Về vụ cô giáo bị nhóm học sinh “quây” và xúc phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết đây là vụ việc “rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”, phải làm rõ trách nhiệm các bên.
Theo dòng thời sự

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Vụ học sinh 'quây' cô giáo rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được

Lam Thanh 06/12/2023 18:25

Về vụ cô giáo bị nhóm học sinh “quây” và xúc phạm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết đây là vụ việc “rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”, phải làm rõ trách nhiệm các bên.

Hành vi không thể chấp nhận

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều 6.12, báo chí đặt câu hỏi về vụ việc một giáo viên bị nhóm học sinh dồn ép, ném dép, xúc phạm trong lớp học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang, đề nghị tỉnh chỉ đạo xác minh làm rõ sự việc. Ông Sơn nhấn mạnh rằng đây là "việc rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được" và cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan.

"Sự việc khiến chúng ta đều bức xúc nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân khách quan một cách thấu đáo. Sau khi xác định trách nhiệm liên quan đến nhà trường, giáo viên, học sinh hay trách nhiệm tập thể, phải có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này", ông Sơn cho biết.

son.jpeg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn - Ảnh: VnExpress

Đó là ở vụ việc cụ thể, còn ở bình diện rộng hơn, theo ông Sơn, căn cơ và lâu dài là phải có biện pháp giáo dục và quản lý.

Trước hết, liên quan giáo dục, ông cho rằng phải xem xét đội ngũ giáo viên. "Chúng tôi rất tôn trọng và bảo vệ các nhà giáo, nhưng cũng cần có sự nhìn nhận lại đội ngũ giáo viên từ quy trình đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng của từng nhà giáo trong quá trình giảng dạy", ông Sơn nói.

Với nhà trường, ông Sơn cũng lưu ý cần thường xuyên theo dõi, đánh giá, vì để một việc xảy ra một sự việc như vừa qua dẫn đến rất nhiều hậu quả. Do đó, cần phát hiện, ngăn chặn sớm những vấn đề liên quan quan hệ thầy trò, quan hệ học trò trong lớp và diễn biến tâm lý học sinh, công tác quản lý trường, lớp học…

Dù bạo lực xảy ra trong nhà trường, song theo ông Sơn, trách nhiệm là của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm cả từ phía gia đình. Nhấn mạnh biện pháp cần toàn diện, ông Sơn nói đây là việc khiến các nhà lãnh đạo rất trăn trở.

Trước đó, ngày 5.12, Bộ GD-ĐT nhận được công văn của Sở GD-ĐT Tuyên Quang, báo cáo về vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, khi một số học sinh có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với giáo viên giảng dạy.

co-giao.png
Học sinh có hành động vô lễ với giáo viên

Sự việc xảy ra khoảng 10 giờ 30 ngày 29.11. Trong tiết 3 môn âm nhạc của lớp 7C, cô giáo P.T.H nhắc nhở một số học sinh chưa chịu vào lớp thì bị phản ứng. Khi tiết học bắt đầu, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Do vậy, giữa giáo viên và học sinh đã xảy ra khúc mắc.

Sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 của lớp 6A, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H., bao gồm nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng lên mạng xã hội.

Ngày 30.11, Phòng GD-ĐT huyện Sơn Dương, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh. Sau đó, nhà trường đã họp, yêu cầu giáo viên và học sinh liên quan viết tường trình.

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo, tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường.

Bộ yêu cầu các trường nên giáo dục, làm công tác tư tưởng, rèn đạo đức lối sống cho các học sinh; phối hợp với gia đình và các đơn vị liên quan để giáo dục, răn đe học sinh, đồng thời Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc đã xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương.

Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể liên quan. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu sở vào cuộc làm rõ - rút kinh nghiệm từ vụ việc lần này bởi nó dẫn đến hệ lụy không tốt trong ngành giáo dục tại địa phương.

Rà soát vụ đấu giá mỏ cát cao “đột biến”

Tại cuộc họp báo, báo chí cũng đặt câu hỏi về cuộc đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội tăng giá gấp trăm lần so với giá khởi điểm vừa qua.

Sau khi có kết quả này, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ ngăn chặn nguy cơ lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và có thể là trục lợi.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thực hiện Công điện 1087 ngày 11.11.2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá chất lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá khai thác 3 mỏ: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng-Minh Châu theo đúng quy định của pháp luật.

cat.jpeg
Rà soát quá trình đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội

Ngày 17.11.2023, Sở TN-MT đã có văn bản 8902 báo cáo UBND TP.Hà Nội kết quả. Do đây là nội dung lớn, quan trọng và có liên quan đến nhiều lĩnh vực, đơn vị nên công tác điều tra cần có thời gian tổng hợp, nghiên cứu, xem xét chi tiết, cụ thể để đánh giá cụ thể nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng về đánh giá chất lượng cho đến lập hồ sơ tổ chức đấu giá, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Ngày 21.11.2023, UBND TP.Hà Nội đã có Văn bản 13806 truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội tiếp tục nội dung này, giao cho thanh tra Thành phố chủ trì, tiếp tục cùng với Sở TN-MT và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và đánh giá cụ thể nội dung theo báo cáo của Sở TN-MT và theo đúng nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 29.11, Văn phòng UBND TP.Hà Nội tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND Thành phố, yêu cầu Thanh tra Thành phố, Sở TN-MT khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện.

“Thời hạn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là trước ngày 20.11.2023 nhưng do cần có thời gian để tổng hợp, xem xét chi tiết cụ thể, bảo đảm báo cáo của Thủ tướng theo đúng tinh thần chỉ đạo, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND TP.Hà Nội báo cáo trước ngày 15.12.2023”, ông Hải nêu.

Ông Hải cho biết hiện nay Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã đôn đốc các đơn vị phải có báo cáo kịp thời với Thủ tướng trước ngày 15.12. Khi có kết quả báo cáo Thủ tướng, UBND TP.Hà Nội sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và có báo cáo cụ thể về nội dung này theo chỉ đạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Vụ học sinh 'quây' cô giáo rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được