Theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân, việc đảng Cộng hòa phản đối chương trình nghị sự chính sách của Tổng thống Biden sẽ làm tổn hại danh tiếng của Mỹ ở nước ngoài. Ông Bùi Mẫn Hân cho rằng Biden cần đảng Cộng hòa hợp tác và hỗ trợ hơn các nước đồng minh để Mỹ cạnh tranh Trung Quốc.
Bùi Mẫn Hân là người Mỹ gốc Hoa, giáo sư tại Trường Cao đẳng Claremont McKenna (Mỹ), chuyên gia về vấn đề cai trị tại Trung Quốc, quan hệ Mỹ - châu Á và về vấn đề dân chủ hóa tại cái nước đang phát triển.
Dưới đây là bài xã luận đáng chú ý của Giáo sư Bùi Mẫn Hân:
Chiến lược về Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden dựa trên hai trụ cột. Một là tập hợp các đồng minh truyền thống của Mỹ và xây dựng một liên minh rộng rãi để chống lại sức mạnh cùng sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hai là xây dựng sức mạnh ở quê nhà bằng cách giải quyết bất bình đẳng, bảo trợ xã hội không đầy đủ, phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống và tình trạng thiếu đầu tư kinh niên vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học.
Biden cần lường trước rằng Trung Quốc sẽ chống lại chiến lược này bằng các sáng kiến của riêng mình, chẳng hạn như cố gắng tận dụng sự phụ thuộc của các nước đồng minh Mỹ vào thị trường Trung Quốc để làm thất bại nỗ lực của ông. Song, sự thành công trong chiến lược về Trung Quốc của ông Biden thực sự phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác và hỗ trợ từ đảng Cộng hòa hơn là các nước đồng minh của Mỹ.
Thật không may, các giá trị và lập trường chính sách định hình đảng Cộng hòa ngày nay sẽ khiến cho sự hợp tác như vậy không thể xảy ra. Đánh giá này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát, với các cuộc khảo sát ý kiến và hồ sơ chính sách cho thấy rằng khi nói đến Trung Quốc, đảng Cộng hòa ngày nay dùng giọng điệu diều hâu hơn nhiều so với đảng Dân chủ.
Đảng Cộng hòa xác định "sự phát triển của Trung Quốc như cường quốc thế giới" là mối đe dọa đầu tiên trong số 7 mối đe dọa hàng đầu, trong khi Trung Quốc không nằm trong danh sách của đảng Dân chủ, theo một cuộc khảo sát do Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago thực hiện vào tháng 10.2020.
Những người chống Trung Quốc cứng rắn nhất ở Washington, chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Josh Hawley và Marco Rubio, đều là những người theo đảng Cộng hòa với tham vọng trở thành tổng thống.
Tuy nhiên sự khác biệt đáng kể giữa mong muốn của đảng Cộng hòa muốn đánh bại Trung Quốc như kẻ thù địa chính trị với các giá trị, chính sách định hình đảng này, sẽ khiến Mỹ khó có thể xây dựng sức mạnh trong nước và thu hút sự ủng hộ ở nước ngoài.
Về mặt chủ nghĩa, phần lớn đảng Cộng hòa nằm trong sự kìm kẹp của chủ nghĩa dân tộc da trắng và chủ nghĩa phi tự do, như đã được tiết lộ trong suốt 4 năm qua.
Nếu tiếp tục định hình với những giá trị này, dung túng cho chủ nghĩa cực đoan của các nhóm cực hữu và chấp nhận chủ nghĩa Trump, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ chỉ thúc đẩy sự phân cực chính trị hơn nữa. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự vứt bỏ các chuẩn mực dân chủ tự do cũng sẽ đẩy lùi các đồng minh dân chủ của Mỹ và gia tăng sự dè dặt của họ về việc tham gia cùng Mỹ vào mục tiêu chung chống lại Trung Quốc.
Tác hại không kém là việc đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối các chính sách kinh tế có thể giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và giải quyết các tệ nạn xã hội, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc có hệ thống, bất bình đẳng, bảo vệ xã hội kém, chăm sóc sức khỏe không đủ khả năng chi trả, đầu tư không đầy đủ vào cơ sở hạ tầng cơ bản và khoa học .
