Gần đây (18.1) tác giả sách “Sự cáo chung của lịch sử”, ông Francis Fukuyama đã có bài viết trên tạp chí Foreign Affairs nhận định về bức tranh chính trị phức tạp của nước Mỹ hiện nay.

Góc nhìn người Nhật: Chính trị Mỹ đã tăng tốc suy thoái như thế nào?

Đức Thanh | 03/02/2021, 07:21

Gần đây (18.1) tác giả sách “Sự cáo chung của lịch sử”, ông Francis Fukuyama đã có bài viết trên tạp chí Foreign Affairs nhận định về bức tranh chính trị phức tạp của nước Mỹ hiện nay.

francisfukuyama.jpg
Francis Fukuyama - tác giả sách “Sự cáo chung của lịch sử”

Trong bài viết, tác giả nhắc lại năm 2014 ông đã công bố bài viết trên Foreign Affairs cảnh báo về thực trạng suy thoái chính trị quá nghiêm trọng của Mỹ, chức năng của hệ thống chính phủ ngày càng không còn được đảm bảo. Ông chỉ nhiều vấn đề hạn chế, trong đó liên quan đến “tính sơ cứng” của bộ máy chính trị đã cản trở những đổi mới, trong tình cảnh như vậy rất khó khăn giúp tình hình chuyển biến gì lớn.

Bước ngoặt xảy ra với sự nổi lên của Bernie Sanders và Donald Trump. Thời gian tranh cử tổng thống năm 2016 ông đã thấy rằng cử tri từ cả hai phe đều đứng lên chống lại những gì họ coi là phe cầm quyền thối nát, tự tư tự lợi, quay sang ủng hộ những người bên ngoài cấp tiến, “hy vọng có được chút sạch sẽ” nào đó. Tác giả cảnh báo “thần dược” do cuộc thập tự chinh chủ nghĩa dân túy rao bán gần như vô dụng, nếu được chấp nhận sẽ kìm hãm sự phát triển, khiến bất an trầm trọng thêm, làm tình hình tồi tệ hơn chứ không giúp tốt lên.

tan-cong-toa-nha-qh.jpg

Tháng 1.2021, Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC bị tấn công

Nhưng “thần dược” này đã được người Mỹ hoan nghênh, ít nhất là đủ người Mỹ ủng hộ việc Trump vào Nhà Trắng. Quá trình tồi tệ cứ thế tiếp tục với tốc độ và quy mô đáng báo động, khó lường. Đỉnh điểm của tình hình chính là những người biểu tình cực đoan tấn công Điện Capitol của Mỹ vào ngày 6.1 mà được tác giả nhìn nhận là cuộc nổi loạn do tổng thống Mỹ kích động.

Còn nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng vẫn không thay đổi, hệ thống chính trị Mỹ vẫn không tránh khỏi bị chi phối bởi nhóm tinh hoa hùng mạnh, trục lợi qua chính sách, làm suy thoái tính hợp pháp của quyền lực. Thêm nữa là hai hiện tượng mới xuất hiện đã làm cho tình hình tệ hơn: công nghệ truyền thông mới đã gây ảnh hưởng đến nền móng dân chủ, còn xung khắc giữa hai phe “xanh” và “đỏ” từ vấn đề chính sách biến thành vấn đề về bản sắc văn hóa.

Chia rẽ không thể dung hòa

Theo Fukuyama, về lý thuyết tình trạng chính phủ Mỹ bị thao túng của một nhóm tinh hoa có thể khuyến khích mọi người đoàn kết, do chọc giận cả hai phe chia rẽ chính trị. Nhưng không may là mục tiêu hai bên khác nhau trong tình trạng thù địch chung đó.

Với phe tả, nhóm tinh hoa gây bất bình là nhóm lợi ích doanh nghiệp và tư bản như các công ty nhiên liệu, ngân hàng Phố Wall, tỷ phú quỹ đầu cơ, và các nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa: họ đã sử dụng các nhà vận động hành lang và các quỹ để bảo vệ quyền lợi của họ, tránh phải chịu tính toán từ bất kỳ chương trình nghị sự dân chủ nào.

Còn phe hữu xem nhóm tinh hoa tồi tệ chủ yếu là những lái buôn quyền lực văn hóa của Hollywood, truyền thông chính thống, trường Đại học và công ty lớn, tôn thờ hệ tư tưởng thế tục kiểu “chủ nghĩa khai sáng” khác biệt với các giá trị truyền thống hoặc đạo Cơ đốc của những người bảo thủ cánh hữu Mỹ. Ngay cả một số lĩnh vực đồng thuận giữa hai nhóm này, chẳng hạn như ngày càng lo ngại về sức mạnh của các công ty công nghệ lớn, nhưng quan điểm ​​của họ cũng vẫn bài bác nhau: “nước Mỹ xanh” (blue America) lên án Twitter và Facebook giúp quảng bá cho các thuyết âm mưu và tuyên truyền có lợi cho những người ủng hộ Trump, trong khi “nước Mỹ đỏ” (red America) cho rằng các công ty này mang thành kiến quá sâu sắc với những người bảo thủ.

