Google, Facebook, Twitter cùng các công ty công nghệ khác sẽ phải thực hiện các biện pháp để chống lại các hành vi lừa đảo deepfake và tài khoản giả mạo trên nền tảng của họ hoặc có nguy cơ bị phạt nặng theo quy tắc cập nhật của Liên minh châu Âu (EU).

Google, Facebook, Twitter dễ bị phạt nặng nếu không thể chống các vụ lừa đảo deepfake

Sơn Vân | 14/06/2022, 09:26

Google, Facebook, Twitter cùng các công ty công nghệ khác sẽ phải thực hiện các biện pháp để chống lại các hành vi lừa đảo deepfake và tài khoản giả mạo trên nền tảng của họ hoặc có nguy cơ bị phạt nặng theo quy tắc cập nhật của Liên minh châu Âu (EU).

Deepfake là thuật ngữ được tạo nên nhờ sự kết hợp giữa deep learning và fake. Đây là một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).

Về bản chất, công nghệ deepfake được xây dựng trên nền tảng công nghệ học máy (machine learning) mã nguồn mở của hãng công nghệ Google. Sau khi quét các video và ảnh chân dung của một người cụ thể, deepfake sẽ hợp nhất hình ảnh với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói giống như thật. Càng có nhiều video và hình ảnh gốc thì AI càng hoạt động chính xác và video giả mạo có độ chân thực cao.

Các chuyên gia cho biết deepfake (công nghệ  5 năm tuổi) giờ đây đã đủ tiên tiến để người xem nói chung phải vật lộn để phân biệt nhiều video giả với thực, và phát triển đến mức hầu hết người dùng smartphone đều có thể sử dụng nó mà không cần chuyên môn gì.

Theo hãng tin Reuters, Ủy ban châu Âu dự kiến ​​sẽ công bố quy tắc cập nhật về thông tin sai lệch vào ngày 16.6 như một phần trong chiến dịch trấn áp tin tức giả mạo.

Được giới thiệu vào năm 2018, quy tắc tự nguyện giờ đây sẽ trở thành một chương trình đồng quy định, với trách nhiệm được chia sẻ giữa các cơ quan quản lý và các bên ký kết.

Quy tắc được cập nhật giải thích các ví dụ về hành vi thao túng như deepfake và tài khoản giả mạo mà các bên ký kết sẽ phải giải quyết.

"Các bên ký kết có liên quan sẽ thông qua, củng cố và thực hiện các chính sách rõ ràng liên quan đến các hành vi và thực tiễn thao túng không thể chấp nhận được trên các dịch vụ của họ, dựa trên bằng chứng mới nhất về các hành vi và chiến thuật, kỹ thuật cùng thủ tục (TTP) được sử dụng bởi những kẻ xấu", tài liệu EU cho biết.

Deepfake là những giả mạo siêu thực tế được tạo ra bởi các kỹ thuật máy tính đã gây ra cảnh báo trên toàn thế giới khi sử dụng trong bối cảnh chính trị.

Quy tắc này cũng sẽ được liên kết với các quy tắc mới cứng rắn của EU được gọi là Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) đã được 27 quốc gia EU thông qua hồi tháng 4, trong đó có một phần về chống thông tin sai lệch.

Trên thực tế, các công ty không tuân thủ các nghĩa vụ theo quy tắc có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của họ dựa trên các quy tắc DSA. Họ có 6 tháng để thực hiện các biện pháp của mình sau khi ký kết quy tắc.

Các bên ký kết cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp để giải quyết quảng cáo có chứa thông tin sai lệch và cung cấp sự minh bạch hơn về quảng cáo chính trị.

gooigle-facebook-twitter-de-bi-phat-nang-neu-khong-the-chong-cac-vu-lua-dao-deepfake-1.jpg
Hình ảnh Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky thật (phải) và được tạo bằng deepfake (trái) 

Giám đốc ngành công nghiệp EU - Thierry Breton, người đang dẫn đầu cuộc đàn áp thông tin sai lệch của EU, nói với Reuters trong một tuyên bố: “DSA cung cấp xương sống pháp lý cho Bộ Quy tắc Thực hành chống lại thông tin sai lệch, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt nặng nề".

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu - Vera Jourova cho biết cuộc tấn công Ukraine của Nga đã củng cố một số thay đổi trong bộ quy tắc.

Bà nói: “Một khi bộ quy tắc đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn để giải quyết các thông tin sai lệch, bao gồm cả đến Nga”.

EU thông qua đạo luật lịch sử

EU đã đồng ý về các quy định kỹ thuật số mới vào ngày 23.4 sẽ buộc những gã khổng lồ công nghệ phải giám sát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của họ mạnh mẽ hơn, nếu không có nguy cơ bị phạt nhiều tỉ USD.

Google và YouTube (thuộc Alphabet), Facebook và Instagram (thuộc Meta), TikTok, Twitter cùng các nền tảng trực tuyến lớn khác sẽ phải làm nhiều việc hơn để xử lý nội dung bất hợp pháp hoặc có nguy cơ bị phạt nặng theo các quy tắc internet mới được đồng ý giữa 27 quốc gia EU và các nhà lập pháp EU vào ngày 23.4.

Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về DSA sau hơn 16 giờ đàm phán. Đây là đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết nội dung bất hợp pháp và có hại bằng cách yêu cầu các nền tảng nhanh chóng gỡ bỏ nội dung đó.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen đã ban hành một tuyên bố gọi đạo luật này là “lịch sử”.

