Người đã có thâm niên 30 năm ở núi, ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho rằng tình trạng nghèo đói, tập tục lạc hậu, con cái tảo hôn… của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sẽ ngày càng đáng sợ hơn khi sự lai căng về văn hóa ngày càng dữ dội. Cách căn cơ nhất vẫn là chịu hy sinh và tạo nhận thức cho một thế hệ mới, và chỉ duy nhất qua con đường giáo dục.

‘Gió độc’ lai căng cuốn núi đồi

Lê Đình Dũng | 11/04/2016, 08:50

Người đã có thâm niên 30 năm ở núi, ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho rằng tình trạng nghèo đói, tập tục lạc hậu, con cái tảo hôn… của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sẽ ngày càng đáng sợ hơn khi sự lai căng về văn hóa ngày càng dữ dội. Cách căn cơ nhất vẫn là chịu hy sinh và tạo nhận thức cho một thế hệ mới, và chỉ duy nhất qua con đường giáo dục.

>> Kỳ 1: Trâu tìm về Giàng, người tìm khánh kiệt

>> Kỳ 2: Ngày tàn của những 'xóm biệt thự'

>> Kỳ 3: Giai thoại về những 'Công tử Bạc liêu núi'

>> Kỳ 4: Giàutrong xót xa

>> Kỳ 5: Nơi trẻ em mang bầu đi học

>> Kỳ 6: Cháu bú vú bà

Chông chênh

Ông Thạnh cho rằngngay cả văn hóa của đồng bào dân tộc ở đây, ngẫm kỹ thì nó rất chông chênh và dễ biến mất. Như cái tục đâm trâu chẳng hạn, nó không phải là lễ hội; lễ hội phải có tính cộng đồng cao hơn, thể hiện rõ nét văn hóa trong đó. Còn đâm trâu ở Sơn Tây, nói đúng hơn, đólà một cái tục, đâm vì làm ăn ra được không muốn tích trữ nữa, đâm vì nhà có người đau bệnh, đâm vì người đau bệnh khỏe lại…

Tuy nhiên, đã là tục lệ thì nó cũng sẽ ăn vào máu của một cộng đồng mà thành bản sắc. Chúng ta cũng cần phải công bằng để không rơi vào cách đứng dưới núi chỉtay lên núi. Nói gì đâu xa, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng có từ xưa nay, bị xã hội lên ánthì người ta mang vào quây bạt chém tiếp. Hay lễ phát ấn đền Trần, nếu là người miền Trung hay miền Nam ra đó thì chẳng thấy được sự linh thiêng ở lá ấn. Nhưng với người ở Bắc thì họ cảm nhận và cho đó là sự linh thiêng, họ giành giật nhau, giẫm đạp nhau và thậm chí thể hiện cả chất lưu manh để cướp ấn và cướp lộc. Cho nên, mỗi vùng có một bản sắc, có một quan niệm riêng về từng nét văn hóa cụ thể.

Lễ đâm trâu của một gia đình ở Sơn Tây- Ảnh: Lê Đình Dũng.

“Ở đây họ đâm trâu như là tạo thanh thế và tạo sự ngưỡng mộ cho mình từ những người đến dự”, ông giáo phân tích. Ông cho rằngít nhất là ở vùng cao này, chế độ ăn uống của họ chưa được đảm bảo nên có những lễ đâm trâu này là người ta tới ăn uống rất tự nhiên, không có sự cả nể trong đó. Có những cảnhbà già ngồi ăn nồi cơm trắng rất ngon lành mà chẳng cần đến thức ăn, nói chi sơn hào hải vị.

“Trong mặt bằng chung còn nhiều nghèo đói, việc đâm trâu của người dân tộc thiểu sốphần lớn là thỏa mãn về vật chất. Chủ nhà muốn thể hiện mình nên dù phải đi vay cũng phải làm, còn người đến dự thì được ăn uống thỏa mãn. Như người Kinh, có mời họ mới đến, ăn uống phải đàng hoàng mâm trên chiếu dưới; còn ở đây họ ăn theo kiểu cộng đồng, không cần món, xô cơm rá thịt và rượu là xong”, ông Thạnh nói.

Khi đói kém, người ta chưa nghĩ tới chuyện làm đẹp, cũng chẳng mấy quan tâm đến lễ nghi kiểu cách. Còn nhớ ngày nhỏ, đêm Trung thu ở hội trường thôn đối với tôi là cả một phần thưởng ngon lành cả vật chất lẫn tinh thần. Kẹo, cơ man nào là kẹo. Tôi và vài đứa bạn trong xóm xúng xính trong bộ áo quần được cho là mới nhất, đẹp nhất mà mình có, lên nhận phần thưởng là vài cuốn vở thơm nức mùi giấy mới, vài vốc kẹo vì có thành tích học tập tốt. Vẫn chưa đã, lại lủi ra hàng sau của những đứa bạn cùng trang lứa ở dưới đang há hốc mồm chờ, đểnhận kẹo tiếp. Có đứa khôn lỏi hơn, nhận hàng này xong nhảy qua hàng khác, may mắn thì vớ bẫm thêm.

