Các quyết định chính sách đối ngoại ban đầu của Tổng thống Joe Biden dường như đã làm tiêu tan “ảo mộng” của Bắc Kinh trong việc hâm nóng quan hệ song phương.

Biden dập tắt 'ảo mộng' của Trung Quốc trong việc hâm nóng quan hệ với Mỹ

Hoàng Vũ | 29/01/2021, 15:16

Các quyết định chính sách đối ngoại ban đầu của Tổng thống Joe Biden dường như đã làm tiêu tan “ảo mộng” của Bắc Kinh trong việc hâm nóng quan hệ song phương.

Chỉ một tuần sau lễ nhậm chức của Biden, Bắc Kinh đã phải tự bảo vệ mình trước các cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng, cũng chỉ trích các hành động trong thương mại và công nghệ.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc trước đó đã đánh giá tân tổng thống Mỹ và nội các mới sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng hai nước, ít nhất là tốt hơn thời cựu Tổng thống Donald Trump.

biden-2101.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters

Trong các bài xã luận được đăng tải tháng 11 năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thể hiện quan điểm lạc quan về việc ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, cho rằng quan hệ Trung - Mỹ có thể cải thiện khi hồi phục lại trạng thái dễ đoán biết hơn và điều này có thể bắt đầu từ vấn đề thương mại.

Dù thừa nhận rằng Mỹ khó có khả năng sẽ giảm bớt áp lực lên Trung Quốc trong các vấn đề như Tân Cương và Hồng Kông, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) thuộc Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định Bắc Kinh nên kết nối với đội ngũ của ông Biden càng kỹ lưỡng nhất có thể.

Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu cũng cáo buộc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chủ động gây căng thẳng cho quan hệ hai nước, đặc biệt sau khi thực hiện các chiến dịch gây sức ép lớn lên Trung Quốc, tạo ra những “bong bóng” trong quan hệ song phương.

“Chúng tôi tin rằng giờ đã có thể cho nổ những bong bóng này. Việc quan hệ Trung - Mỹ được cải thiện và có thể kiểm soát sẽ phục vụ lợi ích chung không chỉ nhân dân hai nước mà còn cho cả cộng đồng quốc tế”, bài xã luận cho hay.

Được biết, Thời báo Hoàn cầu nằm trong số những kênh truyền thông phản ứng tích cực với việc Biden đề cử ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng và Jake Sullivan đảm nhiệm Cố vấn an ninh quốc gia.

Tớ báo thuộc quản lý bởi nhà nước Trung Quốc mô tả hai người này là "những gương mặt cũ" từ thời cựu tổng thống Barack Obama, trong đó Blinken sẽ cư xử "hợp lý và dựa vào thực tế hơn" với Trung Quốc – một sự thay đổi đáng hoan nghênh.

Tháng trước, Thời báo Hoàn cầu cũng đánh giá cao việc ông Biden đề cử Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng, dự đoán ông sẽ tập trung vào vấn đề Trung Đông, do đó "xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc".

Bản thân Biden được truyền thông Trung Quốc mô tả là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, hiểu rõ những “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh, khó có khả năng thách thức các lợi ích cốt lõi của nước này, đặc biệt là vấn đề Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan.

Nhưng hy vọng về một tương lai “tái hợp” trong quan hệ Mỹ - Trung đã bị dập tắt sau khi Ngoại trưởng Blinken trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 19.1, đã thừa nhận cựu chính quyền Trump đã đúng khi thực hiện "cách tiếp cận cứng rắn hơn" với Trung Quốc - quốc gia được ông mô tả là đặt ra "thách thức lớn nhất" đối với lợi ích của Mỹ.

Tân Ngoại trưởng Mỹ còn đồng tình với quan điểm của chính quyền tiền nhiệm về vấn đề Tân Cương, trong đó coi hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là "tội diệt chủng", đồng thời cảnh báo bất cứ động thái sử dụng vũ lực nào chống lại Đài Loan cũng sẽ trở thành "sai lầm nghiêm trọng".

Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Bộ trưởng Tài chính  Mỹ Janet Yellen cũng nêu quan điểm tương tự về Trung Quốc trong các phiên điều trần trước Thượng viện. Họ mô tả các chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương là "khủng khiếp" và coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ".

