Ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của TP.Hà Nội sau cơn bão số 3 và mưa lũ là trên 2.286 tỉ đồng. Lãnh đạo TP.Hà Nội cho biết sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hà Nội sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân cuối năm

Tuyết Nhung 19/09/2024 20:05

Ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của TP.Hà Nội sau cơn bão số 3 và mưa lũ là trên 2.286 tỉ đồng. Lãnh đạo TP.Hà Nội cho biết sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm.

Ngày 19.9, báo cáo về kế hoạch khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.286 tỉ đồng.

hang-hoa.jpg
TP.Hà Nội sẽ lên phương án đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân cuối năm - Ảnh: IT

Trong đó, đối với trồng trọt thiệt hại khoảng 1.956 tỉ đồng; chăn nuôi ước thiệt hại 31,8 tỉ đồng; thủy sản ước thiệt hại 298,9 tỉ đồng. Chưa kể mưa bão đã gây ra 32 sự cố sạt lở liên quan đến đê điều, ảnh hưởng đến đê điều, bờ bãi sông; gây ra 151 sự cố công trình thủy lợi.

Giám đốc Sở NN - PTNT cũng đề xuất UBND TP cấp bổ sung nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; ngân hàng chính sách cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên các đối tượng bị thiệt hại có nhu cầu vay để phục hồi và phát triển sản xuất; kịp thời bố trí kinh phí để khắc phục các công trình đê điều, thủy lợi phục vụ ổn định đời sống nhân dân và phát triển sản xuất...

Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết để chủ động nguồn hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp làm việc với các nhà cung cấp để đẩy mạnh lượng cung ứng hàng hóa (trong đó các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, củ quả tăng gấp 2 so với ngày bình thường). Khi TP bị ảnh hưởng do mưa bão gây úng ngập, các doanh nghiệp tăng cường vận chuyển hàng hóa liên tục đến các điểm bán, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, tăng cường thời gian mở cửa phục vụ người dân.

Đối với mặt hàng rau củ (nguồn cung, giá bán bị ảnh hưởng do mưa bão, úng ngập khiến nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng, thu hoạch vận chuyển khó khăn), các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thêm từ các tỉnh phía Nam, TP Đà Lạt (tăng số chuyến hàng vận chuyển và tăng số lượng hàng hóa mỗi chuyến) để bổ sung ngay lượng hàng còn thiếu phục vụ nhân dân.

Để tăng cường đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân sau bão số 3 và dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán 2025, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn (nhất là các khu vực bị úng, ngập) để kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp điều tiết, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, sở cũng phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng bởi mưa, bão nắm chắc nguồn cung các mặt hàng thiết yếu của các tỉnh có thể cung ứng cho Hà Nội;

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt phục vụ nhân dân... Đồng thời sở đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị của TP nên cần thiết phải có những phương án để TP xử lý ngay để làm sao hỗ trợ kịp thời cho bà con, cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP khắc phục sau bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu sau cuộc họp ngày hôm nay tiếp tục giao cho Sở NN - PTNT chủ trì, phối hợp cùng với các sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính và Văn phòng UBND TP tập trung cao độ hoàn thiện báo cáo đánh giá tổng quan (về thiệt hại, kế hoạch phục hồi sản xuất, mục tiêu, giải pháp từ nay cho đến năm 2025...) phục vụ cuộc họp Thường trực Thành ủy tới đây.

Liên quan về các dự án xử lý khẩn cấp, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở NN - PTNT phối hợp các sở ngành liên quan cử người tham gia thiết lập các hồ sơ xử lý khẩn cấp theo đúng quy định của luật. "Việc này phải giải quyết nhanh, đúng đối tượng, đúng quy trình", ông Quyền nhấn mạnh.

Về nhóm đầu tư cải tạo nâng cấp, Sở NN - PTNT cùng các sở ngành liên quan sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, bổ sung vào kế hoạch 2025 kịp thời.

Về chính sách hỗ trợ vụ Đông, Phó chủ tịch UBND TP cơ bản nhất trí với báo cáo của Sở NN - PTNT, tuy nhiên yêu cầu sản phẩm phải phù hợp, đúng đối tượng, đúng nhu cầu với tinh thần là để phục hồi sản xuất kinh doanh, bù đắp thiệt hại sau bão gây ra, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuối năm.

Bài liên quan
Hà Nội dỡ lệnh cấm phương tiện qua cầu Long Biên và cầu Đuống
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dỡ lệnh cấm cầu Long Biên và cầu Đuống từ 15 giờ chiều 13.9, sau khi mực nước sông Hồng và sông Đuống giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM đã có chính sách cho chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Đó là thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại buổi đối thoại với Đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM ngày 3.10.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân cuối năm