Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết như vậy. Theo ông, Hà Nội xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực.
Số ca nhiễm đang giảm dần
Tại buổi thông tin báo chí về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Thành ủy Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết Hà Nội đã trải qua tròn 50 ngày với 4 đợt giãn cách, số ca mắc trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng giảm dần.
Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng gần 50%; giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3 chiếm khoảng 30%; cuối giai đoạn 3 đến đầu giai đoạn 4 giảm xuống còn 8,7%. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, chủ yếu là các ca mắc trong các khu cách ly, phong tỏa.
Để nâng cao năng lực y tế, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; nâng cao năng lực của tất cả các cơ sở y tế và đã xây dựng phương án cao, dự kiến có tới 40.000 F0, giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này.
Thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 F0; đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng 1). Còn tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường ở tầng 3. Thành phố cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40.000 người bệnh cùng lúc.
Về cơ sở cách ly, Hà Nội hiện nay mới sử dụng chưa đến 9% công suất. Thành phố cũng giao cho các quận, huyện, thị xã (trừ 4 quận nội đô) phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung của mình, với công suất từ 1.000-5.000 chỗ.
“Cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua là thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh; nâng cao năng lực, chuẩn bị ở mức cao của ngành y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn”, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết.
Ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch
Cũng theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, mặc dù thực hiện Chỉ thị 16 nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh và đã điều chỉnh lại hoạt động của các chợ dân sinh, các siêu thị và cửa hàng tiện ích, đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men của người dân trong 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy.
Theo ông Phong, rút kinh nghiệm từ một số địa phương, Hà Nội đã ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch. Tất cả các quận, huyện, phường, xã đều khai thác các nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công tác thông tin liên lạc, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Thành phố cũng lập Sở Chỉ huy kết nối đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; xây dựng phần mềm quản lý, phân loại F0, điều phối F1; lập tổng đài 1022 với 6 nhánh, trong đó có khai báo y tế, kết nối với CDC, 115 và phản ánh về vi phạm trong công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, theo Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, qua quá trình tổ chức phòng chống dịch, lãnh đạo thành phố nhận thấy một số mục tiêu chưa đạt, chưa đồng đều ở một số địa phương, đơn vị, như: Vẫn còn tính hình thức nên có nơi phong tỏa bên ngoài chặt nhưng bên trong còn lỏng; còn hiện tượng lượng người ra đường đông, không đúng như mục tiêu đặt ra khi thực hiện Chỉ thị 16; chỗ này chỗ khác có hiện tượng chủ quan, lơ là; qua các đợt xét nghiệm diện rộng vẫn phát hiện F0 trong cộng đồng…
Theo ông Phong, Hà Nội vẫn phải tạo điều kiện giao lưu hàng hóa nên nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn. Không thể khẳng định Hà Nội không còn F0 ngoài cộng đồng. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung quyết liệt, thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân đến ngày 15.9. Đây là sự chỉ đạo đúng đắn.
Với năng lực của thành phố hiện tại đang được tăng lên nhưng để đảm bảo kế hoạch đề ra, Thủ tướng đề nghị 11 tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và tiêm vắc xin. Hà Nội đang cố gắng thực hiện việc này để sớm đạt mục tiêu đề ra.
Không thể giãn cách, phong tỏa mãi được
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết Hà Nội xác định không nên, không thể giãn cách, phong tỏa mãi được. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn.
Chính vì thế, thành phố chia thành 3 vùng là để tập trung chống dịch. Trong đó tập trung kiểm soát chặt vùng 1- nơi có nguy cơ cao nhất. Thực tế với cách phân vùng này, các quận, huyện, thị xã thuộc vùng 2 và vùng 3 đã nới lỏng rất nhiều hoạt động.
Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày, nên dự kiến số vắc xin được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong 1-2 ngày tới. Nếu được phân bổ đủ vắc xin, thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra. Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn ngày 12.9.
Tuy nhiên, theo Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để bảo vệ thành quả chống dịch thì việc hạn chế người ra đường là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần hạn chế dịch lây lan. Các quy định của pháp luật về cơ bản đã có nhưng bên cạnh những việc các cơ quan quản lý đang thực hiện (như cấp giấy đi đường, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt...) thì câu chuyện ý thức trách nhiệm, ý thức tự giác, ý thức chấp hành pháp luật có ý nghĩa quyết định.