Giá rau xanh tăng chóng mặt vì mưa bão, giờ lại "té nước theo mưa" theo xăng dầu. Người dân "hoa mắt" đi chợ, còn tiểu thương thì ngao ngán khi nhập hàng.
Theo ghi nhận của PV Một Thế Giới tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như: chợ Xanh Định Công, chợ Láng Hạ, chợ Thành Công, chợ 8/3, chợ Hàng Da... giá các mặt hàng rau xanh đang tăng chóng mặt.
Cụ thể, trước lúc mưa bão, các loại rau chỉ có giá 5.000 đồng/bó, giờ tăng lên gấp 3, thậm chí là gấp 4 lần, như: rau muống tăng lên 20.000 - 25.000 đồng/bó, rau mùng tơi, cải cúc, cải ngọt có giá 20.000 đồng/bó, ngải cứu 15.000 đồng/bó...
Rau mùi, rau thơm, xà lách từ 30.000 - 40.000 đồng/kg giờ cũng tăng lên 80.000 - 90.000 đồng/kg, bắp cải và súp lơ xanh tăng gấp đôi lần lượt là 30.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg.
Đặc biệt, hành lá tăng gấp 3 lần từ 20.000 đồng lên tới 60.000 - 70.000 đồng/kg mà vẫn không có hàng để bán. Chị Nguyễn Thị Xuân - một tiểu thương bán rau ở chợ Thành Công cho biết, giá rau xanh đang tăng mạnh vì mưa bão kéo dài khiến các loại rau bị dập nát nhiều, khó vận chuyển, nguồn cung khan hiếm.
"Giá các loại rau xanh, rau thơm tăng gấp 4 - 5 lần thì đến chúng tôi còn ngại nhập chứ nói gì đến người mua. Ví dụ như rau thì là tăng gấp 6 lần, từ 30.000 đồng/kg lên đến gần 180.000 đồng/kg, khách hỏi từ sáng mà đắt quá lại không mua nữa", chị Xuân nói.
Chị Lưu Thu Hương (đường Láng, Hà Nội) kể: Ngày nào chị cũng đi chợ Láng Hạ mua thực phẩm, nhưng hôm nay (28.10) bất ngờ vì các loại rau xanh tăng giá chóng mặt. Vừa hôm qua (27.10) chị đi chợ rau muống vẫn 15.000 đồng/bó, nay đã tăng lên 25.000 đồng/bó, chị chuyển sang mua cải bắp, súp lơ, rau thơm thì thấy tăng gấp 3-4 lần so với 2 ngày trước, đắt hơn cả thịt.
"Rau xanh đắt quá, lại bị dập nát nhiều. Sáng nay tôi đi chợ ai cũng kêu vì giá rau tăng cao. Dự kiến mưa trong 1 tuần tới, các bác bán rau bảo giá chưa có dấu hiệu giảm", chị Hương ngao ngán nói.
Không chỉ rau xanh, mưa bão cũng đẩy giá nhiều mặt hàng như hải sản, thịt lợn, thịt gà, thịt bò... tăng từ 20 - 30%.
Đáng nói, khi biết mỗi lít xăng đắt thêm 1.400 đồng lên hơn 24.000 đồng/lít, dầu cũng đắt thêm hơn 1.000 đồng, nhiều tiểu thương cho biết, giá xăng tăng mạnh cùng với việc vận chuyển khó khăn do dịch bệnh khiến chi phí vận chuyển tăng cao, lúc này buộc các mặt hàng phải tăng giá.
Một tiểu thương làm đầu mối chuyên cung cấp đồ khô, gia vị cho các nhà hàng cho biết, khi biết giá xăng tăng cao, giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào đã tăng theo. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng vẫn phải cầm chừng chưa tăng vội vì sợ mất khách sau khi mới mở cửa trở lại sau dịch. Nhưng với đà tăng của giá xăng dầu vừa qua, thời gian tới sẽ có rất nhiều mặt hàng tăng giá theo. Vì khâu vận chuyển của nhiều mặt hàng có chi phí tương đối cao trong giá thành sản phẩm.
Giới chuyên gia lo ngại, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo tình trạng "té nước theo mưa" của nhiều loại hàng hóa, từ đó làm tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2021. Trước tình hình này, các chuyên gia đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý giá cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả tất cả các mặt hàng thiết yếu để có thể ổn định thị trường trong những tháng cuối năm.
Trong khi đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số CPI những tháng cuối năm sẽ chịu áp lực tăng từ giá xăng dầu và ảnh hưởng của thời tiết mưa lũ có thể tác động tăng giá cục bộ tại một số địa phương.
Cục Quản lý giá đánh giá: "Việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra".