Một thẩm phán liên bang Mỹ ở California đã chấp thuận yêu cầu từ Google để tạm hoãn lệnh buộc gã khổng lồ công nghệ này cải tổ cửa hàng ứng dụng Android (Play Store) trước ngày 1.11 nhằm mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng về cách tải phần mềm.
Thế giới số

Google được tạm hoãn lệnh cải tổ cửa hàng ứng dụng Android nhưng bị từ chối yêu cầu khác

Sơn Vân 19/10/2024 10:58

Một thẩm phán liên bang Mỹ ở California đã chấp thuận yêu cầu từ Google để tạm hoãn lệnh buộc gã khổng lồ công nghệ này cải tổ cửa hàng ứng dụng Android (Play Store) trước ngày 1.11 nhằm mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng về cách tải phần mềm.

Thẩm phán James Donato tại Tòa án quận San Francisco hôm 7.10 đưa ra phán quyết này trong vụ kiện chống độc quyền chống lại Google do Epic Games (hãng phát triển game Fortnite) đệ trình. Google lập luận rằng phán quyết của James Donato sẽ gây hại cho công ty, tạo ra "những rủi ro nghiêm trọng về an ninh và quyền riêng tư trong hệ sinh thái Android".

James Donato vừa hoãn lệnh này để Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ số 9 xem xét yêu cầu riêng từ Google về việc tạm dừng lệnh của ông. Tuy nhiên, James Donato từ chối yêu cầu khác từ Google về việc tạm dừng lệnh trong suốt thời gian kháng cáo của công ty.

"Chúng tôi hài lòng với quyết định của Tòa án quận San Francisco về việc tạm thời hoãn thực thi các biện pháp nguy hiểm mà Epic Games yêu cầu, trong khi Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ số 9 xem xét yêu cầu của chúng tôi về việc tiếp tục hoãn thực thi trong quá trình kháng cáo", Google tuyên bố.

Epic Games gọi phán quyết của James Donato là một bước thủ tục và nói rằng tòa án "làm rõ rằng việc kháng cáo từ Google không có cơ sở và từ chối yêu cầu của họ về việc trì hoãn mở cửa các thiết bị Android cho sự cạnh tranh trong khi quá trình kháng cáo diễn ra".

Epic Games cáo buộc Google sử dụng "những lời dọa nạt và các mối đe dọa an ninh vô căn cứ để bảo vệ sự kiểm soát của họ với các thiết bị Android, đồng thời tiếp tục thu phí quá cao".

Trong vụ kiện của Epic Games, một bồi thẩm đoàn năm ngoái phán quyết Google đã độc quyền bất hợp pháp về cách người tiêu dùng tải ứng dụng trên thiết bị Android và cách họ thanh toán cho những giao dịch trong ứng dụng. Trong lệnh của mình, thẩm phán đã chấp nhận nhiều biện pháp mà Epic Games đề xuất sau phán quyết từ bồi thẩm đoàn.

Lệnh yêu cầu Google cho phép người dùng tải các nền tảng ứng dụng Android hoặc cửa hàng ứng dụng bên thứ ba cạnh tranh từ Play Store và cho phép sử dụng các phương thức thanh toán trong ứng dụng của đối thủ. Lệnh cũng cấm Google trả tiền cho các nhà sản xuất thiết bị để cài đặt sẵn cửa hàng ứng dụng của họ và chia sẻ doanh thu tạo ra từ Play Store với các nhà phân phối ứng dụng khác.

Google đã kháng cáo phán quyết chống độc quyền của bồi thẩm đoàn lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ số 9. Google chưa trình bày các lập luận chống độc quyền của mình trước tòa phúc thẩm. Trước đó, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho rằng không thể coi họ là đơn vị độc quyền vì Play Store và App Store của Apple là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp, và rằng lệnh từ James Donato sẽ buộc Google phải hợp tác kinh doanh với các đối thủ cạnh tranh một cách bất hợp pháp.

