VCCI cho rằng chỉ tiêu “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số” trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững là quá nhỏ.

Góp ý của VCCI: Chỉ tiêu '30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số' là quá nhỏ

Lam Thanh | 01/09/2022, 13:35

VCCI cho rằng chỉ tiêu “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số” trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững là quá nhỏ.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số là quá nhỏ

Về mục tiêu chung, VCCI cho rằng nghị quyết cần hướng tới các mục tiêu lớn như hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững; đồng thời góp phần xây dựng nền tảng để hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước theo Nghị quyêt Đại hội Đảng lần thứ 13.

Cụ thể, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Nghị quyết cũng nên có thêm mục tiêu khơi dậy tinh thần và khí thế mới trong hoạt động kinh doanh, đồng thời xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh theo định hướng của Đảng, tương xứng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Về các mục tiêu cụ thể, VCCI nhận xét trong dự thảo hiện nay có nhiều điểm chưa rõ, nên cân nhắc hoàn thiện, bổ sung theo hướng đề ra các chỉ tiêu mang tính tiêu chí tương ứng với mục tiêu phát triển của đất nước vào năm 2025, hướng tới 2030 và 2045.

Theo VCCI, về mục tiêu: “Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu” chưa làm rõ được tỷ trọng, vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước như thế nào so với các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước mới là động lực bền vững lâu dài, rường cột cho sự phát triển của quốc gia.

Mục tiêu “khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, “100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số” rất khó định lượng và đánh giá kết quả đạt được.

Dự thảo đặt ra chỉ tiêu “đạt 1,5 triệu doanh nghiệp” thì chưa rõ số doanh nghiệp này là “đăng ký thành lập” hay là “đang hoạt động”. Xác định số doanh nghiệp đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy và tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh có thể hoạt động.

Hơn nữa, Nghị quyết 10 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, đề nghị quy định rõ về mục tiêu này theo hướng: đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.

Điểm 2.d đặt ra chỉ tiêu “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số”. VCCI cho rằng số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ theo dự thảo là quá nhỏ. Nếu con số mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động đạt được, cộng với số hợp tác xã và hộ kinh doanh, thì chỉ tiêu này chiếm một tỷ lệ rất thấp.

cds.jpg
VCCI cho rằng chỉ tiêu “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số” là quá nhỏ

Mặt khác, Dự thảo cũng không nêu rõ mức độ chuyển đổi số như thế nào. Do vậy, đề nghị nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và làm rõ mức độ chuyển đổi số.

VCCI góp ý, về phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước: Doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP (hiện tại mới đóng góp khoảng 9% GDP). Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ.

Doanh thu từ kinh doanh số tăng ít nhất 10%/năm

Về thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp: Đến 2025 chuyển đổi ít nhất 10% số hộ kinh doanh có đăng ký chính thức sang thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phát triển theo hướng phát triển bền vững: Đến 2025 có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.

Với nội dung tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới 2025.

Còn mục tiêu tăng cường chất lượng nhân lực: Đến năm 2025, tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF (hiện Việt Nam xếp hạng 93/141 quốc gia); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.

Về phát triển kinh tế số: Doanh thu từ kinh doanh số của các doanh nghiệp tăng trung bình ít nhất 10% mỗi năm. Số lượng doanh nghiệp có chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ tăng trung bình 10% mỗi năm.

Đối với mục tiêu đẩy mạnh khai thác ưu đãi của các hiệp định FTA, VCCI góp ý: Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA đạt 40-45%. (Hiện nay, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan trung bình theo các FTA của Việt Nam khá khiêm tốn, năm vừa qua chỉ đạt 32.7%. Cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan, bởi đây là khía cạnh lợi ích dễ hiện thực hóa nhất của các FTA từ góc độ doanh nghiệp).

Về xây dựng thể chế, dự thảo đưa ra quan điểm “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý” là phù hợp, tạo ra cơ chế quản lý vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, “nguyên tắc quản lý rủi ro” được áp dụng trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan…, đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đồng thời giảm bớt gáng nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc này trong cơ chế quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới, cụ thể như sau: “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý”;

Bài liên quan
Báo chí TP.HCM cần bắt kịp chuyển đổi số, không để tụt hậu so với nền tảng mạng xã hội
Chiều 19.4, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản năm 2023, phương hướng và nhiệm vụ năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý của VCCI: Chỉ tiêu '30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số' là quá nhỏ