Hiện tại, những nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn gói giải cứu kinh tế trị giá 1,9 ngàn tỉ USD của ông Biden sẽ chỉ củng cố câu chuyện và nhận thức về sự suy thoái, rối loạn chính trị của Mỹ, đồng thời vô tình làm lu mờ hình ảnh Trung Quốc với nền kinh tế đã phục hồi và dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng ở mức cao hơn một con số trong năm 2021.
Trong trung hạn, đảng Cộng hòa cần phải từ bỏ ý kiến phản đối việc tăng thuế và chi tiêu, đồng thời làm việc với chính quyền Biden để xây dựng sức mạnh của Mỹ. Chủ nghĩa cản trở của đảng Cộng hòa sẽ không chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ chính trị đang rối loạn ở Mỹ mà còn tạo lợi thế cho Trung Quốc - với những người cầm quyền có vẻ thống nhất và sẵn sàng tiến hành một cuộc đấu tranh địa chính trị kéo dài hàng thập kỷ cùng Mỹ. Về chính sách đối nội, đảng Cộng hòa nên ủng hộ thuế cao hơn để giảm bất bình đẳng thu nhập, đang ở mức cao nhất kể từ cuộc đại suy thoái.
Doanh thu bổ sung sẽ cho phép Mỹ đầu tư nhiều hơn vào R&D (nghiên cứu và phát triển), chiến trường cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm tới.
Mỹ đang hạn chế đầu tư vào R&D, trong khi Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp. Tổng chi tiêu cho R&D hàng năm ở Mỹ tăng từ 333 tỉ USD lên 485 tỉ USD từ năm 2000 đến 2017, chỉ tăng ròng 152 tỉ USD. Trong cùng thời kỳ, chi tiêu cho R&D hàng năm của Trung Quốc đã tăng vọt từ 41 tỉ USD lên 445 tỉ USD, tăng ròng 404 tỉ USD.
Giải quyết cải cách chăm sóc sức khỏe là một nhu cầu cấp thiết khác, mà đảng Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ. Điều mà đảng Cộng hòa dường như không nhận ra là nếu không sửa chữa hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hiệu quả của Mỹ, các nguồn lực khổng lồ sẽ bị rút cạn và nước này sẽ thiếu phương tiện để duy trì sự cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong Chiến tranh Lạnh, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe đã tiêu tốn một phần tương đối nhỏ trong sản lượng kinh tế, cho phép Mỹ tài trợ cho một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém mà Liên Xô cũ không thể sánh kịp.
Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe là 5% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ vào năm 1960, đạt 8,9% vào năm 1980. Song đến năm 2019, chi tiêu cho y tế đạt 17,6% GDP, gấp đôi mức trung bình của 37 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chỉ những cải cách chăm sóc sức khỏe triệt để, chẳng hạn như thiết lập một hệ thống chi trả một lần tương tự như Medicare, mới có thể giúp giảm chi tiêu cho y tế của Mỹ.
Để cho phép Mỹ củng cố các liên minh hiện có và xây dựng các liên minh mới, đảng Cộng hòa phải đưa ra các chính sách chống biến đổi khí hậu. Là đảng gắn liền với chủ nghĩa hoài nghi biến đổi khí hậu từ lâu, điều này có thể khó thực hiện. Thế nhưng, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cần nhận ra rằng sự phản đối với các nỗ lực về khí hậu của chính quyền Biden sẽ khiến châu Âu xa lánh, làm giảm uy tín của Mỹ và nhường quyền lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu cho Trung Quốc, quốc gia đặt mục tiêu phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060.
Những người chống Trung Quốc trong đảng Cộng hòa, hầu hết được biết đến với sự phản đối các chính sách giải quyết bất bình đẳng, cải cách chăm sóc sức khỏe và biến đổi khí hậu, nên đi đầu trong việc áp dụng chiến lược về Trung Quốc của ông Biden nếu thực sự muốn thấy Mỹ thành công trong việc cạnh tranh với nước này.