Ông Nguyễn Minh Phúc, người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo dòng thời sự

Góc nhìn pháp lý quanh vụ người tự xưng 'đại đức Thích Tâm Phúc' bị bắt

Lam Thanh 07/12/2023 14:32

Ông Nguyễn Minh Phúc, người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Cơ quan điều tra xác định ông Phúc thường xuyên qua lại, thuê những người làm giấy tờ, bằng cấp giả liên quan tôn giáo để tạo lòng tin, nhằm lừa đảo người khác. Dù không có chức năng để làm thủ tục tách thửa đất và cũng không có mối quan hệ nào, song nhà sư giả này vẫn nhận làm dịch vụ để thu phí.

Theo điều tra, năm 2021, bà Thu, 50 tuổi, mua thửa đất hơn 420m2 ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, với giá 2,4 tỉ đồng. Một năm sau, thông qua người quen, bà nhờ "thầy" Phúc làm thủ tục tách thành 2 thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng riêng.

Ông Phúc đồng ý làm với chi phí 135 triệu đồng, nhận trước 70 triệu. Tuy nhiên, ông này đã lên mạng xã hội thuê làm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, đưa một tờ cho bà Thu để làm tin rồi yêu cầu đưa nốt phần tiền còn lại.

Sau khi hành vi giả mạo bị lộ, Phúc trốn sang Thái Lan, khi trở về nước thì bị cảnh sát triệu tập. Khám xét nhà bị can, cơ quan điều tra thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan vụ án.

phuc.jpeg
Ông Nguyễn Minh Phúc, người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" bị bắt tạm giam

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các giao dịch về bất động sản là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân nên người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Cường cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất theo trình tự thủ tục luật định để ghi nhận quyền sử dụng đất. Bất kỳ cơ quan tổ chức cá nhân nào không có thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục thì không được phép cấp loại giấy tờ này.

“Người làm giấy tờ giả hoặc giúp sức, xúi giục, chỉ đạo cho người khác làm giấy tờ giả là hành vi vi phạm pháp luật. Riêng hành vi này cũng đủ để xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức theo quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp biết là giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng vào các giao dịch dân sự, kinh tế nhằm chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự”, ông Cường nêu.

Cũng theo luật sư Cường, hành vi nhờ người khác in, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà cấp không đúng đối tượng, không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu giả sẽ bị xử lý cùng về một tội danh theo quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Còn trường hợp nếu biết là giấy tờ giả rồi nhưng vẫn sử dụng giấy tờ đó như một công cụ, phương tiện, phương thức để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Khi đó người phạm tội sẽ bị xử lý về một tội danh là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức là phương thức thủ đoạn, phục vụ cho mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Cường nói.

cuong.jpeg
TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Ông Cường cũng cho biết thời gian qua không ít các đối tượng đã lợi dụng những tính năng của mạng xã hội để đưa ra những thông tin độc, lạ, kinh dị hoặc những điều nhảm nhí... để gây sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, nổi tiếng. Sau đó, họ sử dụng sự nổi tiếng đó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản của người khác.

“Không ít kẻ giang hồ mạng hoặc các đối tượng xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội khiến nhiều người theo dõi để trục lợi, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Cường nêu.

Theo luật sư Cường, những vụ án như thế này sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những đối tượng xem nhẹ quyền lợi của người khác, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt tài sản của người khác. Những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các giang hồ mạng, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thực hiện đã trở thành những bài học cho nhiều người khi cả tin vào những hình ảnh từ bi, hào nhoáng trên không gian mạng.

Ông Cường khuyến cáo, với mỗi người dân, khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai thì cần phải tìm đến các cơ quan tổ chức có chức năng tư vấn pháp luật, có thẩm quyền trong việc thực hiện các thủ tục hành chính để thực hiện thủ tục về hành chính, thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật.

“Mọi hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, lợi dụng lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản thì đều là hành vi vi phạm pháp luật và đối tượng thực hiện hành vi này sẽ phải trả giá cho hành vi vi phạm của mình bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật”, ông Cường nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn pháp lý quanh vụ người tự xưng 'đại đức Thích Tâm Phúc' bị bắt