Thiết bị Android chiếm khoảng 70% thị phần smartphone trên thế giới. Một phần đáng kể doanh thu của Google Play Store đến từ game. Từ lâu Epic Games đã cố gắng thu phí loạt game do hãng phát triển mà không cần thông qua Google Play hay Apple Store (phải trả hoa hồng lên đến 30%).

google-duoc-tam-hoan-lenh-cai-to-cua-hang-ung-dung-android.jpg
Thẩm phán James Donato đã chấp thuận yêu cầu từ Google để tạm hoãn lệnh buộc gã khổng lồ công nghệ này cải tổ Play Store trước ngày 1.11 - Ảnh: Internet

Tháng 8, công cụ tìm kiếm của Google cũng bị cáo buộc độc quyền. Ngoài ra, Google còn phải đối mặt với một vụ kiện chống độc quyền khác ở lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

Trong hồ sơ tòa án hôm 8.10, Mỹ cho biết đang xem xét yêu cầu của một thẩm phán buộc Google phải bán bớt các bộ phận kinh doanh đã giúp gã khổng lồ công nghệ duy trì thế độc quyền bất hợp pháp ở lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Các công tố viên cho biết những hành động như vậy nằm trong số những biện pháp có thể đề xuất trong vụ kiện quan trọng này. Đây là vụ án có khả năng định hình lại cách người Mỹ tìm kiếm thông tin trên internet sau khi Thẩm phán liên bang Amit Mehta hôm 5.8 phán quyết rằng Google vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới. Google xử lý 90% các tìm kiếm trên internet ở Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến sẽ nộp một đề xuất chi tiết hơn lên tòa án vào ngày 20.11. Google sẽ có cơ hội đề xuất các biện pháp khắc phục của riêng mình vào ngày 20.12.

Phán quyết của Thẩm phán Amit Mehta tại tòa án liên bang Mỹ ở Washington là chiến thắng lớn cho các nhà thực thi chống độc quyền, những người đã khởi xướng hàng loạt vụ kiện đầy tham vọng chống lại các công ty công nghệ lớn trong 4 năm qua.

Google nói có kế hoạch kháng cáo và cho rằng công cụ tìm kiếm của mình đã thu hút người dùng nhờ vào chất lượng. Google cũng tuyên bố phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Amazon và các trang web khác, nơi người dùng trực tiếp tìm kiếm hàng hóa hoặc dịch vụ, và người dùng có thể chọn công cụ tìm kiếm khác làm mặc định.

Một số đối thủ cạnh tranh kêu gọi chia tách Google. Yelp kiện Google vào tháng 8, cho rằng việc tách trình duyệt Chrome và các dịch vụ AI của công ty nên được xem xét. Yelp là trang web đánh giá dịch vụ địa phương quy mô toàn cầu do công ty Yelp (Mỹ) điều hành.

Chưa hết, Yelp cũng muốn Google bị cấm ưu tiên các trang kinh doanh địa phương của mình, vốn cạnh tranh với họ, trong kết quả tìm kiếm.

Adam Epstein, Chủ tịch và đồng Giám đốc điều hành công ty quảng cáo tìm kiếm adMarketplace, nói mối đe dọa buộc Google phải bán một phần hoạt động kinh doanh có thể được sử dụng như cách để thúc ép họ đồng ý với những giải pháp nhẹ nhàng hơn nhằm khắc phục hành vi độc quyền của họ.

"Google sẽ không có động lực tuân thủ trừ khi họ có lưỡi gươm Damocles của việc chia tách treo trên đầu", Adam Epstein bình luận.

Cụm từ "lưỡi gươm Damocles" là thành ngữ dùng để chỉ mối đe dọa lớn hoặc sự nguy hiểm luôn rình rập. Ở đây, Adam Epstein muốn nói rằng Google sẽ không thực sự tuân thủ các biện pháp sửa đổi hoặc khắc phục nếu không có mối đe dọa nghiêm trọng như việc buộc phải bán hoặc chia tách một phần doanh nghiệp của họ.

DuckDuckGo kêu gọi tòa án yêu cầu Google tạo ra cơ hội cho các công ty khác có thể cải thiện công cụ tìm kiếm của mình bằng cách dựa trên dữ liệu và kết quả của mình, từ đó giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn trong thị trường tìm kiếm trực tuyến.

Microsoft (chủ sở hữu công cụ tìm kiếm Bing) và Apple (công ty nhận hàng chục tỉ USD mỗi năm từ Google) từ chối bình luận.