Những đứa trẻ vùng cao Sơn Tây- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Niềm vui ngày đói kém đó của chúng tôi lớp trẻ bây giờ không thèm nữa. Nứt mắt chúng đã biết đòi áo quần mới. Kẹo bánh cho chúng còn không thèm. Có ăn, có mặc, có học hành; con nít bây giờ vuốt iPhone chơi điện tử nũng mẹ đút cơm mới là...con nít.

Thế nên, phú quý sinh lễ nghĩa. Khi miếng ăn vẫn chưa no thì mọi thứ vẫn chông chênh với người dân vùng cao. Chưa nói là văn hóa ở đây không được truyền giữ tiếp nối nên mất dần đi bản sắc, tính cố kết cộng đồng không cao; con người dễ bị tổn thương và dễ lẩn trốn vào rừng, nơi che chở duy nhất cho họ. Đây cũng là minh chứng cho tình trạng người dân bản địa ở Sơn Tây tự tử đáng báo động trong những năm gần đây bằng cách ăn lá ngón, treo cổ. Họ chết, chỉ vì những lý do rất đơn giản, thậm chí lãng xẹt.

Lo với những ngọn "gió độc"lai căng

“Bản sắc văn hóa dần mất đi nên có "gió độc"thì sẽ dính ngay. Nguồn gió độc đây chính là sự lai căng trong thời đại hiện nay. Người Kinh lai căng đã sợ mà người đồng bào dân tộc thiểu sốlai căng càng đáng sợ hơn”, ông Lê Hoài Thạnh nhận định.

Như tảo hôn đang là tệnạn ở xứ ngàn cau này, ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây cũng phải thừa nhận rằng: “Truyền thống trước đây của người K'dong không có chuyện tảo hôn. Nhưng bây giờ xã hội phát triển, phim ảnh tràn lan, thông tin dễ dàng nên đôi khi nó cuốn hút”.

Ông Đinh Kà Để cho rằngbây giờ xã hội phát triển, phim ảnh tràn lan, thông tin dễ dàng nên đôi khi nó cuốn hút- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Nhìn phớt qua xã hội bây giờ mới thấy được sự lai căng kinh dị của không chỉ riêng người Kinh hay người K'dong. Nói đâu xa, khắp bàn dân thiên hạ phát sốt với bộ phim Cô dâu 8 tuổimà ăn mỗi bữa cơm hai tập phim chưa hết. Hết phim kia, người ta lại đang điên cuồng với Hậu duệ mặt trời, không ngần ngại khoác lên người bộ quân phục lính Hàn... Có nhiều người đã coi đó là sự thất bại của giáo dục.

Đấy. Chứ nói gì đến đồng bào các dân tộc thiểu số, thực tế đang khó khăn về kinh tế và trình độ tri thức chưa được cao. Không hiếm để thấy cảnh những cô cậu thanh niên nghỉ học sớm, tiếp tục con đường rượu chè nghèo đói như bao thế hệ. Không khó để thấy những ‘Công tử Bạc Liêu núi’ đốt tiền như cỏ rác. Phim, nhạc của xứ phát triển Hàn Quốc tràn về chiếm lấy đầu óc của những con trẻ mụ mị tri thức xứ nghèo đói…

Trẻ em trong những xóm biệt thự say sưa phim ảnh.

Ông Lê Hoài Thạnh cho rằng: “Những tập tục như đâm trâu, tảo hôn… nhiều khi chính quyền khó can thiệp. Gần như những trường hợp tảo hôn được phát hiện ở trong nhà trường vì các em đi học, chứ nếu các em không đi học thì không ai quan tâm hết”.

Ông giáo Thạnhthâm trầm: “Như chuyện hôn nhân cận huyết chẳng hạn. Anh nhìn quanh mà xem, cái môi trường sống của những xóm làng nhỏ nó cứ luẩn quẩn ở trên những núi rừng. Con cái họ lớn lên ở đó, muốn đi ra cũng phải vượt qua bao dốc đèo xa ngái. Thế là không gian sống của họ bó hẹp. Họ cũng không nhận thức được. Yêu nhiều khi chẳng là ý nghĩa. Cũng là phụ nữ, cũng là đàn ông, thôi thì ở với nhau rồi đẻ con thôi”.

Ngồi bấm đốt tay, cúi đầu bóp trán tìm cho ra cách gì, những ngành nào cần vào cuộc để có sự thay đổi cho đời sống bà con, thành ra chúng tôi cũng dễ thành luẩn quẩn như gụ quay luôn. Bởi thật mà nói, mọi chiến lược, chính sách để thay đổi đều cần từ trên xuống dưới.

Nhưng cách gì thì vẫn từ giáo dục. Ông giáo Thạnhbảo: “Vấn đề ở đây là cần tạo ra nhận thức cho một thế hệ mới và thay đổi từ thế hệ ấy”.

Chỉ có con đường học hành mới tạo ra một thế hệ có ý thức thoát nghèo, lạc hậu- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Rồi ông ngâm nga: “Lưng chừng núi/ Lưng chừng đồi/ Lưng chừng một đời/ Vắt vẻo giữa tầng mây”.

Một cuộc sống chông chênh, lừng khừng, ngây ngất của bao lớp người hiện tại ở nơi đây lại hiển hiện trước mắt, ở vắt vẻo những lưng chừng núi. Những cơn gió độc vô hình vẫn thổi khô cháy bạt ngàn rừng cau.

Sơn Tây, tháng 3.2016

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Gió độc’ lai căng cuốn núi đồi