“Trong văn phong pháp luật không có chữ 'vỡ đê theo kế hoạch'. Còn trong kỹ thuật được gọi là 'chủ động cho tràn qua đê', mà đoạn tràn đó được gọi là 'tràn sự cố' chỉ dài khoảng vài chục mét, được gia cố kỹ để không bị vỡ”, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết.
Chiều ngày 13.10, trong cuộc họp báo thông tin về tình hình lụt bão của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho hay, 9.900 m đê Bùi ở xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị lũ cuốn trôi là vỡ “có kế hoạch”.
"Nếu nói vỡ đê thì chưa hẳn đúng, mà đây là trong quá trình nước tràn thì một điểm đê yếu, bị mất chân thì nó phá luôn cả điểm đó. Nước sau đó tràn vào vùng chứa lũ và chúng ta đã chủ động đưa nước vào bờ hữu của sông Bùi để đảm bảo an toàn cho đê Tả Bùi. Việc vỡ này, hay còn gọi tràn để tránh vỡ chân đê, là có chủ động và (nước) vào vùng chứa lũ chứ không phải vùng được bảo vệ tuyệt đối", ông Thịnh nói.
Phát ngôn này của ông Đỗ Đức Thịnh đã nhanh chóng gây nên nhiều tranh cãi trong vài ngày qua.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, trong văn phong pháp luật không có chữ “vỡ đê theo kế hoạch”.
Ông Hồng giải thích, trong kỹ thuật thì sự cố vỡ đê Hữu Bùi là “chủ động cho tràn qua đê” và đoạn tràn gọi là “tràn sự cố”, chỉ dài khoảng vài chục mét, được gia cố kỹđể bảo vệ toàn tuyến đê.
“Theo quy hoạch đê Hà Nội thì đoạn đê mà người dân gọi là “vỡ đê” chính là đoạn đê nằm trong diện phân lũ của sông Bùi. Có nghĩa là khi thiết kế đã chủ động thiết kế cao trình đê chỉ chịu được lũ nhỏ, ngôn ngữ kỹ thuật gọi là lũ thiết kế.Còn khi lũ lớn hơn thì cho phép nước tràn qua, chảy vào khu phân lũ, mà không cho chảy vào sông Bùi, nhằm bảo vệ đê chính sông Bùi không bị vỡ. Bởi nếu đê chính vỡ, thiệt hại lớn hơn nhiều”, ông Hồng phân tích.
Theo ông, quy hoạch phân lũ này đã có từ lâu (khi còn Bộ Thủylợi) và tương tự như vùng phân lũ tràn Lạc Khoái, Gia Viễn ở Ninh Bình, hoặc lớn hơn như vùng phân lũ Chương Mỹ, Mỹ Đức của sông Đáy.
“Như phân tích ở trên, thì đoạn đê đó chỉ được phép cho nước tràn qua, mà không được vỡ. Thực tế vừa qua, nước đã tràn qua đê và có một đoạn bị vỡ nên mới gây thiệt hại như người dân phản ánh”, ông Vũ Trọng Hồng khẳng định.
Về quy hoạch phân lũ ở vùng đê Hữu Bùi, ông Hồng cho biết, chủ trương những vùng phân lũ đều do Bộ Thủylợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) lập quy hoạch.
Trước đó, ông Đỗ Đức Thịnh đã trả lời báo chí về khu vực đê Hữu Bùi vừa được đầu tư làm đường bê tông vào giai đoạn 2015 - 2016, chủ đầu tư dự án là một Ban quản lý của Sở NN-PTNT. Tuy nhiên, đoạn đường bê tông được đầu tư không chịu được lũ, dẫn tới vỡ đê.
Giáo sư Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh: “Từ sự cố đê Hữu Bùi, cần xem xét lại chất lượng thiết kế và thi công đoạn đê đó để kịp thời sửa chữa và nâng cấp, Những cơ sở hạ tầng không được làm quy mô lớn ảnh hưởng đến dung tích chứa lũ”.
Vị này cũng đặt ra giải pháp trước mùa lũ chính quyền địa phương phải đi kiểm tra, nhắc nhở người dân thu hoạch mùa màng, sơ tán người và của khỏi bị ngập lũ.Trong mùa lũ phải thông tin kịp thời cho người dân biết về tình hình mực nước lũ về để người dân kịp thời ứng phó, trước khi lũ lớn hơn tràn qua đê.
Cũng trao đổivới Một Thế Giới, ông Hoàng Minh Hiến, Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết đê sông Bùi bị lở 15 mvà ngập cũng tương đối nặng.
Vị này cho rằng đây là vùng chịu ảnh hưởng của mưa và lũ những ngày qua. Lũ từ Lương Sơn (Hòa Bình) ra và tập trung ở sông Bùi và các suối nhỏ. Cộng với mấy ngày gần đây, lượng mưa trung bình lớn nên nước sông Bùi lên rất cao. Sông Bùi có 2 đê tả và hữu, vùng bị ảnh hưởng là các xã bên Hữu Bùi, nhiều nơi bị ngập, tràn, đoạn đê lở 15 m. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng ứng cứu.
Trịnh Giang