Nhờ hiệu quả chế ước trên nền tảng Hiến pháp đã mang lại một vai trò nào đó: các tòa án, bộ máy hành chính và các quan chức địa phương đã ngăn cản Trump đưa ra những quyết định tồi tệ. Điển hình nhất là nỗ lực của Trump nhằm lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020; nhưng hệ thống tư pháp - nhiều thẩm phán do Trump bổ nhiệm - đã từ chối chấp nhận hàng chục vụ kiện vô nghĩa do Trump đệ trình lên tòa án. Các quan chức đảng Cộng hòa, chẳng hạn như Bộ trưởng nội vụ Brad Ravensberg của Georgia và các quan chức khác giám sát bầu cử ở Georgia, đã dũng cảm đứng lên chống lại tổng thống gây áp lực với họ một cách bất hợp pháp nhằm đảo ngược thất bại mang tính lịch sử của Trump tại bang này.

Nhưng tác giả cho rằng cơ chế kiểm soát này cũng sẽ hạn chế những cải cách thể chế trong tương lai để mang lại hiệu quả. Một trong những lỗ hổng thể chế nghiêm trọng nhất là vấn đề hệ thống Cử tri đoàn và thành phần của Thượng viện, đảng Cộng hòa có những lợi thế quan trọng rõ ràng, giúp họ có được quyền lực trong khi giành được ít phiếu bầu hơn cấp liên bang và tiểu bang. Xem xét các sửa đổi đối với Hiến pháp Mỹ, chẳng hạn như việc bãi bỏ hệ thống Cử tri đoàn, không phải là không thể thảo luận…

Từ đảng phái chính trị đến giáo phái

Fukuyama nhắc lại trong bài báo năm 2016 ông đã cảnh báo trở ngại cơ bản nhất trong chính trị Mỹ là sự trì trệ của chương trình nghị sự và cuộc đấu tranh đảng phái kéo dài do cơ chế cân bằng quyền lực ảnh hưởng lẫn nhau. Sau đó cho thấy tình trạng phân cực ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm hơn, một trong những yếu tố thúc đẩy là công nghệ, làm suy yếu công năng các tổ chức nền móng như truyền thông chính thống hoặc chính phủ trong việc định hình nhận thức của công chúng.

Một cuộc thăm dò gần đây từ Đại học Quinnipiac (Mỹ) cho thấy có 77% đảng viên Cộng hòa tin rằng có gian lận lớn trong cuộc bầu cử năm 2020. Dù nhiều người nhận thức được thực trạng chủ nghĩa độc tài cánh hữu phát triển, nhưng hàng chục triệu người đã hùa theo để ủng hộ, không phải do họ không thích giá trị dân chủ mà họ nghĩ rằng họ đang bảo vệ nền dân chủ bằng cách phản đối đảng Dân chủ đã đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống.

Tác giả cảnh báo giải quyết vấn đề do công nghệ gây ra này sẽ là một trong những thách thức lớn trong tương lai. Ông thừa nhận Twitter và Facebook đã đúng đắn khi chặn tài khoản mạng xã hội của Trump sau biến cố tấn công Điện Capitol vào ngày 6.1; động thái đó là hợp lý như một phản ứng tạm thời trước tình trạng khẩn cấp quốc gia, vì kích động bạo lực khác với thực hiện quyền tự do ngôn luận được bảo vệ. Nhưng ông cũng cho rằng về lâu dài, việc các công ty tư nhân đưa ra những quyết định gây ảnh hưởng lớn đến công chúng như vậy là bất hợp pháp; thực tế ban đầu chính phủ đã phạm sai lầm lớn khi để những nền tảng đó phát triển đến mức khổng lồ như vậy.

Giải pháp được Fukuyama cùng hai đồng tác giả công bố qua tạp chí Foreign Affairs là thúc đẩy cạnh tranh của các công ty “phần mềm trung gian”, các nền tảng xã hội chuyển giao nhiệm vụ đánh giá nội dung của cho các công ty này, từ đó giảm thiểu sức mạnh của nền tảng, cho phép người dùng có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với thông tin họ gặp phải. Điều này sẽ không loại bỏ các thuyết âm mưu, nhưng sẽ làm suy yếu khả năng của các nền tảng này trong lan truyền rộng rãi thông tin…

Một diễn biến khác gây tình trạng phân cực của Mỹ gia tăng mà Fukuyama nhắc đến là việc chuyển từ tranh luận trong chính sách sang xung khắc về vấn đề bản sắc cá nhân (personal identity), cho thấy chính trị đảng phái bị thay thế bằng chính trị bộ lạc. Có thể thấy như từ những năm 1990, hai phe cánh tả và cánh hữu của Mỹ chia rẽ về các vấn đề như thuế suất, bảo hiểm y tế, phá thai, sở hữu súng, và việc cho quân đội ở nước ngoài; còn giờ lại nổi bật hơn ở vấn đề về bản sắc và tư cách của các nhóm được xác định bởi chủng tộc, dân tộc, giới tính....