Với việc mời Hsiao Bi-khim, người đứng đầu Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Mỹ, được coi là đại diện trên thực tế của Đài Loan ở Washington, tới dự sự kiện nhậm chức hôm 20.1 của Tổng thống Biden, chính quyền mới của Mỹ dường như đang muốn gửi gắm thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979 một phái viên Đài Loan được ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống Mỹ "chính thức mời".

Chính quyền Biden cũng kêu gọi các bên lên án việc Bắc Kinh trừng phạt 28 cựu quan chức Trump, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. Không lâu sau đó, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và nhóm chiến hạm hộ tống đã được triển khai tới Biển Đông để "thực hiện các sứ mệnh tự thường kỳ" nhằm đảm bảo tự do hàng hải.

Về phần mình, Trung Quốc ngay sau đó đã đáp trả bằng việc điều tổng cộng 28 máy bay quân sự áp sát Đài Loan trong hai ngày cuối tuần liên tiếp, động thái nhanh chóng bị Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã ra tuyên bố chỉ trích áp lực quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan và coi đó là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực.

“Mỹ quan quan ngại về việc Trung Quốc đang tiếp tục cố gắng đe dọa các nước láng giềng, trong đó có cả Đài Loan. Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế với Đài Loan, thay vào đó tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa với các đại diện được bầu cử dân chủ của Đài Loan”, Price nói và khẳng định Washington cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ.

Trước một loạt động thái này, Thời báo Hoàn cầu hôm 26.1 đã đăng tải bài xã luận với nhan đề “Thái độ của chính phủ Mỹ với Trung Quốc khó thay đổi", trích dẫn một phát ngôn gần đây từ thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, rằng Washington "đang cạnh tranh nghiêm túc" với Bắc Kinh.

"Tổng thống Joe Biden cam kết ngăn chặn những hành vi lạm dụng kinh tế trên nhiều mặt của Trung Quốc. Cách hiệu quả nhất để làm điều đó là thông qua hợp tác cùng các đồng minh và đối tác. Trung Quốc đang thách thức an ninh, thịnh vượng và những giá trị của Mỹ”, bà Psaki nói và nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm về các hành vi không công bằng và bất hợp pháp của mình.

Theo Thời báo Hoàn cầu, những bình luận của quan chức Nhà Trắng cho thấy "quan điểm và thái độ của chính quyền Biden đối với Trung Quốc gần như tương tự chính quyền Trump", đồng thời cảnh báo, trong bối cảnh có nhiều lạc quan về sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Trung, người dân Trung Quốc nên chuẩn bị đối mặt với "những thách thức trong mùa đông dài" của mối quan hệ này.

Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu còn đánh giá kỳ vọng của Trung Quốc vào việc cải thiện quan hệ song phương là "cử chỉ thiện chí", đồng thời cho rằng Bắc Kinh không cần tới động thái từ chính quyền Biden.

"Nếu Washington không vội vàng thực hiện thay đổi, thì tại sao Bắc Kinh phải làm như thế?", bài xã luận nêu rõ, trong đó nhấn mạnh thêm rằng việc chính quyền mới của Tổng thống Biden không điều chỉnh "tư duy chiến lược" của Mỹ với Trung Quốc khiến nó chẳng khác gì "bình mới rượu cũ" (ám chỉ sự tương đồng với chính quyền tiền nhiệm của Donald Trump).

Hôm 26.1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng khẳng định "hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho đôi bên", bày tỏ hy vọng "chính quyền mới của Mỹ có thể rút ra bài học từ chính sách sai lầm của chính quyền Trump với Trung Quốc", bao gồm cả việc coi Bắc Kinh là một "mối đe dọa".

Các nhà phân tích ở Bắc Kinh dự đoán rằng Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược cứng rắn tương tự như thời Donald Trump nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và chắc chắn các động thái sắp tới từ tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ không đáp ứng được kỳ vọng từ phía Bắc Kinh.

Bài liên quan
Mỹ ngăn các công ty cung cấp linh kiện vũ khí, sợ bị chuyển tới Nga
Hãng Reuters dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Matthew Axelrod cho biết Mỹ yêu cầu các công ty nước này ngừng cung cấp hàng hóa cho hơn 600 thực thể nước ngoài vì lo ngại hàng bị chuyển đến Nga để phục vụ chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biden dập tắt 'ảo mộng' của Trung Quốc trong việc hâm nóng quan hệ với Mỹ