy TP.HCM - Vũng Tàu, cho rằng đúng là họ không khai tử tuyến nhưng với cách làm chậm trễ hiện tại thì chẳng khác nào khai tử.

Ông Huy dẫn chứng, hiện tại để đầu tư mua mới tàu cao tốc là rất tốn kém, nếu không có sự ưu đãi về vốn về lãi vay thì không ai dám nhảy vào. Theo đó, doanh nghiệp có khả năng khai thác tuyến trên chắc chắn không đâu khác ngoài ba đơn vị đã từng khai thác. Bởi ba doanh nghiệp này là những doanh nghiệp được nhắc đến trong kiến nghị của bộ gửi Chính phủ với nội dung cụ thể: “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TP.HCM, các địa phương xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm. “Cả nước có ba đơn vị đang khai thác tàu cánh ngầm mà thôi”, ông Huy nói.

Còn theo ông Lê Huy Thảo, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Dòng Sông Xanh, ai cũng biết thủ tục hành chính là hết sức rườm rà. Trong khi, đối với ba hãng tàu đang khai thác tuyến TP.HCM - Vũng Tàu bây giờ thời gian là vàng, bởi đến nay đã gần bốn tháng các hãng tàu phải dừng hoạt động hoàn toàn.

Chậm một ngày là tiến gần tới nguy cơ phá sản thêm một ngày. Mà ba công ty này phá sản thì coi như tuyến TP.HCM - Vũng Tàu phá sản. “Chúng tôi gấp lắm rồi, chúng tôi không xin, chúng tôi chỉ cần sớm có chính sách hỗ trợ cụ thể để tái khởi nghiệp thông qua việc mua tàu mới (đảm bảo niên hạn), để khôi phục lại hoạt động của công ty, phục vụ những hành khách muốn di chuyển bằng tàu cao tốc, chia lửa cho đường bộ vốn luôn quá tải”, ông Thảo kiến nghị.

Minh Quân - TGTT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Giết' tàu cánh ngầm nhưng đừng 'đoạn' tuyến