DSA sẽ nâng cấp các quy tắc cơ bản cho tất cả dịch vụ trực tuyến ở EU. Nó sẽ đảm bảo rằng môi trường trực tuyến vẫn là một không gian an toàn, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số. Nó mang lại hiệu quả thiết thực cho nguyên tắc rằng những gì ngoại tuyến là bất hợp pháp, chứ không phải riêng trực tuyến. Quy mô càng lớn, trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến càng lớn”, bà Ursula von der Leyen nói.

Một phần quan trọng của luật sẽ hạn chế cách các gã khổng lồ kỹ thuật số nhắm mục tiêu người dùng bằng các quảng cáo trực tuyến. DSA sẽ ngăn chặn hiệu quả các nền tảng nhắm mục tiêu người dùng bằng các thuật toán sử dụng dữ liệu nhạy cảm dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc tôn giáo của họ. Nhắm mục tiêu đến trẻ em bằng quảng cáo cũng sẽ bị cấm.

Các mô hình đen tối, là chiến thuật đánh lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty (hay đẩy người dùng đến với một số sản phẩm và dịch vụ nhất định), cũng sẽ bị cấm.

DSA là mũi nhọn thứ hai trong chiến lược chống độc quyền của Margrethe Vestager - Giám đốc phụ trách chống độc quyền của EU nhằm kiềm chế Google, Meta và các gã khổng lồ công nghệ khác.

Tháng 3, bà Margrethe Vestager đã giành được sự ủng hộ từ khối 27 quốc gia châu Âu và các nhà lập pháp với các quy tắc mang tính bước ngoặt được gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) có thể buộc Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft thay đổi các phương thức kinh doanh cốt lõi của họ ở châu Âu.

"Chúng tôi có một thỏa thuận về DSA: Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số sẽ đảm bảo rằng những gì ngoại tuyến bất hợp pháp cũng được xem và xử lý là bất hợp pháp trực tuyến - không phải như một khẩu hiệu mà thực tế", Margrethe Vestager cho biết trong một tweet.

Từng kêu gọi áp dụng các quy tắc như vậy 8 năm trước, nhà lập pháp EU - Dita Charanzova hoan nghênh thỏa thuận này.

"Google, Meta và các nền tảng trực tuyến lớn khác sẽ phải hành động để bảo vệ người dùng của họ tốt hơn. Châu Âu nói rõ rằng họ không thể hoạt động như những hòn đảo kỹ thuật số độc lập", bà Dita Charanzova nói.

Trong một tuyên bố, Google cho biết: "Khi luật được hoàn thiện và triển khai, các chi tiết sẽ quan trọng. Chúng tôi mong muốn được làm việc với các nhà hoạch định chính sách để nắm được các chi tiết kỹ thuật còn lại nhằm đảm bảo luật phù hợp với mọi người".

Theo DSA, các công ty phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 6% doanh thu toàn cầu vì vi phạm các quy tắc, trong khi vi phạm nhiều lần có thể khiến họ bị cấm kinh doanh ở EU.

Các công ty công nghệ sẽ được yêu cầu thực hiện các quy trình mới được thiết kế để gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp như lời nói căm thù, kích động khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em. Các thị trường thương mại điện tử như Amazon cũng phải ngăn chặn việc mua bán hàng hóa bất hợp pháp theo các quy định mới.

Việc không tuân thủ các quy tắc có thể bị phạt tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu của các công ty. Với Meta, công ty mẹ của Facebook, điều đó có thể đồng nghĩa với mức phạt lên tới 7 tỉ USD dựa trên số liệu bán hàng năm 2021.

Các công ty có thể bị buộc phải giao dữ liệu liên quan đến các thuật toán của họ cho các nhà quản lý và nhà nghiên cứu.

Các công ty cũng phải trả một khoản phí hàng năm lên đến 0,05% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới để trang trải chi phí giám sát sự tuân thủ của họ.

Nhà lập pháp EU - Martin Schirdewan đã chỉ trích việc miễn trừ được cấp cho các công ty quy mô vừa.

"Dưới áp lực của phe bảo thủ, một quy tắc ngoại lệ cho các công ty quy mô vừa đã được tích hợp, đây là một sai lầm. Do số lượng lớn các công ty theo định nghĩa này trong lĩnh vực kỹ thuật số, ngoại lệ giống như một kẽ hở", ông nói.

DSA sẽ có hiệu lực vào năm 2024.

DSA tách biệt với DMA, nhưng cả hai đều đi kèm với mối đe dọa về tiền phạt khổng lồ. Trong khi DMA tìm cách hạn chế sức mạnh thị trường của các hãng công nghệ lớn, DSA lại nhằm đảm bảo các nền tảng loại bỏ nội dung độc hại một cách nhanh chóng.

Luật sẽ ảnh hưởng đến các trang web có nội dung do người dùng tạo như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube và TikTok.

Bài liên quan
Công cụ deepfake lột quần áo tạo ảnh khỏa thân trên Telegram gây hoang mang
Công cụ deepfake gây xôn xao trên ứng dụng Telegram với tính năng giả mạo ảnh khỏa thân từ ảnh phụ nữ có mặc quần áo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google, Facebook, Twitter dễ bị phạt nặng nếu không thể chống các vụ lừa đảo deepfake