Bộ Chính trị thống nhất với tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (có bổ sung từ “tiêu cực”) để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Ngày 10.9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng nói riêng và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Theo Tổng Bí thư, điều này làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, công tác phòng chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
"Hai lĩnh vực này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống", Tổng bí thư nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tổng Bí thư cho rằng những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân cơ bản là do công tác phòng chống tiêu cực tuy đã được quan tâm chỉ đạo nhưng còn phân tán, thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng và tiêu cực là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Về tên gọi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Bộ Chính trị thống nhất với tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (có bổ sung từ “tiêu cực”) để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Về đối tượng chỉ đạo phòng chống tiêu cực, Bộ Chính trị xác định là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, để bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo phòng, chống tiêu cực.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ (gọi chung là vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm).