Giá xe buýt nhanh - BRT của Hà Nội theo quyết định phê duyệt trúng thầu khoảng 5,03 tỉ đồng/xe, trong đó giá bao gồm thuế là 4,91 tỉ đồng/xe, còn lại là các chi phí vận hành, đào tạo lái xe và nộp thuế VAT....
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo ngày 8.3 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội về nghi vấn BRT “đội giá”.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, hợp phần BRT là một trong ba hợp phần thuộc dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt từ năm 2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới.
Riêng về hạng mục BRT, tổng giá trị thực hiện đến thời điểm kết thúc dự án khoảng 35 triệu USD, thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được duyệt là 53,6 triệu USD.
Đấu thầu lại vì đàm phán thất bại
Theo báo cáo, gói thầu đoàn xe BRT được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi và Sở Giao thông vận tải Hà Nội - chủ đầu tư- phê duyệt nhà thầu trúng thầu là liên danh Openasia Equipment Limited – Volvo Bus.
Tuy nhiên, việc đàm phán, thương thảo hợp đồng với nhà thầu này không thành công.
Lý do là nhà thầu đưa ra các điều kiện làm thay đổi điều kiện chung đã quy định trong hồ sơ mời thầu và không chấp nhận yêu cầu của bên mời thầu về điều khoản tạm ứng, thanh toán hợp đồng.
Đồng thời, nhà thầu không chấp nhận thực hiện gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu cũng như gia hạn bảo lãnh dự thầu tương ứng theo yêu cầu của bên mời thầu.
Vì vậy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã quyết định hủy kết quả đấu thầu. Phía Ngân hàng thế giới cũng thống nhất với việc này.
Sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã tiến hành đấu thầu lại.
Liên danh công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã trúng thầu với giá 176,29 tỉ đồng (tương đương 7,9 triệu USD).
Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết giá trúng thầu nói trên đã bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí kiểm tra xe và thuế.
Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết xe buýt của Liên danh công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải được thiết kế với các đặc tính, thông số kỹ thuật cao.
Hiện tại, toàn bộ gói thầu đoàn xe chưa được quyết toán.
Thực hư giá trị bảo hiểm
Liên quan đến các gói thầu bảo hiểm của dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết giá trị không lớn như báo Nhân dân đã nêu.
Cụ thể, gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng đường và trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến – bến xe Yên Nghĩa có giá trị 122 triệu đồng, không phải 121,597 tỉ đồng.
Bảo hiểm công trình gói thầu gia cường cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà có giá trị 20 triệu đồng, không phải 19,972 tỉ đồng.
Bảo hiểm công trình xây lắp gói thầu xây dựng đường từ Bộ Y tế - Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ có giá trị 7,6 triệu đồng, không phải 7,554 tỉ đồng.
Bảo hiểm công trình xây lắp gói thầu xây dựng khu bảo dưỡng sửa chữa trong bến xe Yên Nghĩa có giá trị 20 triệu đồng, không phải 20,326 tỉ đồng.
Xe BRT có bị đội giá?
Theo ông Mai Phước Nghê - phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh xe tải, xe bus của Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) - liên doanh Công ty CP Thiên Thành An và THACO trúng thầu vào ngày 5-11-2015, được Sở giao thông vận tải Hà Nội phê duyệt.
Tổng giá trị gói thầu 176,29 tỉ đồng (tương đương 7,9 triệu USD).
Cụ thế, mức giá 12,3 triệu USD là mức dự thầu mà THACO đưa ra trước đó, còn giá trúng thầu thực tế khoảng 7,6 triệu USD. Trong số bốn nhà dự thầu ở lại cuối cùng thì THACO là nhà thầu có mức giả rẻ nhất.
Cụ thể, trong biên bản trúng thầu có thể hiện rõ giá trị trúng thầu gồm VAT là hơn 176 tỉ đồng. Không những về giá mà các yếu tố khác như thời gian thực hiện, chế độ hậu mãi... THACO cũng đạt nhiều ưu thế hơn so với các đối thủ dự thầu khác.
Về dư luận so sánhdòng xe THACO BRT TB120 và HYUNDAI UNIVERSE -NOBLE, ông Nghê khẳng định so sánh như vậy khá khập khiễng khi các xe không cùng chủng loại và xuất xứ.
Xe BRT mà THACOtham gia cung cấp được đặt hàng theo dự án, có các đặc tính kỹ thuật cao hơn các loại xe khách thông thường. (Đ.DÂN)