Phán quyết của Thẩm phán Amit Mehta hôm 5.8 mở đường cho phiên tòa thứ hai để xác định các giải pháp khắc phục tiềm năng, có thể bao gồm việc chia tách khỏi Alphabet, điều này sẽ thay đổi cảnh quan của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.

Phán quyết trên cũng là tín hiệu đèn xanh cho các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ trong việc truy tố các hãng công nghệ lớn.

"Tòa án đưa ra kết luận sau: Google là công ty độc quyền và đã hành động như một công ty độc quyền để duy trì thế độc quyền của mình", Thẩm phán Amit Mehta cho hay. Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Mỹ kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến trong tháng 9 và 95% trên smartphone.

Giai đoạn khắc phục có thể kéo dài, tiếp theo là khả năng kháng cáo lên Tòa án Quận Columbia và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc tranh chấp pháp lý có thể diễn ra vào năm 2025, hoặc thậm chí là 2026.

Alphabet cho biết có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Amit Mehta. "Quyết định này thừa nhận rằng Google cung cấp công cụ tìm kiếm tốt nhất, nhưng kết luận rằng chúng tôi không nên được phép cung cấp nó một cách dễ dàng", Google cho biết trong một tuyên bố.

Thẩm phán Amit Mehta lưu ý rằng Google đã trả 26,3 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021 để đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm của họ là mặc định trên hầu hết smartphone và trình duyệt, đồng thời giữ vững thị phần thống lĩnh của mình.

"Vị trí mặc định trên các thiết bị hoặc trình duyệt là tài sản cực kỳ có giá trị... Dù có sản phẩm tốt có thể đủ sức cạnh tranh để trở thành lựa chọn mặc định khi hợp đồng hiện tại hết hạn, một công ty mới chỉ có thể làm được điều đó nếu sẵn sàng trả cho các đối tác một khoản tiền lớn và bù đắp cho bất kỳ tổn thất doanh thu nào mà họ gặp phải do sự thay đổi này", Amit Mehta viết.

Ông cho biết thêm: "Tất nhiên Google thừa nhận rằng việc mất vị trí mặc định sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ròng của mình. Ví dụ, Google đã dự đoán rằng việc mất vị trí mặc định trên Safari sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về truy vấn và hàng tỉ USD doanh thu bị mất".

Phán quyết này là quyết định quan trọng đầu tiên trong hàng loạt vụ kiện liên quan đến cáo buộc độc quyền với các hãng công nghệ lớn. Do chính quyền Trump đệ trình cách đây vài năm, vụ kiện này đã được đưa ra trước một thẩm phán từ tháng 9 đến tháng 11.2023.

"Nếu buộc phải thoái vốn khỏi mảng kinh doanh tìm kiếm, Alphabet sẽ bị cắt đứt khỏi nguồn doanh thu lớn nhất của mình. Ngay cả việc mất đi khả năng đạt được các thỏa thuận là công cụ tìm kiếm mặc định độc quyền cũng có thể gây bất lợi cho Google", nhà phân tích cấp cao Evelyn Mitchell-Wolf của hãng Emarketer nhận định. Bà cho biết một quá trình pháp lý kéo dài sẽ trì hoãn mọi tác động tức thời với người tiêu dùng.

Trong 4 năm qua, các cơ quan quản lý chống độc quyền liên bang Mỹ cũng đã kiện Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram), Amazon và Apple, cáo buộc các công ty này đã duy trì độc quyền bất hợp pháp.

Tất cả các vụ kiện đó đều bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Khi được đệ trình năm 2020, vụ kiện Google là lần đầu tiên trong một thế hệ chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn lớn độc quyền bất hợp pháp. Microsoft đã giải quyết với Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2004 về các khiếu nại rằng hãng ép buộc người dùng Windows sử dụng trình duyệt Internet Explorer.

Bài liên quan
Google nghiên cứu AI có khả năng lý luận giống con người, cố gắng bám đuổi OpenAI
Google và OpenAI đang ở trong cuộc chiến khốc liệt để giành quyền thống trị trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam - Ba Lan nhất trí xem xét sớm nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược
7 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Ba Lan, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google được tạm hoãn lệnh cải tổ cửa hàng ứng dụng Android nhưng bị từ chối yêu cầu khác