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bộ lạc thể hiện rõ nhất trong đảng Cộng hòa khi Trump dễ dàng khiến đảng Cộng hòa và cử tri của đảng từ bỏ sự ủng hộ đối với các nguyên tắc cốt lõi như thương mại tự do, dân chủ hóa toàn cầu…. Thêm nữa là triệu chứng thần thánh bản thân Trump ngày càng sâu sắc khiến đảng Cộng hòa ngày càng bị cá nhân hóa. Do đó đảng Cộng hòa đã từ bỏ trình bày chương trình nghị sự chính sách tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa năm 2020 (Republican national convention), thay vào đó chỉ xác nhận đơn giản rằng sẽ ủng hộ bất kỳ ý tưởng nào của Trump.

Fukuyama chỉ ra, tất cả những điều này dựa trên sự phân chia nổi rõ liên quan đến nhóm dân cư theo vị trí địa lý xuất hiện sau năm 2016. Như nhà khoa học chính trị Jonathan Rodden đã cho biết yếu tố nổi rõ nhất trong ủng hộ và phản đối Trump là vấn đề mật độ dân số. Theo đó ở thành phố và vùng ngoại ô lân cận theo phe xanh, còn vùng nông thôn và ngoại ô xa xôi theo phe đỏ. Điều này phản ánh sự khác biệt rất lớn về hệ giá trị và văn hóa, và nét chia rẽ này cũng thấy ở nhiều nước khác ngoài Mỹ.

Nhưng tác nhận định yếu tố có tính kết cấu này không thể giải thích đầy đủ tình hình hiện nay. Một cuộc thăm dò do Đài Phát thanh Công cộng quốc gia Mỹ (NPR) và công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Ipsos thực hiện vào mùa thu năm ngoái cho thấy gần một phần tư đảng viên Cộng hòa tin vào quan điểm cốt lõi của thuyết âm mưu QAnon ẩn danh, cho rằng một nhóm của giới tinh hoa tôn thờ Satan điều hành một đường dây mại dâm trẻ em, cố gắng kiểm soát chính trị và truyền thông. Trong tình trạng như vậy, Fukuyama cho rằng đảng Cộng hòa không còn như đảng chính trị mà giống một giáo phái hơn.

Nước Mỹ khó phục hồi vị thế

Không ai biết hướng đi của nước Mỹ sẽ thế nào sau khi Biden nhậm chức, lý do khó lường chủ yếu là không lường được diễn biến nội bộ đảng Cộng hòa. Sau cuộc tấn công vào Điện Capitol được xem là hành động quá khích đi quá giới hạn, cuối cùng đã khiến một số người Cộng hòa đã công khai chống lại Trump.

Về mặt chính trị, nhiệm kỳ tổng thống Trump đã không giúp đảng Cộng hòa củng cố được vị trí vững chắc khi đến nay thất thế cả trong Thượng viện và Hạ viện, đặc biệt là tệ sùng bái cá nhân đối với Trump đã chi phối đảng Cộng hòa cao đến mức người ta không thấy phản cảm trước xuất hiện khuynh hướng bạo lực…

Tác giả hình dung về khả năng những người Cộng hòa chính thống trước đây dần giành lại quyền kiểm soát đảng trong sự ổn định sau khi thích nghi với thực tế mất quyền lực và đứng trước nhu cầu mở rộng liên minh của đảng để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sau này; viễn cảnh khác là Trump có thể tự khắc họa bản thân như người anh hùng hy sinh mọi thứ cho đất nước để duy trì quyền kiểm soát đảng Cộng hòa và xây dựng lực lượng chống lại chính quyền Biden bị họ xem như là bất hợp pháp.

Fukuyama nhận định xu thế phát triển của đảng Cộng hòa Mỹ thế nào sẽ tác động lớn đến nền dân chủ toàn cầu trong những năm tới. Chính quyền thời Trump đã tặng các đối thủ quan trọng một món quà lớn: một nước Mỹ bị chia rẽ, tập trung vào các vấn đề đối nội, và quay lưng với lý tưởng dân chủ của mình. Dù Biden đắc cử tổng thống với đa số tuyệt đối của đảng Dân chủ trong Quốc hội, nhưng không đủ để khôi phục Mỹ trở lại vị thế.

Theo tác giả, tình hình phụ thuộc vào việc chủ nghĩa Trump sẽ hiện hữu ra sao; ngoài ra là mức độ mà giới tinh anh có thể có thể đón nhận thử thách, khôi phục được lòng dũng cảm để thiết lập lại thẩm quyền hay không là yếu tố quan trọng quyết định vận mệnh của nước Mỹ, và quan trọng hơn là vận mệnh của người dân Mỹ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn người Nhật: Chính trị Mỹ đã tăng tốc suy thoái như thế nào?